Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGUYỄN ĐÌNH THI, NGƯỜI ĐA TÀI CỦA THẾ KỶ

Thứ bảy - 02/04/2016 14:29
Đầu thế kỷ XX, nhờ tiếp thu vốn Nho học và cả Tây học, trong giới văn nghệ sĩ không hiếm những người tài hoa trong nhiều lĩnh vực. Nhưng để chọn một nghệ sĩ đa tài tiêu biểu nhất, tin chắc nhiều người sẽ chọn nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (1924-2003).

Ông đã ra đi hơn 10 năm trước nhưng cứ mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước; những bài hát, những bài thơ, những vở kịch của Nguyễn Đình Thi lại tái xuất. Không đơn thuần là hành động tri ân một nghệ sĩ đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, mà trên hết các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi trải qua bao năm tháng vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và là chứng nhân cho những giai đoạn lịch sử hào hùng.

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20-10-1924 tại Luông Phra-băng (Lào) khi cha ông là công chức đang làm việc tại đây, nhưng nguyên quán của ông ở phố Bà Triệu (Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (bên phải) phát biểu tại Hội Nhà văn Liên Xô (trước đây). Ảnh tư liệu

Được gia đình cho theo Tây học bài bản cộng với tố chất thông minh, Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ tư chất của một con người tài năng. Tuy nhiên, lĩnh vực ông tham gia đầu tiên lại không phải là văn học nghệ thuật mà là… triết học. Trong vòng hai năm (1942-1943), ông in ba cuốn sách phổ thông ở NXB Tân Việt là: “Triết học Nietzsche”, “Siêu hình học” và “Triết học Descartes”. Các cuốn sách này chủ yếu mang tính nhập môn chứ không phải là những công trình nghiên cứu sâu nhưng nó thể hiện tác giả là người uyên bác mới có thể tóm tắt những triết thuyết phức tạp trở nên đơn giản, dễ hiểu cho người đọc.

Cũng trong thời gian này, Nguyễn Đình Thi tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945, ở tuổi 21, ông là đại biểu trẻ nhất tham gia Hội nghị Quốc dân Tân Trào. Thời gian này, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng “Diệt phát xít” với lời ca hào hùng: “Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao/ Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái/ Tuốt kiếm lên, ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thù/ Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam/ Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm/ Việt Nam, Việt Nam muôn năm”.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông viết bài hát thứ hai nổi tiếng không kém là bài hát “Người Hà Nội”. Một bài hát sâu lắng, ngợi ca con người Hà Nội tài hoa, anh dũng, tin tưởng ngày chiến thắng sẽ đến và những người con Hà Nội lại sẽ trở về Thủ đô yêu dấu.

Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia nhiều hoạt động văn nghệ. Điều đáng ngạc nhiên là trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Nguyễn Đình Thi đã đi đầu trong cách tân thơ ca Việt Nam với những bài thơ nổi tiếng như: “Đất nước”, “Không nói”, “Đêm mít tinh”, “Đường núi”… Và ông cũng là lý luận gia đi đầu xây dựng nền văn hóa văn nghệ của nước nhà với các tiểu luận nổi tiếng, xác định rõ lập trường là văn nghệ phải phục vụ kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trải suốt thời kỳ chống Mỹ và cho đến khi Nam Bắc thống nhất rồi bước sang thời kỳ Đổi mới, tuy bận bịu với công việc hành chính Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi vẫn tỏ ra sung sức trong sáng tạo ở hai thể loại là kịch (“Con nai đen”, “Hoa và Ngần”, “Giấc mơ”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”) và tiểu thuyết (“Vào lửa”, “Xung kích”, “Mặt trận trên cao” và bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ”).

Với những mảng hoạt động đa dạng, phong phú mà ở đâu cũng để lại thành tựu, như âm nhạc chỉ cần hai bài hát thì Nguyễn Đình Thi đã xứng đáng được gọi là một nhạc sĩ lớn. Và vì vậy, có người gọi Nguyễn Đình Thi là “người đa tài của thế kỷ” quả là không quá lời.

HÀM ĐAN

Nguồn tin: http://hanoi.qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,736
  • Tháng hiện tại2,279,932
  • Tổng lượt truy cập32,230,364
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây