Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn! | .. |
Ông Nguyễn Mậu Kiến (1819 – 1879) sinh ra ở quê ngoại, tại Thôn Trai, Làng Gia Hòa, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khi còn nhỏ, ông sống với mẹ, cuộc sống nghèo khổ với ruộng vườn, hàng ngày chăn trâu cắt cỏ, đánh dậm, bắt cua, bắt ốc để mưu sinh. Thân sinh ra Ông là cụ Nguyễn Đăng Thiện là quan cấp huyện phụ trách đê điều thời vua Quang Trung ở các huyện Nam Ninh, Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 11 tuổi, Ông được đón về quê nội ở làng Động Trung (nay là Xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Được nuôi dưỡng trong một gia đình nho học, thời niên thiếu, ông say mê học tập, muốn đi thi đỗ đạt để ra làm quan phục vụ cho đất nước, mưu lợi cho dân. Bởi thông minh hiếu học từ nhỏ, nên được gia đình chu cấp đầy đủ về kinh tế và cho đi học ở Thăng Long (Hà Nội) theo học các thầy giỏi như Nhận Trai Nguyễn Đình Dao, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu....
Tuổi thơ, Ông được chứng kiến những cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân chống phong kiến triều Trịnh Nguyễn thối nát phản động ngay ở quê ngoại Gia Hòa do Vũ Đình Dung lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành Nam Định – Thái Bình ở quê nội. Tất cả đều ảnh hưởng ít nhiều đến tư tưởng và hành động của Ông. Xuất thân trong một gia đình giàu có trong vùng là một điều kiện thuận lợi cho việc chiêu mộ nghĩa quân và chi phí cho việc binh khí phát động công cuộc chống Pháp sau này.
Năm 1848, sau khi học ở Thăng Long, thời chưa đỗ đạt, Ông về quê sinh sống và xây dựng nhà học, nhà đọc sách ở làng Động Trung, sau trở thành trường dạy học. Ông mời các thầy giỏi về dạy học như Tiến Sĩ Đặng Hy Long, Tiến sỹ Lương Thế Vinh, Tiến sỹ Doãn Khuê, Tiến Sỹ Đặng Đức Đỉnh...dạy học cho con em trong làng, trong vùng. Trường học đã thu hút được hàng trăm thế hệ học trò ở trong và ngoài tỉnh. Trường do Ông sáng lập ra có nhiều người thành đạt, trở thành những yếu nhân kháng Pháp ở địa phương như Phó bảng Ngô Đình Chí, Phó bảng Khiếu Hữu Sử...
Thời gian ở quê, khi vùng ven biển Thái Bình xuất hiện bọn phỉ. Ông đã tập hợp dân binh chống phỉ, giữ an cho gia đình và dân lành. Với sự mưu trí và tài thao lược, nhìn xa trông rộng, Ông đã xây dựng căn cứ Động Trung, xây dựng làng kháng chiến lâu dài, trở thành trung tâm kháng chiến đầu tiên và mạnh nhất tỉnh Nam Định lúc bấy giờ. Đồng thời, đem ruộng vườn cấp cho các làng làm công điền. Năm 1873, khi Thực dân Pháp ra xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất, Ông đứng lên chiêu mộ binh sĩ, xây dựng đội quân chống Pháp lên đến hàng nghìn người. Thời ấy, cả làng Động Trung tham gia dân binh, kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguyễn Mậu Kiến là người kiên quyết chống Pháp bằng vũ lực, và dốc hết tài sản của gia đình ủng hộ cuộc kháng chiến. Năm 1876, Ông theo phe chủ chiến do Hoàng Giáp Ngô Quang Bích cầm đầu xây dựng sơn phòng Hưng Hóa tích lũy binh lương và vũ khí chống Pháp, chẳng may ông bị sốt rét ác tính, ông mất tại Đồn Vàng (phố Vàng) tỉnh Hưng Hóa, nay là thị trấn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ngày mùng 8 tháng 9 năm Kỷ Mão (năm 1879).
Ngày nay, hằng năm con cháu tổ chức giỗ Ông vào ngày 8 tháng 9 âm lịch. Từ đường thờ Ông Nguyễn Mậu Kiến trang nghiêm, cổ kính, gồm 02 toà kiến trúc kiểu chữ nhị, mỗi tòa 5 gian, được xây dựng thời vua Tự Đức, nội cung là nơi bài trí ban thờ ông.
Nhờ có tri thức, sự uyên bác và tấm lòng nhân đức của Ông, nên những việc ông làm ở quê hương có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nó tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa giáo dục tại quê nhà truyền lại cho con cháu, cho quê hương trong làng ngoài xã ngày nay.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, yêu cách mạng và hiếu học của Ông, các thế hệ con cháu đời sau vẫn đang viết tiếp trang sử vẻ vang cho dòng họ Nguyễn. Từ Nguyễn Mậu Kiến, cho đến con cháu chắt đời Mậu, Hữu, Công, Danh... đều vì dân vì nước, thế hệ nào cũng có những người đi đầu trong phong trào yêu nước, yêu cách mạng ở Thái Bình thời kỳ cận, hiện đại. Hiện trong từ đường nơi thờ tự Ông, con cháu đang hoàn chỉnh xây dựng phòng truyền thống, để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ông vào năm 2019. Phòng truyền thống là nơi lưu giữ những tài liệu quý giá về Ông, và những danh nhân trong dòng họ để con cháu trong làng ngoài xã, đều có thể tìm đọc và biết đến trang sử hào hùng mà ông cha để lại. Dòng họ Nguyễn được công nhận là dòng họ hiếu học, khuyến học của huyện, của tỉnh; được Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam trao tặng bằng khen năm 2007.
Hiện nay, họ Nguyễn đã truyền đến thế hệ mười lăm với gần 3.000 người đang sinh sống ở 22 tỉnh, thành trong nước và một số ở nước ngoài, hơn 50% con cháu họ Nguyễn Mậu vẫn sống ở xã Vũ Trung. Dòng họ có 10 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 4 Giáo sư - Phó Giáo Sư; có 266 con cháu đã có bằng cử nhân Đại Học, 200 người làm nghề dạy học từ mẫu giáo cho đến bậc Đại học, 14 vị lão thành cách mạng và 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Nguyễn Thúy
Nguồn tin: http://thaibinhtv.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn