Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

DOANH NHÂN NGUYỄN VĂN ĐỆ: “ÔNG TRỜI” BẮT TÔI PHẢI LÀM!

Thứ bảy - 05/03/2016 07:05

DOANH NHÂN NGUYỄN VĂN ĐỆ: “ÔNG TRỜI” BẮT TÔI PHẢI LÀM!

Cảm giác đầu tiên khi gặp vị doanh nhân này là sự dân dã, chân chất và cách nói chuyện bộc trực của một anh nông dân… không ai có thể nghĩ rằng đây là một trong những nhân vật có tiếng nói lớn trong giới kinh doanh ở tỉnh Thanh Hóa.

Tôi không ngờ lúc nghỉ hưu còn nặng gánh hơn khi còn công tác. Ngoài việc lo cho DN cho hàng nghìn người lao động, tôi thấy bản thân mình còn phải có trách nhiệm với xã hội. Đó là tâm sự của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa với DĐDN.

doanh nhan nguyen van de

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa

Vì con người

– Năm 2003, giới kinh doanh ở Thanh Hóa đổ xô vào xây khách sạn, nhà hàng, những lĩnh vực “hốt” bạc vào thời điểm ấy thì ông lại quyết định đầu tư xây dựng bệnh viện ?

Thực tế, khi khởi công xây dựng, tôi và cộng sự của mình cũng dự định xây khách sạn. Tuy nhiên khi dự án đang thi công đến tầng 3 thì tôi quyết định xin giấy phép chuyển đổi mục đích sang kinh doanh… bệnh viện. Hơn 10 năm trước, xã hội hóa y tế vẫn còn là điều mới mẻ ở xứ Thanh nên không dễ để người dân, thậm chí chính quyền các cấp ở đây hiểu được mục đích, ý nghĩa xã hội của dự án Bệnh viện đa khoa Hợp Lực. Thậm chí ngay cả giới kinh doanh cũng dè dặt khi nói về triển vọng của một lĩnh vực khá… nhạy cảm thời bấy giờ. Đầy rẫy lời ong tiếng ve, đàm tiếu, rèm pha, rằng: tại sao lại đi kinh doanh… nỗi đau của người khác, ông Đệ là dân kinh doanh vận tải, biết gì về y tế mà đòi xây bệnh viện. Rồi cả những rào cản về cơ chế chính sách…

– Kết quả minh chứng cho quyết định đầy “táo bạo” đó là gì, thưa ông?

Tôi không quan tâm dư luận xã hội nghĩ gì về mình mà điều tôi quan tâm là con đường lựa chọn của mình có đúng, có góp phần thúc đẩy tỉnh nhà phát triển. Sau 2 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện đã liên tục phải gồng mình chống lại tình trạng quá tải. Năm 2009, tòa nhà 17 tầng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng được đưa vào sử dụng đã căn bản giải quyết đươc tình trạng quá tải, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện công lập và bệnh viện tuyến TƯ.

Và cũng chính từ đây, tôi đã góp một phần nhỏ sức lực của mình để thay đổi nhận thức của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập. Vấn nạn phong bì và thủ tục hành chính rườm rà bị dẹp bỏ, người dân bước chân vào Hợp Lực đã không phải chịu cảnh xếp hàng chờ đợi hoặc phải lo lót cho bác sỹ, nhân viên y tế. Đây chính là niềm vui, động lực để tôi tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của mình.

– Vậy là chặng đường của ông đã bớt chông gai?

Không hẳn! Tôi còn đang kỳ vọng công tác xã hội hóa y tế thay đổi thêm rất nhiều.

Các bệnh viện tư đang làm việc dưới tải nhưng lại không có chuyện bệnh viện công chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư. Hơn nữa nhiều bệnh viện công muốn quá tải để xin đầu tư, mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị… vì tất cả quá trình đó đều sinh ra lợi nhuận, thậm chí cả lợi ích cá nhân.

Có một thực tế là cho dù được đầu tư rất lớn cả về qui mô và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhưng hiệu suất sử dụng của một số bệnh viện tư chưa đạt như kỳ vọng; việc nắm bắt và chấp hành chính sách, pháp luật còn chưa kịp thời.

– Đó có phải là những lý do để Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam ra đời không, thưa ông?

Ngay từ đầu bước vào lĩnh vực y tế, tôi cũng đã tự đặt ra được những khó khăn và thuận lợi cho chính mình, liệu khi đầu tư xây bệnh viện lớn như vậy mình có giữ và duy trì được hoạt động hay không. Do đó, thành lập bệnh viện tư đã khó, nhưng giữ được còn khó hơn nhiều. Nếu các bệnh viện tư không thể tồn tại như trong tình hình hiện nay thì sẽ gây lãng phí lớn về tài sản và tiền bạc của xã hội.

Sự ra đời của hiệp hội bệnh viện tư nhân không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của ngành y tế ngoài công lập, mà còn trở thành “mái nhà chung” để các hội viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện, nâng cao nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, giáo dục y đức, hỗ trợ nâng cao hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời tạo sự đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ai làm DN chả tính đến lời lãi. Nhưng nếu không gắn lợi ích DN với lợi ích xã hội thì không bao giờ bền vững.

Và vì cộng đồng

– Có lẽ, trong giới doanh nhân không ai… ôm đồm nhiều việc như ông. Tính sơ sơ, ngoài các chức vụ ở TCty CP Hợp Lực như: Chủ tịch HĐQT TCty và Chủ tịch HĐQT của 6 đơn vị thành viên, ông còn là Chủ tịch Hiệp Hội DN Thanh Hóa, Đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Quỹ ANTT phòng chống tội phạm tỉnh, Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân VN…?

Chức vụ với tôi không phải để lấy danh cho sang. Bởi tôi tâm niệm để tới được thành công, tôi cũng còn cần tới rất nhiều nghị lực nhưng công bằng mà nói là nhờ cả “ông trời” hỗ trợ. Nghị lực của tôi có lẽ một phần được tôi luyện từ khi còn làm công an, kết hợp với sự va đập trên trường đời sau khi rời ngành. Trong hoạt động của mình, tôi không ngờ lúc nghỉ hưu còn nặng gánh hơn khi còn công tác. Ngoài việc lo cho DN cho hàng nghìn người lao động, tôi thấy bản thân mình còn phải có trách nhiệm với xã hội. Bởi thế, bằng khả năng, tôi đã kêu gọi để gây quỹ an ninh trật tự nhằm khuyến khích người dân tố giác và bắt tội phạm tại địa phương. Muốn thành công trong kinh doanh thì môi trường xã hội cần phải bình ổn.

DN riêng của tôi luôn gắn liền với mục tiêu phục vụ xã hội và gần như không mang lại lợi nhuận. Tôi có kinh doanh nhưng không theo mục tiêu lợi nhuận, như bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người dân, trường trung cấp y dược để trồng người, vận tải đưa hàng hóa cho người dân, Cty dược là để chăm sóc sức khỏe, xây dựng lò hỏa thiêu là để hướng tới một cõi tâm linh. Ai làm DN chả tính đến lời lãi. Nhưng nếu không gắn lợi ích DN với lợi ích xã hội thì không bao giờ bền vững. Phúc Lạc Viên là công trình tôi luôn ấp ủ. Đó là công trình văn hóa tâm linh chứ không phải là một dịch vụ tang lễ thuần túy. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi không thể làm được, nhưng dường như “ông Trời” bắt tôi phải làm, mà làm toàn việc xã hội.

– Cùng một lúc làm nhiều việc, giữ nhiều vị trí, ông đã sắp xếp và lên kế hoạch cho hoạt động của mình như thế nào?

Tôi dành tới 70% thời gian cho các hoạt động xã hội, còn DN riêng tôi lựa chọn cách điều hành có phần khác biệt. Chẳng hạn, tôi giao ban chỉ đạo 5 đơn vị thành viên trong các bữa ăn trưa hằng ngày và không bao giờ tôi tắt điện thoại… Tôi rất chịu khó lắng nghe và ý thức xây dựng một “đội quân” đủ tín, đủ tin để giao trách nhiệm.

– Được biết, vào đầu tháng 6/2015 ông đã chia tay bóng đá Thanh Hóa sau một thời gian dài dành nhiều tâm huyết cho đội bóng quê hương, ông có cảm thấy buồn và nuối tiếc?

Từ nhỏ tôi đã đam mê bóng đá, nên dù là một người không đi học chuyên sâu nhưng trong 5 năm qua tôi đã rất máu lửa, quyết tâm, sáng tạo để vực dậy bóng đá Thanh Hóa, đáp ứng lại kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, của toàn thể nhân dân.

5 năm qua tôi đã giúp bóng đá Thanh Hóa từ chỗ chỉ dám mơ trụ hạng, trở thành đội bóng có thể đua tranh thứ hạng cao, đặc biệt trong mùa giải 2013-2014, CLB Thanh Hóa lần đầu tiên đứng trong Top 3 V-League. Hỏi có buồn hay không khi chia tay bóng đá? Tất nhiên tất cả con người khi đang say mê việc gì đó mà nghỉ, thì có một chút gì đó xao lòng, còn nghỉ để mà bất ngờ, để mà sốc thì tôi hoàn toàn không. Bởi Thanh Hóa đã tìm được đối tác thay thế xứng đáng.

– Ông có nghĩ bóng đá cũng như một thương trường?

Bóng đá và thương trường tưởng như là 2 lĩnh vực khác biệt nhau nhưng kỳ thực có rất nhiều điểm tương đồng. Một ông bầu hay một HLV bóng đá cũng phải có tư duy của một doanh nhân. Ngược lại, một doanh nhân cũng phải có tư duy như một HLV bóng đá. Trong kinh doanh phải biết tìm thấy cơ hội trong khó khăn cũng giống như trong một trận đấu bóng đá, đội yếu hơn phải biết chắt chiu thời cơ để ghi bàn. Hay trong trận đấu, phải biết nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để quyết định khi nào thì tấn công, khi nào thì phòng ngự giống như trong kinh doanh phải biết phân tích xu hướng của thị trường để quyết định năm nay đầu tư lĩnh vực gì, sang năm ưu tiên mặt hàng gì…

– Xin hỏi ông câu cuối, mong muốn lớn nhất của ông ở cái tuổi đáng lẽ phải được an nhàn này là gì?

Tôi mong muốn cho mình luôn mạnh khỏe để cùng với tập thể lãnh đạo đưa TCty Hợp Lực ngày càng phát triển lớn mạnh, việc làm ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, người lao động ngày càng được nâng lên.
Họa – phúc khôn lường, miễn là không hổ thẹn với lòng mình và sống tận tâm với người khác là được.

– Xin cảm ơn ông!

Mai Thanh thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay35,431
  • Tháng hiện tại2,286,627
  • Tổng lượt truy cập32,237,059
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây