Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGUYỄN AN-KIẾN TRÚC SƯ THIÊN TÀI VIỆT NAM (1381-1456)

Chủ nhật - 03/04/2016 17:38
Để tìm hiểu rõ về những nhân vật tài danh của đất nước ta sau cuộc xâm lược của nhà Minh ở đầu thế kỷ XV là rất khó khăn, vì quân Minh vơ vét của cải, sách vở, bắt các trẻ em, nhà sư, thợ giỏi các ngành nghề đưa về Yên Kinh (Bắc Kinh) để phục vụ triều đình nhà Minh.

Đây là một công việc hết sức gian nan vất vả. Công cuộc chống quân xâm lược của nhà Hồ thất bại, Trương Phụ, Mộc Thạnh sai Đô đốc thiêm sự Liễu Thăng cùng 5 viên tướng Lỗ Lân, Trương Thăng, Du Nhượng, Lương Định, Thân Chí bắt giải Hồ Quý Ly và các con là Hán Thương, Nguyên Trừng, Triết Uông, các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, Ngũ Lang, em là Quý Tỳ cùng họ hàng các tướng lĩnh triều đình cộng 13 người, cùng các ấn tín đưa về Kim Lăng để dâng vua Minh. Thời kỳ này Minh thành tổ là Hoàng đế Chu Đệ chuyển kinh đô, từ Nam Kinh lên Bắc Kinh (1403). Bắc Kinh là thành đô có lịch sử ngàn năm trước kia là kinh đô của nhà Nguyên ở thế kỷ XIII, của nhà Kim (1115-1234), nhà Liêu (907-1125). Khi nhà Minh tiêu diệt triều Nguyên xâm lược đã di chuyển lên kinh đô Đại Đô để phát triển thành kinh đô Bắc Kinh. Công việc xây dựng kinh đô mới cần rất nhiều thợ giỏi, kiến trúc sư tài ba để làm việc, chính vì vậy nhà Minh đã bắt rất nhiều thợ giỏi của nước ta đưa về Bắc Kinh để phục vụ cho triều đình, trong đó có Nguyễn An và nhiều người khác như Phạm Hoằng, Vương Cận (Trần Vũ) đã theo vua Minh đi đánh Cao Hú lập nhiều công danh được ban đai ngọc, yên vàng v.v...
Nguyễn An và sự nghiệp xây dựng cung điện ở Bắc Kinh
Trong nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu trên nhiều nguồn tài liệu quý giá của Việt Nam, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu: Yên Tử Trần Đại Sỹ, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Trịnh Cao Tưởng và Trương Tú Dân (Trung Quốc) trong bài: Nguyễn An nhà kiến trúc thiên tài người Việt Nam đã tham gia công trình kiến thiết đại Bắc Kinh dưới thời Minh (*) với các sử liệu thời Minh cho ta thấy một Nguyễn An đã trưởng thành ở Việt Nam, tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở Thăng Long và bị đưa sang Trung Quốc thời Minh. Nguyễn An là người có tài về thư toán, kiến trúc, sinh năm Tân Dậu - niên hiệu Xương Phù thứ 5 triều vua Trần Thuận Tông (1381), quê thuộc vùng Hà Đông, nơi có nhiều phường nghề phục vụ cho triều đình ở kinh đô Thăng Long. Năm 1407 triều đình vua quan nhà Hồ bị quân Minh bắt giải sang Kim Lăng xử tội, sau đó đến các văn nhân, thợ giỏi, thiếu niên, nhà sư để phục dịch triều đình nhà Minh. Vì tài năng của Nguyễn An đã được phát hiện nên năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ (Chu Đệ), Nguyễn An được giao trọng trách “Tổng công trình sư” xây dựng mới khu Tử Cấm Thành Bắc Kinh (Cố Cung) gồm 3 điện lớn: Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân và 2 cung Càn Thanh, Khôn Ninh. Đây là một công việc hết sức to lớn, ba ngôi điện chính nằm ở trung tâm Tử Cấm Thành. Điện Phụng Thiên có quy mô lớn nhất chiều dài khoảng 64m, rộng 37m, cao 27m với bộ kiến trúc khung gỗ đồ sộ gồm 84 cột và 182 dầm xà ngang dọc chạm khắc tinh vi, sơn son thiếp vàng lớn nhất ở Trung Quốc còn lại đến nay. Nơi đây, chính giữa đặt ngai vàng của các Hoàng đế Trung Hoa. Ba tòa điện này tọa lạc trên một bệ đá ngọc thạch khổng lồ hình chữ I, vì ngôi điện ở giữa (Hoa Cái) nhỏ là nơi chuẩn bị các nghi lễ cho điện Phụng Thiên. Công trình này được hoàn thành sau 5 năm đến năm 1421 thì kết thúc. Nhưng một điều không may là non nửa năm sau, cả ba điện đã bị hỏa tai thiêu cháy. Vì vậy đến năm 1440, tháng 3 năm Cảnh Thống thứ 5, Nguyễn An lại được vua Minh giao cho 7 vạn thợ và ban lệnh xây dựng, trùng tu 3 điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân, cùng 2 cung Càn Thanh, Khôn Minh. Với tài năng kiệt xuất ông đã hoàn thành công việc trùng tu, xây dựng lại trong 1 năm với 3 điện, 2 cung, vào tháng 10 niên hiệu Minh Chính Thống thứ 6 (1441) một cách xuất sắc. Vua Minh Anh Tông đã đặc thưởng cho Nguyễn An 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 súc gấm, vóc, nhiễu và 1 vạn quan tiền (Anh Tông chính thống thực lục - Q84). Năm Minh Gia Tĩnh thứ 41 (1562) đã đổi tên 3 điện này là Hoàng cục điện, Trung cực điện và Kiến cực điện. Sau khi nhà Mãn Thanh xâm lược tiêu diệt nhà Minh và tiến vào Bắc Kinh, các vua Mãn Thanh ở luôn trong Tử Cấm Thành. Năm Thuận Trị thứ hai (1645) Hoàng đế Khang Hy cho đổi tên ba điện này là: Thái Hòa điện, Bảo Hòa điện, Trung Hòa điện, mang ý nghĩa đại diện cho một cung điện lớn nhất của một triều đại mới, với mục đích ổn định lâu dài, bền vững. Trung Hòa là giữ được cái gốc lớn nhất của Thiên hạ, thấu tình đạt lý, hòa hợp trời đất để bình yên, tên điện của Tử Cấm Thành đều có 2 loại văn tự Mãn, Hán. Vị trí 3 ngôi điện được các vua Thanh cai trị.
Theo biên niên sử nhà Minh, chúng ta có thể thấy rõ sự nghiệp của kiến trúc sư lỗi lạc Nguyễn An đã được các vua Minh sử dụng, tạo nhiều điều kiện để ông thi thố tài năng trong xây dựng. Năm Chính Thống thứ 2 (1437) Vua Minh Anh Tông giao cho ông làm Tổng đốc công cùng với đốc công người Minh là Ngô Trung có nhiệm vụ làm chín môn lâu thành Bắc Kinh, trước 9 cửa lâu thành làm 9 cầu đá, 9 cống thoát nước, xây kè đá hai bên bờ thành hào, đào sâu hơn nơi trước đây là cầu gỗ, hào đất. Công việc này được làm trong hơn 2 năm. ông đã hoàn thành công việc vào tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 (1439). Minh sử còn cho biết nhiều công việc cụ thể của Nguyễn An : “ở Chính Dương Môn đã làm xong một tòa nhà Chính lâu và hai tòa tả, hữu lâu. Còn Sùng Văn môn, Tuyên vũ môn (hai bên của Chính Dương môn). Triều Dương môn ở phụ thành phía đông, Đông trực môn, Tây trực môn ở phụ thành phía tây, An Định môn, Đức Thắng môn ở phía sau, mỗi cửa đều có một chính lâu và một nguyệt thành lâu (thành phụ kiểu ưng thành đây là lối xây thành của người Hán). Bốn góc thành lại dựng vọng gác lâu. Bên ngoài các cửa đều dựng nhà bia (Minh thực lục, Anh Tông Chính thống thực lục, Q26/trg 8).
Tác giả Diệp Thanh viết bộ sách “Thủy đông nhật ký” thời Minh còn cho biết Nguyễn An rất coi trọng việc học hành nên ông đã thân chinh làm đốc công xây dựng nhà thái học. Trong Tuyên Phủ miếu ở Bắc Kinh có bia khắc ghi sự việc này.
Năm Chính thống thứ 10 (1445) Nguyễn An được lệnh cùng các quan thành nhà Minh sửa chữa, xây gạch toàn bộ mặt ngoài thành nội Bắc Kinh. Thành Bắc Kinh (Đại Đô) được đắp thời nhà Nguyên (1280-1368) thành đắp bằng đất. Đến thời Vĩnh Lạc nhà Minh mới xây một mặt gạch, mặt trong vẫn bằng đất, những năm trời mưa, tuyết rơi lớn làm tường thành nhiều chỗ bị sụt lở, phải tu sửa mất nhiều nhân lực nên đường phố đầy bùn đất, lầy lội bẩn thỉu. Mãi đến nay mới được sửa chữa quy mô, những nơi sụt lở và xây gạch cả hai mặt trong, ngoài (Anh Tông Chính thực lục, Q.130). Theo biên sử nhà Minh thời Chính Thống mới được hoàn thành tường gạch thành Bắc Kinh, hào sâu, cổng thành vững chắc, cầu đá vững bền, vọng lâu quy chuẩn. Trong Hoàng Thành các cung điện lộng lẫy, nguy nga, lầu son gác tía, tráng lệ như căn bản của Bắc kinh ngày nay, được bảo tồn từ thời Minh, đã tiến hành xây dựng mạnh mẽ đại quy mô, trong thời gian dài 8 năm, kể từ niên hiệu Chính Thống thứ 2 (1437) đến năm thứ 10 (1445). Người đảm trách từ khi khởi đầu kế hoạch thảo sang Yên đô là Nguyễn An đã được vua Minh Thành tổ chọn dùng: từ các kiểu mẫu công trình, kiến trúc chính của ba điện, 2 cung, các ty ở phủ bộ thành Bắc Kinh mà ông là người đảm trách thiết kế, lập kế hoạch, theo dõi thi công. Các quan ở bộ công đều không thể thay đổi được, chỉ việc khoanh tay làm theo kiểu mẫu đã vạch ra sẵn (Minh sử thiết hoạn quan. Truyện thứ 3. Quyển 25 trang 6). Tên tuổi của Nguyễn An được ghi trong những bậc tiền bối có công xây dựng kinh thành Bắc Kinh ở một tấm bia trên đồi Thạch Cảnh Sơn (Bắc Kinh) sách Kinh Thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết : ...”Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là một người đại tài xuất chúng”.
Nguyễn An luôn là người được vua Minh giao cho những trọng trách lớn. Khi đang tái thiết Bắc Kinh, năm Cảnh Thống thứ 9 (1444), năm ấy do mưa lớn kéo dài, đê sông Bồ Cầu bị vỡ hơn 20 đoạn. Nhà vua lại cử ông đi cùng với quan Hữu thị lang Bộ Công là Vương Hựu đi cứu đê sông Bồ Cầu, đặc biệt là khu vực bến đò Yến nhi. Đời sống nhân dân vùng đê vỡ vô cùng nguy khốn. Nguyễn An đã đệ tấu trình xin cấp nhân lực, tiền của và trực tiếp chỉ huy toàn bộ hàn khẩu các đoạn đê vị vỡ sông Bồ Cầu thắng lợi. Hàng triệu dân vùng lưu vực sông Bồ Cầu đã thoát khỏi thảm họa, người dân nơi đây coi ông là vị cứu tinh của Bồ Cầu. Vài năm sau ông còn được giao nhiệm vụ xây dựng công trình thủy sông Tái Dương. Sự thành công đem lại nhiều kết quả to lớn nên được nhiều bộ sử lớn ghi chép, ca ngợi, cảm phục ông, ngoài việc mẫu mực thiết kế, tính toán chi ly để khiến mọi người cứ theo mẫu mà làm. Mặc dù là một đại quan của triều Minh, một công trình sư do chính nhà vua trao nhiệm vụ, ông vẫn thường xuyên có mặt tại hiện trường, theo dõi đôn đốc thi công, thậm chí chính ông tự tay vác cuốc, gánh đất, đắp đất, kéo xích sắt v.v... đồng cam cộng khổ với dân phu để hoàn thành công việc (Minh sử Q34/trang 6, Hoàng Minh Thư Q13/trg17); (Minh Thư Q158/trg 3); (Anh Tông chính Thống Q119); (Thất tu loại cảo Q11/116).
Tôi đã được biết công trình kiến trúc của Nguyễn An qua sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, khi qua Trung Quốc được ngắm nhìn những công trình kiến trúc đồ sộ to lớn thật ngỡ ngàng và cảm phục, tự hào về một người Việt Nam đã xây dựng ở đây từ thế kỷ X. Lúc đó là năm 1977 chưa có du lịch như bây giờ, đi bộ qua Thiên An môn, còn tự tay lay cánh cổng gỗ cao lớn, chạy bánh xe gỗ để thử cảm giác thật sự, bên cạnh những người dân Bắc Kinh còn nghèo, đi chơi ra Thiên An Môn hóng mát, còn đi xe đạp mặc áo may ô cởi trần là chuyện bình thường. Cửa Thiên An Môn đồ sộ màu đỏ sậm trước quảng trường có độ cao khoảng gần 40m do 2 nhà kiến trúc sư Khoái Tường và Lục Tường thiết kế được xây năm 1420 với tên Thừa Thiên Môn, đến năm 1651 được xây dựng lại và đổi tên là Thiên An Môn là cổng chính phía nam còn lại tới ngày nay. Khi ta vào tới điện Thái Hòa là một khu vực vô cùng rộng lớn, tọa lạc trên 3 cấp thềm sân đá có thành lan can bằng đá bạch ngọc, với đường ngự lộ 3 cấp, chính giữa chạm khắc rồng mây vô cùng tinh xảo và to lớn. Những phiến đá nguyên khối vô cùng to lớn này, theo tài liệu cổ Trung Quốc mỗi tảng dài hơn 3 trượng, rộng 1 trượng dầy 5 thước, nặng khoảng 180 tấn. Theo Minh sử năm Cảnh Thái thứ 7 (1456) triều vua Minh Cảnh Tông có lụt lớn ở sông Hoàng Hà. Đê ở vùng Trương Thụ thuộc tỉnh Sơn Đông bị vỡ. Triều đình đã tốn nhiều nhân tài, vật lực mà không hàn khẩu được, cả một vùng Sơn Đông rộng lớn bị chìm ngập trong biển nước, dân Sơn Đông vô cùng lầm than cơ cực. Trước tình thế đó Vua Cảnh Tông đã đặc phái Nguyễn An đến chỉ huy cuộc hàn khẩu này. Trên đường đi, ông bị ốm, do tuổi cao đã mất ở dọc đường, hưởng thọ 75 tuổi. “Khi ông mất trong túi không còn quá 10 đồng tiền” (Minh sử liệt truyện. Truyện thứ 12q. Mục hoạn quan. Trg6 ). Trước khi ông mất vẫn chỉ mặc áo vải, đắp chăn vải” ông còn dặn lại “Hiến tất cả của cải được ban cho suốt đời và các của riêng đem nộp làm của công” (Hoàng Minh Thư Q.13, trg 17).
Kiến trúc sư thiên tài Nguyễn An mất đi đã để lại nhiều công trình cung điện, là những dấu ấn văn hóa của một tài năng kiệt xuất, đã được sử dụng đúng chỗ để ông phát huy trong xây dựng, kiến trúc, ông đã góp phần làm đẹp cho kinh thành Bắc Kinh tráng lệ, một tòa thành vĩ đại, hoành tráng, diễm lệ, đầy các cung điện lầu son, gác tía, cửa son, ngói hoàng ly lóng lánh. Đó là những đại kỳ quan về kiến trúc của các triều đại phong kiến phương đông từ thế kỷ XV đã tồn tại qua gần 6 thế kỷ. Nguyễn An là một con người đã đi vào lịch sử được nhiều sử sách Trung Hoa ca ngợi về nhiều phương diện, ông còn là một nhà thơ, một tấm gương đạo đức cao đẹp. Nguyễn An xứng danh là một kiến trúc sư thiên tài như nhiều sử sách, báo chí Trung Hoa ca ngợi hết lời. Ông là một danh nhân Việt Nam thời cổ trung đại, được lớn lên và trưởng thành trong nền văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, thực sự là ngôi sao Việt Nam tỏa sáng trên nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại mà người Việt Nam cần học tập và biết tới để tự hào, tự tin trong công cuộc xây dựng đất nước ta tươi đẹp hôm nay.

Nguồn tin: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại920,827
  • Tổng lượt truy cập28,714,309
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây