Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGUYỄN HỮU CẢNH - NGƯỜI MỞ CÕI NAM BỘ VIỆT NAM

Chủ nhật - 14/02/2016 00:39
Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700), người con ưu tú của vùng đất Quảng Bình nhiều nắng gió đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử tổ chức khai phá, mở mang bờ cõi, thiết lập bộ máy hành chính Nam Kỳ, xác lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng đất Nam bộ, định hình nước Việt Nam thành dải đất hình chữ S như ngày nay.
Công lao to lớn của ông đã được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận, phong tước hiệu Lễ Thành hầu - Khai quốc công thần- Thượng đẳng công thần.
Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh là Lễ, người thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì tổ tiên của ông là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc - vị khai quốc công thần thời nhà Đinh, hậu duệ 9 đời của Nguyễn Trãi- vị đệ nhất khai quốc công thần thời nhà Lê. Ông nội là quan tham chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh lấn át quyền hành của vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng Trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn định hướng là đất Quảng Bình, khi ấy người con trai thứ năm của ông là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (cha của Nguyễn Hữu Cảnh) mới được 5 tuổi. Trưởng thành, Nguyễn Hữu Dật cùng vợ Nguyễn Thị Thiện đã cùng đồng cam, cộng khổ với chúa Nguyễn trong cuộc đối đầu với chúa Trịnh. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hữu Cảnh chuyên tâm luyện tập võ nghệ, rèn luyện bản thân với niềm hy vọng lớn lao được cống hiến sức mình cho chúa Nguyễn. Trí thông minh cùng sự nỗ lực hết mình của bản thân, ông đã lập nên nền hành chính Nam Kỳ- một trung tâm đô hội của vùng đất phía Nam.  

Xem thêm video:
Nguyễn Hữu Cảnh - Người mở cõi phương Nam

Tập 1: Quê hương nơi khởi binh

Tập 2: Hành trình mở đất
 

            Hành trình mở cõi về phía Nam của cha ông ta được tính từ thời Lý, trải qua các triều đại phong kiến lãnh thổ Đại Việt được mở rộng dần cho tới năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời thủ phủ vào Kim Long, bên bờ sông Hương và Phú Xuân - Huế ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình mở cõi của dân tộc Việt Nam. Đối với vùng đất Nam Bộ cho đến thế kỷ XVII vẫn còn hoang vu, mà nhà truyền giáo Alexandre de Rhode đã mô tả “quạnh hiu, hoang mạc” và chú thích “không có vật gì thuộc về sự sống”, cuốn Phủ biên tạp lục cũng khẳng định: “…từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm” [1, tr 439-440]. Trong một thời gian khá dài (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII), vùng đất Nam Bộ “hình như đang ở trong quá trình hoang hóa do sự tan rã cơ cấu dân cư. Những nhóm người thưa thớt chỉ còn quần tụ ở một số vùng Vũng Tàu- Bà Rịa, Prei Nokor, Sóc Trăng, Trà Vinh, Thất Sơn,… Trừ một vài nhóm lẻ tẻ người Khmer nghèo khổ đi tìm cuộc sống … , trong một thời gian dài vùng hoang dã Nam Bộ là nơi bôn tẩu, ẩn nấp của những phe phái thất thế, những “phó vương”, “đệ nhị vương”,… khi tranh giành quyền lực ở triều đình Chân Lạp, nơi tụ họp của các phần tử bất hảo, nơi những người Khmer nghèo bị áp bức bóc lột đến lánh nạn,… Những người dân này không bị ràng buộc bởi một chính quyền nào” [2, tr 37]. Điều đó đã thể hiện khả năng quản lý yếu cùng với sự thờ ơ vùng đất này của Chân Lạp tạo điều kiện cho chúa Nguyễn nhanh chóng mở rộng lãnh thổ vào Đàng Trong. Năm 1691, vua Chiêm Thành thường đưa quân vượt biên giới, sát hại dân Việt ở Diên Ninh (Diên Khánh), tình hình biên giới Việt- Chiêm căng thẳng. Năm Quý Dậu (1693) vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn Phúc Chu phái quan tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh đem binh bình định vùng biên cương, “bắt được Bà Tranh và bọn thần tử là Tả trà Viên, Kế bà Tử cùng thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ, cho Tả trà Viên, Kế bà Tử làm chức Khám lý và ba người con của Bà Ân làm đề đốc giữ Thuận phủ, lại bắt phải đổi y phục theo như người Việt Nam để phủ dụ đất Chiêm Thành. Qua năm sau lại đổi Thuận phủ ra làm Thuận Thành trấn, cho Kế bà Tử làm đô đốc” [3, tr 81- 82]. Vị quan trấn thủ đầu tiên vùng đất mới mở- Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khẩn hoang, ổn định cuộc sống, đề ra chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt. Công việc bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn, ông lại nhận chỉ lệnh đi dẹp loạn và được cử làm trấn thủ dinh Bình Khương (nay là Khánh Hòa, Ninh Thuận).
Tháng hai, năm Mậu Dần (1698), vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác định chủ quyền của người Việt trên vùng đất mới. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại cù lao Phố còn gọi là Đông Phố (cảng sầm uất nhất miền Nam lúc bấy giờ). Ông cho đặt bản doanh tại cù lao Phố, nghiên cứu vùng đất này và nhận xét đất đai rộng mênh mông nhưng toàn là sình lầy, rừng rậm trong khi đó nhân lực thì ít, di dân lập ấp tự do không quy củ, đời sống sinh hoạt của cư dân quá khó khăn. Vùng đất đai hoang hóa, hiểm trở, sông rạch chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư, thật đúng là “ Đồng Nai địa thế hãi hùng; Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um…”. Với ý chí quả cảm, bất chấp tất cả mọi khó khăn, ông nhanh chóng vạch ra kế sách chiêu mộ lưu dân, khuyến khích khai hoang, ổn định dân tình, dàn xếp biên cương, thiết lập cơ sở hành chính thôn xã, lập Gia Định phủ trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt (hai vùng Tân An và Gò Công chưa nội thuộc chủ quyền người Việt). Ông “lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức là Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức là Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên (Biên Hòa) thì lập làm Thanh Hà xã; những người ở đất Phiên Trấn (Gia Định) thì lập làm Minh Hương xã. Những người ấy thuộc về sổ bộ nước ta” [3, tr 81- 82]. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai quản. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ binh và thuộc binh để canh phòng thôn trang và bảo vệ chủ quyền vùng đất mới mở. Phủ Gia Định lúc bấy giờ từ Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè đến Long An. Đất đai được mở rộng ngàn dặm, dân chúng “tứ vạn hộ” được quy tụ thành các xóm làng có sổ đinh, sổ điền. Tất cả người Hoa cùng đều nhập sổ bộ nước ta, nhưng theo cách quản lý của Nguyễn Hữu Cảnh thì người Hoa tập trung sinh sống ở hai nơi: Thanh Hà xã, huyện Phước Long (Đồng Nai, Biên Hòa) và Minh Hương xã, huyện Tân Bình (Sài Gòn, Bến Nghé). Để đảm bảo thương mại phát triển, sự giao lưu thông suốt giữa các vùng dân cư trong Phủ, ông cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu chợ nổi Nhà Bè cổ nơi ngã ba sông Bình Dương làm trung tâm giao dịch, thương lưu với cù lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát, Vũng Cù (Cần Giuộc) và Gò Vấp. Nhờ vậy, tàu thuyền chở hàng hóa có thể ra vào một cách dễ dàng. Đặc biệt, bến tàu Châu Đại Phố của nhóm thương nhân người Hoa đã được củng cố lại, đảm bảo hoạt động quy củ với tên gọi mới cảng Đại Phố. Dân chúng được chiêu mộ chủ yếu từ châu Bố Chánh (Quảng Bình), Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn đến vùng đất mới làm ăn, bởi vậy số dân lúc bấy giờ đã lên tới 4 vạn hộ, yên tâm chung vai gánh vác công cuộc mở cõi. Cuộc sống của dân cư nhanh chóng ổn định và khá phát triển. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đề cập: Hàng năm vào tháng 11, tháng 12- tháng giã thành gạo, bán lấy tiền để ăn tết chạp. Từ tháng giêng trở đi là không làm việc xay giã. Bình thời chỉ bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc, lụa lĩnh, trừu đoạn, áo quần tốt đẹp, ít có vải bố. Đất ấy nhiều ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ. Người buôn có chở thuyền lớn thì tất đèo theo xuồng nhỏ để thông đi các kênh. Từ cửa biển đến đầu nguồn đi 6- 7 ngày, hết thảy là đồng ruộng bằng phẳng, bát ngát, rất thích hợp trồng các loại lúa nếp, lúa tẻ, gạo đều trắng dẻo.
Từng bước từng bước một, chủ quyền của người Việt được xác lập trên vùng đất Nam Bộ. Tổ chức bộ máy chính quyền từ cấp dinh, trấn cho đến tận các thôn, xã được thống nhất, Nhà nước quản lý đất đai, hộ khẩu, thu thuế và trưng thu các nguồn lợi tự nhiên. Sài Gòn- Gia Định đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất mới. Như vậy, tính từ thời điểm cuộc hôn nhân Chey Chetta II- Ngọc Vạn 1620, qua công chúa Ngọc Vạn (hoàng hậu Chân Lạp), người Việt được tự do vào khai hoang, kinh doanh ở Prey Nokor, Đồng Nai (Biên Hòa), Mô Xoài (Bà Rịa)… ngày càng nhiều. Mối quan hệ giữa người Chân Lạp và người Việt thân tình, thường xuyên giúp đỡ nhau; đến năm 1698, chủ quyền người Việt được xác lập chính thức từ Đồng Nai đến bên bờ tả ngạn sông Tiền, nhưng bước khai phá của người Việt đã vượt qua sông Tiền, sông Hậu tiến sát đến Cà Mau, Hà Tiên. Người Việt đã vượt biển và nhận thấy khả năng giao lưu khá thuận lợi bằng hệ thống sông rạch của vùng đất Nam Bộ. Bằng khối óc, đôi bàn tay khéo léo, mồ hôi, nước mắt, xương máu những con người đó đã biến miền đất hoang sơ thành đồng ruộng phì nhiêu, phố phường ngày càng phồn thịnh. Điều này khẳng định xu thế phát triển về phương Nam của người Việt trong lịch sử.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu đắp lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam cướp bóc dân buôn người Việt. Tướng Long môn là Trần Thượng Xuyên bấy giờ đóng giữ Doanh Châu (cù lao Giêng) báo lên. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu
                 Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất cùng Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Lực lượng thủy binh của ông đã tiến thẳng đến thành La Bích (NamVang), đánh tan quân Nặc Thu. Vua Chân Lạp đầu hàng, nơi đây Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng chính sách đoàn kết các dân tộc, không phân biệt đối xử dù là Khmer, Hoa hay Việt, khuyến khích giữ gìn tình thân thiện, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, dân chúng tin theo.
 Tháng 4 năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh cầm quân tiến kéo về đóng ở cồn Cây Sao còn gọi là cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc, sau này dân địa phương nhớ ơn ông nên gọi là cù lao Ông Chưởng (nay thuộc chợ Mới, An Giang), báo tin thắng trận về kinh. Theo Gia Định thành thông chí thì tại đây, một thời gian ông bị “nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất [4, tr 179] để lại bao nuối tiếc thương của nhân dân Đại Việt. Mộ phần của ông được an táng tại cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1802, sau khi được cải táng về địa táng tại Thác Ro, Trường Thủy, huyện Lệ Thủy theo câu sấm của tiền nhân dòng họ: “Thượng Yên Mã, hạ đùng đùng, trung trung nhất huyệt” (Trên là núi Yên Mã, dưới có phá Hạc Hải, giữa nhất quyết hạ huyệt).
 Sự khai phá, xác định chủ quyền người Việt ở vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh là cơ sở để chúa Nguyễn từng bước thu phục các vùng đất khác. Từ khi Gia Định phủ ra đời, thế lực của chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ phát triển ngày càng mạnh, ngược lại thế lực của Chân Lạp đang suy yếu do mâu thuẫn nội bộ tranh giành ngai vàng, quân Xiêm đang ngày đêm trông chờ cơ hội để chen vào can thiệp. Mạc Cửu nhận thấy cần phải dựa vào chúa Nguyễn để tiếp tục củng cố và mở rộng thế lực vùng đất Hà Tiên, nên xin dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn (1708). Sự kiện đất Hà Tiên được sát nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn, mở ra bước ngoặt cho hành trình mở cõi, chỉ trong vòng nửa thế kỷ mà chúa Nguyễn đã chiếm lĩnh trọn đất đồng bằng sông Cửu Long. Năm Đinh Sửu (1757), chúa Nguyễn tiếp quản vùng đất Tầm Phong Long do Nặc Ông Tôn dâng tặng (tức vùng từ Sa Đéc lên đến vùng biên giới đầu nguồn, từ phía Bắc đến phía Nam sông Tiền, sông Hậu hiện nay), lập nên các đơn vị hành chính miền Tây Nam Bộ: đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, đạo Đông Khẩu. Lần lượt 5 phủ phía Tây Hà Tiên là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh thuộc về chúa Nguyễn. Hà Tiên và Tầm Phong Long được sát nhập lãnh thổ Đàng Trong đánh dấu hành trình mở cõi về phía Nam hoàn thành, góp phần ngăn chặn tham vọng “Đông tiến” của người Xiêm, đập tan âm mưu khuynh đảo, cát cứ của đám người Hoa lưu vong, hoạch định biên giới quốc gia của cha ông ta tạo nên sự ổn định an ninh khu vực Đông Nam Á trong thế kỷ XVIII.
Nguyễn Hữu Cảnh- vị tướng khai biên xuất sắc, nhà chính trị tài giỏi, nhân hậu, yêu quê hương, đất nước tha thiết. Công đức và nhân cách của ông ấn đọng sâu sắc trong tiềm thức của người dân và mãi mãi được lưu truyền hậu thế. Nhân dân vùng đất mới khai phá, người Việt cũng như người Hoa, Chăm… đều nhớ ơn ông- người đã giúp họ khai hoang- mở đất- an cư- lạc nghiệp và đã lập đền thờ hoặc lập bài vị ông ở nhiều nơi: Nam Vang (Cam- pu- chia), Quảng Bình, Quảng Nam, Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc… Vùng đất mới mở rộng mãi mãi là một phần đất của nước Việt, chủ quyền lãnh thổ của nước Việt Nam được khẳng định. Thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau luôn có ý thức phấn đấu hết sức mình gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh./.
  Phạm Thị Hồng Thủy
Nguồn tin: http://bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/dlls/319-dlls.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại920,813
  • Tổng lượt truy cập28,714,295
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây