Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn! | .. |
Hôm ấy là một ngày đầu hạ, nắng gay gắt. Chuyến phà chật ních người nhưng Lộc lại là người gây chú ý nhiều nhất. Chàng trai trẻ hôm ấy lăng xăng chạy trốn cái nóng, cởi trần trùng trục, chui đầu ra cả cửa sổ chiếc phà để hứng gió. Mọi người phì cười vì trước đó ít phút, anh chàng Việt kiều này còn lịch lãm trong bộ đồ vest đón tiếp đoàn khoa học nước ngoài đến thăm tận mắt ruộng tôm của nông dân. Đó là hôm giới thiệu sản phẩm đầu tiên Lộc mang về nước, một sản phẩm sinh học dành cho tôm. Với thứ tiếng Việt còn lơ lớ, Lộc nói rằng sản phẩm này là kết quả nghiên cứu đã được thử nghiệm thành công tại nhiều nước. Người chế tác ra nó, Trưởng khoa Công nghệ sinh hóa thuộc Viện Đại học Hàn Quốc, đã dự định tung ra thị trường tại Indonesia trước, thế nhưng bằng mối quan hệ bạn bè, Lộc đã thuyết phục được người bạn của mình tiếp thị sản phẩm ở Việt Nam trước tiên. Lý lẽ của Lộc đưa ra lúc đó là: "Việt Nam còn nghèo, ông giúp dân Việt giàu lên một chút rồi hãy bán ra các nước khác". Người bạn xiêu lòng, thế là loại thuốc này được thử nghiệm tại một số vuông tôm Cần Giờ. 3 tháng, kết quả thu hoạch đã làm nhiều người phấn chấn, tôm thu hoạch đã có thể đạt 30 con/kg, tôm thu hoạch nhanh cả về chiều dài và trọng lượng, tỷ lệ tôm sống đạt hơn 80% so với lượng thả xuống. Dân nuôi tôm Cần Giờ ai cũng biết chỉ cần thu hoạch được hơn 60% tôm thả nuôi là đã tốt lắm rồi. Thành công bước đầu làm nức lòng chàng trai trẻ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm và chứng minh sản phẩm của mình hiệu quả để giúp nông dân" - Nguyễn Xuân Lộc hồ hởi nói.
Nhìn chàng trai chịu khó lặn lội đến tận ruộng, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Xuân Lộc đang sở hữu cả một hệ thống vũ trường tại Mỹ, một hãng quảng cáo và một hệ thống trạm điện thoại. Càng ít người biết rằng để có được cơ ngơi như vậy, chàng trai xa đất nước từ năm 1 tuổi và khi mới lớn đã phải miệt mài bán vé tại vũ trường, tích lũy vốn liếng để có thể làm ông chủ. Từ hồi còn là sinh viên, mẹ Lộc đã buộc đứa con trai duy nhất phải trở thành bác sĩ. Thương mẹ, Lộc nghe lời. Thế nhưng khi chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp ngành y, Lộc ham mê kinh doanh, bỏ luôn học hành. Mẹ Lộc biết chuyện, la mắng rồi giận dữ. Nhưng con đường kinh doanh lại có quá nhiều sức hút, cùng với những năng khiếu kinh doanh có sẵn, thành công của chàng trai Việt trên đất Mỹ đã chứng minh cho những người thân thấy rằng lựa chọn của mình là đúng đắn.
Về Việt Nam nhiều lần, Lộc thấy rằng đất nước mình đang có những tiềm năng to lớn. Vậy là một công ty do Lộc làm chủ tại Việt Nam ra đời. Sản phẩm Lộc mang về nước cũng chính là sản phẩm mới nhất vừa được ra mắt tại Mỹ và dành giải thưởng quốc tế về đổi mới: Máy tạo nước từ không khí. "Người dân Việt Nam vẫn đang sống trong cảnh thiếu nước sạch, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, chính vì vậy loại máy này sẽ giúp họ có được nguồn nước để phục vụ sinh hoạt"- Nguyễn Xuân Lộc tâm sự. Chỉ cần cắm điện, chiếc máy sẽ tạo ra dòng nước tinh khiết, làm lạnh và có thể uống ngay. Tính hữu hiệu của công nghệ mới này khiến nhiều người quan tâm và ngay khi chưa chính thức đưa ra thị trường, gần 1 container hàng đã được đăng ký gần hết, trong đó có nhiều người sống ở vùng quê, thật sự thiếu nước sạch.
) |
Vui mừng vì góp phần đưa được những sản phẩm công nghệ cao tiếp cận người tiêu dùng trong nước, thế nhưng Nguyễn Xuân Lộc vẫn còn không ít những trăn trở. "Tôi đã liên hệ được với một đối tác từ Hàn Quốc, họ đồng ý viện trợ cho Việt Nam 2 triệu USD giúp nông dân nghèo. Thế nhưng những trục trặc về thủ tục đã khiến cho khoản viện trợ này đến nay vẫn chưa đến tay Việt Nam, đó là điều tôi còn áy náy vì chưa giúp được người nghèo trong nước". Lại một điều chưa thực hiện được, Lộc dự định lập một đội xe taxi tại Việt Nam là những chiếc xe cổ đắt tiền được tân trang. Đây là "mốt" đang rất được ưa chuộng tại Mỹ, thế nhưng lại là những thủ tục khó khăn tại Việt Nam khiến ý tưởng của Lộc đi vào ngõ cụt. Không sao, chàng trai trẻ xa quê hương gần 30 năm vẫn tha thiết với đất nước mình, Lộc đã tậu cho mình một biệt thự bên sông Sài Gòn và lập một công ty mới với ý định gắn bó lâu dài với Việt Nam.
Ra đi để trở về
Rời quê hương năm 16 tuổi, suốt 20 năm sống tại Đan Mạch vẫn không làm cho Ngô Dương Hoàng Thao, Giám đốc Công ty tư vấn Đông Dương kiêm Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều, nguôi ý nghĩ sẽ trở về Việt Nam. Những năm đầu thập niên 90, thông tin về Việt Nam đối với người nước ngoài và nhất là Việt kiều vẫn còn rất thiếu, ý nghĩ về nước làm việc cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong anh nhưng vẫn chưa đủ mạnh để thôi thúc anh trở về. Đến chuyến về nước năm 1993 trong vai trò cố vấn của Phòng Xúc tiến thương mại do Bộ Ngoại giao Đan Mạch tổ chức thì ý định trở về nước đầu tư của anh bắt đầu hình thành. Thế nhưng từ ý tưởng cho đến thực hiện là một quãng đường gần 10 năm. Bắt đầu từ vai trò của một người quét dọn tại Công ty Yamaha từ khi còn đi học, anh và một vài người bạn lập một công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đến khi ra trường, nhờ những quan hệ và kinh nghiệm trong thời gian tự kinh doanh, anh được chọn vào vị trí giám đốc vùng của tập đoàn TeleDenmark (Đan Mạch). Được vài năm, Thao quyết định sang Đức để mở một công ty mang tên Meta TV Nordic chuyên đưa ra các giải pháp cho truyền hình kỹ thuật số với hơn 200 nhân viên. Đến năm 2002, cơ hội đã mở ra để anh trở về nơi chôn nhau cắt rốn khi đọc được trên mạng Saigon Net thông tin tuyển người của Công ty SDC Group, một công ty liên doanh giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất phần mềm công nghệ cao. Nói về quyết định bỏ lại cuộc sống đầy đủ tại Đan Mạch để về nước, anh Thao kể: "Không chỉ riêng tôi mà hầu hết các anh em Việt kiều đều luôn hướng về quê hương, vấn đề chỉ là thiếu thông tin hoặc điều kiện để về nước. Việt Nam đang trong giai đoạn mở cửa cho các nhà đầu tư, dù môi trường cạnh tranh vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng đây sẽ là cơ hội cho những ai biết tận dụng. Nếu cứ ngồi đợi cho đến khi môi trường đầu tư hoàn toàn trong lành thì khi đó các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ nhảy vào, đâu còn chỗ cho các nhà đầu tư nhỏ như chúng tôi. Vì vậy, khi có cơ hội là tôi quyết định trở về Việt Nam".
Được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, từng làm việc trong lĩnh vực tài chính và giờ thì đang mở công ty tư vấn ở Việt Nam, có vẻ như Ngô Dương Hoàng Thao là một người khá đa năng. Giải thích về điều này, anh tự nhận mình thuộc thế hệ Việt kiều 1,5 tức là sinh ra và lớn lên tại Việt Nam trước khi ra nước ngoài, do đó anh dễ dàng thông hiểu được cả hai nền văn hóa nên dễ dàng thuyết phục đối tác hơn. Anh nói: "Tôi sống ở châu u hơn 20 năm nên tôi tương đối hiểu được văn hóa của họ. Mặt khác, tôi cũng là người Việt Nam nên tôi dễ dàng trở thành cầu nối cho cả hai bên". Vừa lo kinh doanh vừa là Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt kiều (OV Club), công việc khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ, anh tâm sự: "Tôi còn muốn góp sức mình để kêu gọi nhiều Việt kiều trẻ về quê hương đóng góp hơn nữa, Đây là một nguồn lực rất lớn trong việc đẩy con tàu Việt Nam tiến lên phía trước". Hàng năm OV Club đều tổ chức cho các hội viên của mình đi xuyên Việt, vừa để du lịch vừa nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp các miền đất nước. Nhiệt huyết với quê hương trong anh vẫn tràn đầy: "Vẫn còn một ít người Việt ở nước ngoài cố tình làm ngơ trước những phát triển của quê hương trong thời gian qua. Đa phần chúng tôi luôn hướng về Việt Nam, vậy phải làm sao để kéo số đông này về nước đóng góp?".
Quang Thuần - Trung Bảo
Nguồn tin: http://thanhnien.vn/kieu-bao/hai-viet-kieu-tre-nhiet-huyet-voi-que-huong-354093.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn