Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGUYỄN BÁ LÂN TRẤN ẢI BIÊN CƯƠNG CAO BẰNG

Thứ ba - 22/03/2016 21:05
Thượng thư Nguyễn Bá Lân sinh năm 1700, mất năm 1785, quê làng Cổ Đô, phủ Tiên Phong, trấn Sơn Tây (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Quê tổ 3 đời của ông ở làng Hoài Bão, Tiên Du, Bắc Ninh, giỏi phong thuỷ, thích phong thuỷ làng Cổ Đô nên dời đến đây. Ông là người văn võ kiêm toàn, có tài "đánh dẹp" và "vỗ yên", nhiều lần được chúa Trịnh cử đi trị loạn như: phá tan vụ trộm cướp ở Sơn Tây và Thái Nguyên (1737); đánh bọn Duy Mật (1740), đánh đạo Đà Giang... đặc biệt, ông có công lớn trong đợt trấn ải ở biên cương Cao Bằng.

Cổng đền làng Cổ Đô xưa. 

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Bá, năm Bính Dần (1746) bọn giặc Mạc Tam ở Trung Quốc đem quân sang chiếm đánh, cướp phá hầu hết các châu ở Cao Bằng. Thời bấy giờ Cao Bằng có 4 châu, thì quân giặc chiếm mất 3 châu, chỉ duy nhất ta còn giữ được châu Thạch Lâm. Tình thế bấy giờ rất nguy kịch, quân giặc đông và được trang bị đầy đủ vũ khí tràn sang đất ta tàn phá, nhân dân trong vùng đã bỏ nhà cửa, ruộng nương thi nhau chạy loạn, một số quan trấn trị ở các châu cũng theo dân tản cư về các vùng Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Ninh, một số người vì hoàn cảnh ép buộc nên phải theo giặc.

Đứng trước tình thế trên, triều đình đã cử Nguyễn Bá Lân là quan lưu thủ Hưng Hoá đang đóng dinh ở Tòng Bạt- Bất Bạt- Sơn Tây lên Cao Bằng để đánh dẹp bọn giặc từ bên kia biên giới tràn sang cướp phá... Ông đã vâng mệnh chúa lĩnh một đội tả tượng gồm 170 quân sĩ và ngựa tốt lên đường. Đội quân của Nguyễn Bá Lân đi qua các địa phương thấy có nhiều dân ở Cao Bằng đến lánh nạn. Việc đầu tiên Nguyễn Bá Lân làm là ban thư sắc dụ các huyện để dẹp yên đạo tặc, tiến hành tập hợp dân lại để vỗ về, khuyên bảo họ trở về quê hương để đuổi giặc và mưu sống ở nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Trong thời gian trấn ải biên cương ở Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân đã có nhiều mưu lược, đánh bại đội quân của tên Lý Văn Tài người Tầu dấy binh ở Thông Nông đã hợp sức với các tên Quang Vũ, Thất Quý, Bát Cổ trong đội quân đạo tặc làm loạn ở Cao Bằng. Đối với dân, Ông hết lòng chăm lo việc nông tang, ruộng nương làm gốc, tuyển dụng người khoẻ mạnh trai tráng để sử dụng làm quân sĩ, những người có tinh thần tốt được trợ giúp gạo, muối để dẫn đường. Với tài dụng binh và kế sách đúng đắn, Nguyễn Bá Lân đi đến đâu cũng được nhân dân đồng tình giúp sức, đồng thời qua những thông tin của nhân dân cung cấp để phân biệt được người tốt, kẻ xấu, những kẻ phản nghịch chống lại nhân dân.

Khi tiến đánh các đồn luỹ của giặc, với tài thiên biến vạn hoá Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào, đặc biệt dùng tình họ hàng, anh em ruột thịt đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng cho ta. Chính vì tài thu phục người và cách đánh hiệu quả ở từng vùng, từng châu, quân ta đã lấy lại được toàn bộ đất Cao Bằng đã từng bị giặc chiếm đóng, giành thắng lợi mà không hề tổn hao xương máu của quân sĩ. Sau khi dẹp xong giặc, Nguyễn Bá Lân dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn luỹ chia cho người dân.

Khi giặc yên, những năm trấn trị ở Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân đã cùng quân sĩ hết lòng chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, khuyến khích mọi người dân hăng say làm ăn sản xuất, đoàn kết để chống lại bọn trộm, cướp. Nguyễn Bá Lân còn lấy các kho của bọn tham nhũng và các nhà giàu để giúp người nghèo, đồng thời tuyển dụng những quan cần mẫn giỏi chăn dân để trấn trị từng vùng, từng bản. Trong việc thực hành chính sự, Ông ra lệnh miễn giảm thuế 3 lần đối với dân nghèo; các cửa ải cũ cử người coi giữ nghiêm ngặt, nhưng cho giao thương buôn bán qua lại thuận lợi, từ đó các châu ở Cao bằng không hề bế tắc, nhân dân phấn khởi làm ăn, đời sống dần trở lại ấm no tốt đẹp hơn trước.

Đến năm Quí Dậu (1753), Nguyễn Bá Lân vâng chỉ về triều, nhân dân trong vùng tỏ ra rất quyến luyến, kính trọng và khâm phục vị quan có tấm lòng hiểu dân, thương dân và giúp cho nhân dân có cuộc sống bình yên khi phải trải qua những năm tháng bị giặc quấy rầy, tàn phá. Qua thời gian gắn bó với nhân dân trong vùng ai ai cũng muốn Nguyễn Bá Lân ở lại Cao Bằng, chính vì vậy đại diện nhân dân cả 4 châu của Cao Bằng đã về tận phủ chúa để trình với Chúa nguyện vọng của đông đảo người dân trong vùng và xin cho lưu Nguyễn Bá Lân ở lại Cao Bằng để cứu trăm họ. Chúa nghe được vậy, vỗ về với dân: "Nguyễn Bá Lân không phải là viên quan của Cao Bằng, Chúa thấy địa phương các ngươi điêu tàn vì giặc nổi loạn, ta tạm cử Nguyễn Bá Lân lên trấn trị. Nay việc khó khăn đã xong, dân được yên ổn làm ăn, ta phải gọi về, các ngươi không được giữ lại".

Năm Canh Thìn (1760), cảm phục ân đức và ngưỡng mộ công lao của Nguyễn Bá Lân trong những năm trấn ải ở vùng biên cương, nhân dân Cao Bằng đã làm một bức trướng gấm vẽ hoa rồng để mừng Cụ và một bức trướng văn gửi lên chúa với tiêu đề: "Cao Bằng đất khách hạ trướng văn". trong bức trướng có đoạn: "Thị lang họ Nguyễn, trước khi lên trấn trị Cao bằng, giặc cỏ nổi lên khắp nơi, đói rét triền miên, ông không chút phiền lòng, không hề động binh, cũng không hề dùng một mũi tên, chỉ chiêu dụ vỗ về, vậy mà mọi thứ trở về như cũ, thu dẹp tàn dư binh đao, kẻ lưu vong trở lại, giảm bớt binh biến, nới lỏng thuế khoá, khôi phục nghề nghiệp, do vậy kẻ khốn được hồi sinh, người nạn được cứu giúp, khách buôn bám trụ lại nhờ đó mà an dân, cho nên một thời ca ngợi ông, hết thẩy xa gần nhớ đức trị của ông mà không trái lệnh. Trăm năm ơn nhiều ông lúc trấn trị, ơn nhờ thi thư mà đưa ra phép trị nước tốt như vậy, âu cũng là bậc hào kiệt". Hiện nay bức trướng văn này được phục chế và lưu lại tại đền thờ Nguyễn Bá Lân.

Cổ Đô là làng cổ nằm bên Sông Đà.

Đến năm Giáp Thân (1764), do tuổi cao, sức yếu, Cụ đã trình với chúa xin được về dưỡng lão tại quê nhà và được chấp thuận, còn cho ăn lộc huệ dưỡng bằng dân hai xã và tặng 6 câu đối cùng với cờ màu, rồi giao cho tổ chức lễ tiễn Cụ về quê. Dân 4 tổng đi đón rước, Phủ tiết chế (Trịnh Sâm) sai mở tiệc tại nhà và tặng một bài thơ đường luật chép vào tấm lụa vàng, sau đó lại được chúa Trịnh Giang sai mở tiệc tiễn ở thuyền và cũng tặng bài thơ Nôm đường luật chép vào tấm lụa trắng.

Năm 1770, theo Lịch Triều hiến chương loại chí, của Phan Huy Chú "khi triều đình bàn đến công dẹp giặc, công đứng đầu, được thăng lên Thượng thư Bộ Lễ, rồi đổi sang Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ lão hầu chúa.

Xét đến công trạng của Cụ Nguyễn Bá Lân Tiên Thánh Vương đã phong cho Cụ là Thành hoàng Ngũ xã (linh thần chi phù), qui định hàng năm tế lễ Cụ vào ngày 27 tháng Giêng và 3 năm tổ chức một lần đại lễ.

Để tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước, ngày 23 tháng 12 năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì đã tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân Nguyễn Bá Lân”. Tham dự hội thảo đã có các nhà sử học ở Viện sử học Việt Nam; Viện nghiên cứu Hán- Nôm; Viện Văn hoá dân gian. Hội thảo đã đánh giá và khẳng định một cách công bằng, khoa học về Nguyễn Bá Lân. Với gần 20 bài tham luận, hội thảo đã tập trung trình bày những nét cơ bản về quê hương của Nguyễn Bá Lân, về gia phả, tộc phả của dòng họ Nguyễn Bá và những di tích, di vật còn lưu giữ được có liên quan đến Nguyễn Bá Lân. Đặc biệt, nhiều bài tham luận đã tập trung về con người và sự nghiệp của Nguyễn Bá Lân, vào thời đại mà ông đã sống thể hiện trên một số mặt chính trị, xã hội, văn hoá, trong đó đã nêu bật được nhân cách cao thượng của ông và những giá trị thơ văn của ông còn lưu giữ được.

Ngày 25 tháng 02 năm 2000, tại Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây; Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì; Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam; Trung tâm Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội đã đứng ra tổ chức Lễ kỉ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân nguyễn Bá Lân (1700- 2000). Đây là sự quan tâm của hậu thế đối với các danh nhân có công trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ngày 18 tháng 02 năm 2004, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có Quyết định số 04/2004 xếp hạng Bằng di tích quốc gia: “Mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân” ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Cuộc đời 86 tuổi và hơn 50 năm làm quan của Thượng thư Nguyễn Bá Lân đã trải qua nhiều chức vụ: đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), Đốc đồng trấn Sơn Nam, Lưu thủ Hưng Hoá, đốc trấn Cao Bằng, Bồi tụng, Thiêm đô ngự sử, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Hộ..., lúc mất được tặng hàm Thái tể, tước Quận công.

 Khi nói về sự nghiệp của Nguyễn Bá Lân, các bộ quốc sử đều khen Ông. Sách Cương mục ghi: "Ông là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói. Trịnh Doanh thường hỏi về chính sách dẹp giặc yên dân, lời nói của Bá Lân phần nhiều hợp ý, bèn thăng làm Thiêm đô, vào chầu giữ làm Bồi tụng...". Sách Lịch triều hiến chương loại trí ghi Ông là "bề tôi công lao, danh vọng", "giữ lòng trung thực" Sách Đại Nam nhất thống chí cũng nhận xét Ông: "làm quan thanh liêm, cẩn thận; ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng phép luật, không hề a dua".

Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Bá Lân thể hiện, Ông là một nhân cách lớn, một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.


Theo Biên phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại921,713
  • Tổng lượt truy cập28,715,195
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây