Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

Bí mật của vị Bộ trưởng gần 30 năm 'ngoài Đảng'

Thứ hai - 26/08/2019 06:10
Hình ảnh Bộ trưởng bộ Giáo dục VNDCCH Nguyễn Văn Huyên trong trang phục áo dài truyền thống và phu nhân Vi Kim Ngọc. Bà Vi Kim Ngọc là con gái của nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, sau tham gia hội nghị thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt nam (1955). Trong hình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên mặc áo dài truyền thống, phu nhân mặc trang phục nhật bình (trang phục của hoàng hậu, phi tần, công chúa nhà Nguyễn, theo "Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”, sau mở rộng ra cho các phu nhân có địa vị).

 

GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) là nhà giáo dục, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa. Ông là đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam, từng làm việc ở viện Viễn Đông Bác Cổ, là Bộ trưởng Bộ Giáo dục VNDCCH trong giai đoạn 1946-1975, cũng là một trong bốn người đã đánh điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị (cùng Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường), trao quyền lại cho Việt Minh. Giáo sư Huyên tốt nghiệp cử nhân văn khoa và cử nhân luật, và Tiến sĩ tại đại học Sorbonne.

Khi đang làm việc tại viện Viễn Đông Bác Cổ, năm 1939, ông công bố nghiên cứu “Những vấn đề nông dân Bắc Kỳ”, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục nông dân thành những người có hiểu biết về lợi ích của mình, có ý thức hiện đại về đời sống làng xã để làm cho đời sống nông thôn trở nên tốt đẹp hơn.

Cũng năm 1939, hay tin sự qua đời của thầy mình là GS Lucien Lévy Bruhl, tác giả của cuốn "Đạo đức và khoa học về các phong tục" (La morale et la science des moeus), GS Nguyễn Văn Huyên đã đau xót viết: "Không những ông đã đưa đến cho nền triết học hiện đại một cách tư duy rất độc đáo và mạnh dạn, mà suốt đời ông, ông còn biết đem lòng nhân ái sẵn có của mình, thái độ tận tụy, nhiệt tình không mệt mỏi của mình phụng sự cho loài người … Tôi nhìn thấy ông với nét mặt luôn luôn mơ màng và đăm chiêu, cặp mắt long lanh đầy thông minh và nhạy cảm…Ông chẳng bao giờ làm "chính trị" cả thế mà hành động xã hội của ông thuộc loại hữu ích nhất" Điều đó cho thấy GS rất trân trọng thầy dạy mình, và có lẽ ông đã học được rất nhiều điều quý báu từ người thầy này, những điều sẽ giúp ích cho ông sau này khi giúp xây dựng, phát triển nền giáo dục, văn hóa nước nhà.

Trong thư ông viết gửi vợ từ Fontainebleau trên cương vị thành viên đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa đàm phán tại hội nghị Fontainebleau năm 1946 có đoạn: "Đây là dịp để Huyên thay mặt cả nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài 20 năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế... Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. 20 năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay”.

Ngày 15/11/1945, Bộ trưởng Huyên có diễn văn trong lễ khai giảng đầu tiên của trường ĐH Quốc gia Việt Nam, có đoạn: "Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ rõ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái bình dương này."

Ngày 25/1/1950, khi nền đại học nước nhà còn thiếu nhiều giáo sư, bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tự tay đánh máy và ký gửi công văn đến Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin đưa GS.TS Lê Văn Thiêm, nhà toán học vừa từ Pháp về đang ở miền Đông Nam Bộ ra Việt Bắc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng đã đề nghị trợ cấp 10 vạn đồng cùng sách và cáng cho GS Đặng Thai Mai trong công văn gửi Bộ Tài chính ngày 29/8/1950, để giúp GS Đặng Thai Mai đi lại cho thuận tiện, đồng thời để giúp GS có tài liệu để đọc và nghiên cứu ở Việt Bắc. Ngoài ra, ông cũng kêu Chính phủ hỗ trợ vợ BS Đặng Văn Ngữ từ Đức Thọ, Hà Tĩnh ra thăm chồng khi BS Ngữ về nước, ra Việt Bắc sau thời gian ở Nhật.

Con gái trưởng của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục VNDCCH là bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh là nguyên kỹ sư thông tin của Tổng cục Đường sắt, tác giả cuốn hồi ký "Tiếp bước chân cha". GS Nguyễn Văn Huyên cũng là cha vợ của Nhà giáo Nhân dân GS. Nguyễn Lân Dũng (lấy Thầy thuốc Nhân dân - PGS. TS Y khoa, đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con thứ ba của GS Huyên) . Bên cạnh đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ VNDCCH Phan Kế Toại (trước là Tổng đốc Thái Bình, Khâm sai Bắc Bộ) cũng là anh rể của GS Nguyễn Văn Huyên. Gia đình GS Huyên cũng thành lập một ngôi trường mang tên ông ở quận Đống Đa, Hà Nội, do con gái ông là PSG. TS. Nguyễn Kim Bích Hà làm hiệu trưởng. Con trai út của ông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, là nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Hiện nay có một bảo tàng mang tên vị Bộ trưởng tài ba ấy tại quê nhà ông ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thủ đô Hà Nội. Tên ông cũng được đặt cho các con đường ở Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Nguồn: 

Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà trên web của Đại học Quốc gia, truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2008
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay15,043
  • Tháng hiện tại773,161
  • Tổng lượt truy cập26,578,483
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây