Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

GIA ĐÌNH NGHỆ SĨ DÒNG DÕI TÔN THẤT

Thứ bảy - 12/03/2016 14:43
Cả ba anh em Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lan, Tôn Nữ Nguyệt Minh đều là những nghệ sĩ piano hàng đầu Việt Nam. Bạn bè quốc tế biết đến anh em dòng họ Tôn Thất là những nghệ sĩ với các ngón đàn tài hoa, bác học và cảm xúc tinh tế.

gí dinh ton thatGiáo sư - nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm là người duy nhất từng đoạt danh hiệu “Nghệ sĩ piano hòa tấu xuất sắc nhất” tại bốn cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovski (Moskva1990), Glink (Xmôlen1993), Glulaev (1993), Kaliningad (1994) và cũng là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất được mời là giảng viên tại Trường đại học Tổng hợp văn hóa  Quốc gia Moskva (1992 -1996). Tiếng đàn tài hoa của ông đã vang lên ở khắp bốn phương trời từ: Nước Nga, Ucraina, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, đến Italia, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mỹ...

Ba anh em đều là nghệ sĩ piano hàng đầu của đất nước

Được biết, dòng dõi Tôn Thất vốn là một dòng tộc lớn trong cung đình Huế. Ông nội nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm là nhà nho, tuy làm đến phẩm Thượng thư trong triều đình Huế, nhưng cuộc sống gia đình rất thanh bạch, cha mẹ phải tần tảo để cho con đi học.

Cha nghệ sĩ Tôn Thất Triêm là Tôn Thất Hoạt đang học năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội cùng thế hệ với Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ (cũng là những người gốc Huế), do đạt thành tích xuất sắc trong học tập nên ông được học bổng du học tại Pháp giữa những năm 30 của thế kỷ trước, và trở thành một trong những chuyên gia đầu tiên của Nhãn khoa Việt Nam. Ông góp phần đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ của Việt Nam, đồng thời chữa trị, góp phần đem lại ánh sáng cho rất nhiều bệnh nhân, nhất là trong thời gian chiến tranh giữa những năm 50 của thế kỷ trước.

Cha mẹ ông, mặc dù có thể được đãi ngộ rất cao dưới chế độ miền Nam trước đây, nhưng vẫn tập kết ra miền Bắc chấp nhận cuộc sống khó khăn, đồng hành cùng dân tộc trong những năm ác liệt nhất của thời chiến. Mẹ nghệ sĩ Tôn Thất Triêm là nhà giáo Vũ Thị Hiển thuộc thế hệ giảng viên kỳ cựu của Nhạc viện Hà Nội, cùng thời với các nhạc sĩ tên tuổi như Thái Thị Liên, Phạm Văn Chừng, Lê Yên, Doãn Mẫn, Tạ Phước…

Là anh cả trong một gia đình dòng dõi Tôn Thất, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm tuy không có cơ may như hai người em được tiếp cận với bạn bè âm nhạc quốc tế từ rất sớm, nhưng bù lại ông có niềm đam mê âm nhạc trong máu. Ngay từ nhỏ, Tôn Thất Triêm đã ý thức rất nghiêm túc về việc học nhạc và theo đuổi nó đến cùng. Năm 1960 ông theo học Trường Âm nhạc Việt Nam, đến 1964 tốt nghiệp và được phân công về Nhà hát vũ kịch Việt Nam.        

Người em kế ông là Tôn Nữ Y Lan xuất hiện trên sân khấu biểu diễn ở Hà Nội từ rất sớm. Suốt những năm 1960 đến 1980 Tôn Nữ Y Lan là nghệ sĩ độc tấu piano của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhạc sĩ thiên tài Đức L.Betthôven năm 1969, nghệ sĩ Tôn Nữ Y Lan đã biểu diễn xuất sắc bản “Appassionata” của thiên tài âm nhạc Đức, gây được tiếng vang lớn trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Người em út Tôn Nữ Nguyệt Minh hơn cả anh và chị mình là được tiếp cận với bạn bè quốc tế sớm hơn. Cách đây hơn 30 năm, năm 1974 trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh khốc liệt, nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh đã tham dự cuộc thi âm nhạc danh tiếng bậc nhất Tchaikovski và được trao tặng “Bằng khen danh dự”. Năm 1980 Tôn Nữ Nguyệt Minh đoạt giải ba cuộc thi piano quốc tế B.Sme’tana (Tiệp khắc). Năm 1982 đoạt Huy chương bạc cuộc thi Viotti (Italia), năm 1984 đạt giải nhì cuộc thi P.Neglia (Italia) và tốt nghiệp xuất sắc Nghiên cứu sinh Nhạc viện Moskva dưới sự hướng dẫn của Giáo sư danh tiếng T.Nikolaeva.

Nghệ sĩ Piano Tôn Nữ Nguyệt Minh biểu diễn thành công trên 20 nước trên thế giới: Đức, Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Phần Lan, Nga, Ucraina, Tiệp, Slovak, Hungary, Bungary, Litva, Armenia, Azerbaijan, Cuba, Mông cổ, Thái Lan, Inđônêsia… Từ năm 1985 Nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh giảng dạy tại Đại học Âm nhạc Hans Eisrlin và được G.Romeu - chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Havana đánh giá như sau: “Nguyệt Minh là nghệ sĩ hết sức tài năng. Chị để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Cuba và những người yêu nhạc thế giới..”.

Cả ba anh em Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lan, Tôn Nữ Nguyệt Minh đều là những nghệ sĩ piano hàng đầu Việt Nam. Bạn bè quốc tế biết đến anh em dòng họ Tôn Thất là những nghệ sĩ với các ngón đàn tài hoa, bác học và cảm xúc tinh tế.

Âm nhạc dành cho tình hữu nghị

Chúng tôi đến thăm nghệ sĩ Tôn Thất Triêm vào buổi chiều heo may, khi vợ chồng ông vừa đi biểu diễn nhân ngày Quốc khánh Malaysia và kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. “Khúc nhạc chiều” tươi vui, quen thuộc của w. AMozart vang lên từ căn nhà xinh xắn tại số 9 Tô Hiến Thành, Hà Nội. Qua cửa, thấy ông đang ngồi bên cây đàn piano đắm mình trong giai điệu dạt dào. Đôi tay như múa, như thêu, lúc nhanh lúc chậm, chạm từng nốt nhạc.

Trước đây, hầu như trong các chương trình biểu diễn hòa tấu, đêm nhạc thính phòng, solo, opera, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, ông đều tham gia. Bây giờ, vì sức khỏe có phần giảm sút, ông và người bạn đời là nghệ sĩ Xuân Thanh đi biểu diễn ít hơn. Thỉnh thoảng vợ chồng ông được Đại sứ nhiều nước đích thân mời tổ chức các buổi hòa nhạc hữu nghị nhân ngày Quốc khánh của nước họ. Thành công của những buổi biểu diễn ấy được thể hiện bằng một số lá thư của các đại sứ quán gửi cho ông.--PageBreak--

…“Những bài hát do Nghệ sĩ Xuân Thanh biểu diễn cùng tiếng đàn piano của Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đã mang lại không khí ấm cúng, đầy màu sắc thi vị và sự hiểu biết thêm sâu sắc về nền văn hóa  hai quốc gia cho các vị khách của buổi tiệc” (Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Mông Cổ ngày 17/11/2004).

 “Tiếng đàn piano uyên bác của ông và giọng hát tuyệt vời của bà đã đưa đến cho chúng tôi, cho các quan khách của các cơ quan bộ, ngành Việt Nam cũng như đoàn ngoại giao và bạn bè Việt Nam một buổi tối tuyệt diệu” (Kỷ niệm lần thứ 85 Quốc khánh Rumani tổ chức ngày 1/12/2003)…

“Thưa Giáo sư Tôn Thất Triêm, ngài là nghệ sĩ đẳng cấp thế giới (World class Musician) và là nhà tổ chức phi thường (extraordinary impresario). Đại sứ quán Hoa Kỳ chúng tôi rất tự hào được gọi ông là một người bạn, người thầy lớn” (Bài phát biểu của ngài Tham tán văn hóa  thông tin Sứ quán Hoa Kỳ Lois Lantner tại buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ 12/7/2005 -Phòng đại tiệc HILTON Hà Nội OPERA)...

Những giai điệu đẹp nhất của cuộc đời

Sinh ra trong một gia đình trí thức, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm. Từ nhỏ ông đã bắt đầu học và chơi đàn. Piano trước đây vốn được coi là nhạc cụ “quý tộc”, do vậy trong những năm kháng chiến gian khổ ông đã phải chuyển sang sử dụng Accorde’on. Tiếng đàn phong cầm của ông là những âm thanh kỳ diệu tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ chiến đấu nơi sa trường. Ông đã cùng các đồng nghiệp xông pha nhiều năm nơi vùng tuyến lửa khu 4 và con đường 559 Trường Sơn huyền thoại. Những kỷ niệm nơi chiến trường luôn ám ảnh, và ông vẫn đau đáu nhớ về nó.

Ông kể: “Nhớ nhất là những lần đi biểu diễn dưới hầm, ở trên được che bằng chăn, màn rất kín không có thứ ánh sáng phát ra, tránh để địch phát hiện mà thả bom. Giữa cái nóng như thiêu như đốt của miền Trung, các chiến sĩ ta hồ hởi, tưng bừng, ánh mắt long lanh trong hạnh phúc mơ tới ngày đất nước hòa bình. Và một kỷ niệm đầy ám ảnh tôi, đó là cái bữa cơm thân mật tại gia đình một người dân. Bữa cơm ngày mùng 2 tháng 9 năm 1966 ấy, vợ chồng anh Kỷ ở Hà Tĩnh mời tôi sang ăn chia tay để ngày mai tiếp tục lên đường hành quân. Không hiểu gia đình anh Kỷ kiếm đâu được một chút thịt kho mặn để mời khách quý, đứa bé cứ xoắn xuýt lấy tôi hẹn ngày chú trở lại. Nhưng vài tháng sau, tôi biết tin anh Kỷ hy sinh. Tôi dường như đã không cầm được nước mắt.

Sau này cứ mỗi lần đánh bản nhạc “Hát ru” của nhạc sĩ Tchaikovski, bữa cơm ấy lại hiện về nhức nhối, với hình ảnh một người phụ nữ gầy guộc ôm đứa trẻ hát ru trong đêm thanh vắng hiu hắt, se sắt. Vào những năm 1971, 1972 trong dịp tết, có khoảng 2 đến 3 ngày ngừng bắn, đoàn văn công đi biểu diễn văn nghệ, có những nơi chỉ đi qua thôi mà không biểu diễn, anh chị em dân quân tràn ra hò reo trong niềm vui hân hoan, người vứt những cành hoa đào hồng thắm, người quẳng những chiếc bánh chưng lên xe… tình yêu thương ấm áp ấy, mới chính là giai điệu đẹp đẽ nhất cuộc đời…

Sau ngày hòa bình lập lại, ông trở lại Nhà hát vũ kịch. Nhưng nghệ sĩ Tôn Thất Triêm vẫn còn tiếp tục đi khắp đất nước, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để biểu diễn phục vụ bộ đội. Bây giờ, sau khi đã bôn ba qua bao nước, dấu chân đã in trên các địa điểm của tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường ông dành hết thời gian còn lại để làm từ thiện.

Người ta biết đến cặp vợ chồng nghệ sĩ Xuân Thanh - Tôn Thất Triêm qua nhiều chương trình nghệ thuật trong đó có những chương trình hỗ trợ những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi bất hạnh, đặc biệt là những em học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu. Không chỉ là người ủng hộ về tinh thần và vật chất cho các em, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm còn là người thầy hiền hậu dạy các em, đưa các em ra sân khấu lớn, với một niềm tin vào cuộc đời. Và theo Giáo sư - nghệ sĩ Tôn Thất Triêm thì đó cũng là một trong những giai điệu tuyệt diệu nhất của cuộc đời này

Yên Trang

Nguồn tin: vnca.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay42,736
  • Tháng hiện tại2,293,932
  • Tổng lượt truy cập32,244,364
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây