Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TƯỞNG NHỚ CỤ NGUYỄN VĂN TỐ

Thứ ba - 04/06/2019 03:46

Nguyen Van To

Nguyen Van To
TƯỞNG NHỚ CỤ NGUYỄN VĂN TỐ
Ngạn ngữ có câu Đời người không nằm ở việc sống lâu hay ngắn mà nằm ở việc giác ngộ sớm hay muộn. Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên vô cùng đáng kính của chúng ta đúng là người như vậy.
Cụ Nguyễn Văn Tố, tên hiệu là Ứng Hoè sinh ngày 5-6-1889 tại làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, Thọ Xương, nay là số nhà 32, phố Bát Sứ, Hà Nội. Thân sinh ra Cụ là nhà nho yêu nước Nguyễn Văn Thịnh và bà Lê Thị Kim, một phụ nữ buôn bán nhỏ. Được biết Cụ còn có hai người anh em nhưng nay vẫn chưa tìm biết được tên tuổi và hoạt động của họ. Vợ của cụ là bà Vũ Thị Chắt, kém cụ hai tuổi, quê ở làng Mọc, sau khi lấy cụ đã ra Hà Nội và làm nghề buôn bán thuốc nhuộm. Vợ chồng cụ có ba người con. Người con gái đầu lấy chồng họ Đặng Vũ, làng Hành Thiện , Nam Định. Bà mất sớm vì bệnh lao. Con trai của hai ông bà là Đại uý liệt sĩ Đặng Vũ Quang Đàm, hy sinh trên chiến trường miền Nam năm 1966
. Người con thứ hai là Nguyễn Văn Bảo, trước học trường Bưởi. năm 1935 sang Pháp học Nha khoa và mất tại Toulouse năm 1935. Người con trai thứ ba là nhà giáo Nguyễn Tá, dạy môn Vạn vật (Sinh học) tại trường Bưởi, sau sống cùng gia đình ở Canada, nhưng nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.
Vốn bản tính thông minh, cụ được gia đình cho học chữ nho theo sách Tam Tự Kinh từ nhỏ. Chỉ sau 1 năm cậu Tố đã đọc thông, viết thạo chữ nho của cả tập sách này. Từ năm lên 6 đến năm lên 9 cậu Tố đã học hết nội dung cơ sở của Nho học thời ấy và được bố giảng giải cho nghe về những câu chuyện lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước.
Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước Patenôtre với Pháp, nhiều phong trào khởi nghĩa chống Pháp đã nổ ra như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Tây Bắc, khởi nghĩa Hương Khê, khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Ba Đình… Sau đó là phong trào Đông Du và phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Những sự kiện này đã gây chấn động khắp cả nước và tất nhiên đã tác động không ít đến chàng thanh niên Nguyễn Văn Tố. Anh rất khâm phục các nghĩa sĩ yêu nước nhưng mong muốn cứu nước bằng con đường khác, với suy nghĩ Biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng . Anh xin gia đình cho vào học trường Thông ngôn (Collège des interprètes) do Pháp mở tại Hà Nội. Sau ba năm học ở trường này, năm 1905 chàng trai Nguyễn Văn Tố 16 tuổi đã tốt nghiệp ở vị trí đầu bảng và được ngài Alfred Foucher, Quyền Giám đốc Học viện Viễn đông Bác cổ, chọn ngay vào làm việc ở Học viện danh tiếng này. Trong tâm trí của Nguyễn Văn Tố lúc này là muốn đánh thắng thực dân Pháp cần hiẻu sâu về nền văn hoá Pháp và cách cai trị thuộc địa của thực dân Pháp. Cùng làm việc với Nguyễn Văn Tố thời đó có bố vợ tôi là Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và thầy giáo tôi là học giả Trần Văn Giáp. Họ đã có không ít những công trình nghiên cứu sâu sắc về văn hoá Việt mà sau này đặt nền móng cho rất nhiều các công trình nghiên cứu tiếp theo.
Để tự nâng cao năng lực chuyên môn của mình Nguyễn Văn Tố đã tiếp tục tự học thêm kiến thức chuyên môn vào ngoài giờ làm việc và vào ngày chủ nhật ở Hội Trí Tri (nơi có nhiều trí thức yêu nước tham gia như Đặng Phúc Thông, Dương Quảng Hàm, Đăng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Phạm Huy Thông, Nam Sơn, Nguyễn văn Thọ, Tô Ngọc Vân, Đoàn Phú Tứ, Trần Văn Lai…)
Năm 1905, ở tuổi 16 Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự-thông dịch (secrétaire interprète) do Toà Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Sau đó 1 năm, Nguyễn Văn Tố được chính thức nhận mức Phán sự-thông ngôn phụ tá bậc 4 tại Học viện Viễn đông Bác cổ. Những năm 1911-1912 ở tuổi 22-23 chàng thanh niên Nguyễn Văn Tố đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, văn hoá, lịch sử bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đăng trên Tập san Tri thức của Hội Trí Tri và trên tạp chí của Học viện Viễn đông bác cổ. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu Cây cỏ trong nghệ thuật Việt Nam, Chùa Việt Nam, Gốm Đai La…
Năm 1912 Hội Trí Tri đã phát triển thành một tổ chức xã hội có uy tín với 14 lớp học và 582 hội viên thuộc 18 Chi hội khác nhau. Từ năm 1923 Nguyễn Văn Tố đã bắt đầu sự nghiệp báo chí với một loạt bài đăng trên Đông Dương tạp chí, trong đó có nhiều bài dịch về tư tưởng và học thuật từ Pháp văn và Hán văn. Nguyễn Văn Tố tiếp tục cộng tác với tờ Nam Phong tạp chí. Trong khoảng 1930-1934 Nguyễn Văn Tố có những bài viết bằng tiếng Pháp được đông đảo bạn đọc quan tâm, như các bài Cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ, Về vấn đề lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, Đạo đức Việt và đạo đức phương Tây, Về vấn đề lịch sử và khảo cổ của Việt-Chăm, Đạo đức và tôn giáo…
Năm 1920 số hội viên của Hội Trí Tri ở Bắc Kỳ đã lên đến 1000 người và Nguyễn Văn Tố luôn là người nổi bật trong các hoạt động về giáo dục và văn hoá của Hội. Tập san Trí Tri đã do Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban biên tập. Những thành viên tích cực trong Hội Trí Tri đã tạo nên một giai tầng trí thức mới. Họ đã hoạt động tích cực cho nền giáo dục Việt Nam và gieo mầm cho một lực lượng xã hội góp phần làm thay đổi tư duy kinh tế cùng những cách nhìn nhận mới tiến bộ về xã hội Việt Nam. Nguyễn Văn Tố ở tuổi ngoài 30 đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá kiến thức và tinh thần khoa học phương Tây vào xã hội Việt Nam. Nền giáo dục theo mô hình phương Tây được gọi là nền Thực học khác với nền học vấn và khoa cử Nho giáo lạc hậu.
Năm 1920 Nguyễn Văn Tố được xếp vào ngạch Tham tá bậc 5 và làm việc tại tạp chí của Hội Viễn đông bác cổ. Ở tuổi 31 Nguyễn Văn Tố đã trở thành chủ sự của tờ tạp chí danh tiếng của Hội này. Năm 1921 Nguyễn Văn Tố được bầu là Thủ thư của Hội Trí Tri và Tổng biên tập tờ Tạp chí của Hội. Năm 1923 Nguyễn Văn Tố được xếp vào ngạch Tham Tá hạng 4, năm 1926 được xếp vào ngạch Tham tá bậc 3 và năm 1927 được xếp vào ngạch Tham tá bậc 2 của Học viện Viễn đông Bác cổ. Năm 1930 Nguyễn Văn Tố được bổ nhiệm làm Viên chức Hàn lâm (Offcier d’Académie) của Học viện Viễn đông Bác cổ . Với các nghiên cứu về lịch sử, văn học nghệ thuật và khoa học, năm 1931 Nguyễn Văn Tố được thưởng Huân chương Monisapharon của Hoàng gia Campuchia. Hồi đó ngoài công việc Tổng dẫn sách và lập Thư mục cho Học viện, Nguyễn Văn Tố còn viết Việt Nam từ điển và cộng tác với Nguyễn Văn Vĩnh trong tạp chí An Nam nouveau. Cũng năm đó ông bắt đầu viết bài về tục lệ Việt Nam cho tạp chí Pháp Việt báo (Revue Judiciaire Franco-Annamite). Năm 1932 Nguyễn Văn Tố được giao phụ trách công việc xuất bản của Hội Viễn đông Bác cổ. Ông còn cộng tác với Đông Thanh tạp chí với hàng loạt bài như Nước Chiêm Thành, Hai tập thơ Pháp của người Đông Dương viết, Mỹ thuật nước nhà, Tiền sử là gì, Hùng Vương hay Lạc Vương, Tiếng ta gốc tự tiếng nào, Vua Gia Long có phải một bậc đại anh hùng hay không, Sách mới, Di tích thành Đai La, Nước ta đúc tiền từ đời nào, Một đoạn Nam sử rất vẻ vang, Có Vua Triệu Việt Vương hay không, Sự tích ông Lý Phật Tử, Ông Mai Hắc Đế có phải người Thổ hay không, Bộ Tự điển của Hội Khai Trí, Văn Tàu của người Nam, Tên ông Kiên Trai là gì, Khảo về tiền cổ, Văn hoá Đông Phương, Thời đại tự chủ bắt đầu từ bao giờ, Một bộ sách giáo khoa mới khảo về Nho giáo, một loạt bài về Những điều luật nên sửa lại…Ngần ấy công trình nghiên cứu được viết ra bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố khi chỉ mới ở tuổi 43-44. Cũng trong thời gian này Nguyễn Văn Tố còn viết nhiều bài cho tờ nguyệt san Pháp Việt báo và cho tờ Tập san của Hội Trí Tri. Năm 1934 ông được bổ nhiệm làm Trợ lý chính hạng 3 của Học viện Viễn đông Bác cổ và trở thành thành viên tích cực của Hội Những người bạn của Học viện Viễn đông Bác cổ. Ngày 29-6-1934, ở tuổi 45 Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri, ông tận tâm xây dựng và phát triển Hội này cho đến tận năm 1946.
Năm 1938, Hội Truyền bá học quốc ngữ được thành lập do Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch.Trụ sở của Hội đặt ở số nhà 78 phố Bát Sứ Hà Nội. Trong Hồi ký, đồng chí Trần Huy Liệu đã viết: Theo quyết nghị của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp ở tại nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đăng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ Nguyễn Văn Tố… Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội, trước định là “Hội chống nạn thất học”, sau đổi là “Hội truyền bá học Quốc ngữ”. Vì vậy sau khi thảo luận chúng tôi đồng ý cho cụ Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội Trí Tri hồi ấy đứng ra đảm nhiệm việc này”. Ngày 25-5-1938 Hội Truyền bá học quốc ngữ ở Bắc Kỳ do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng chính thức làm lễ ra mắt nhân dân và được hàng nghìn người đến tham dự, hưởng ứng. Mục đích của Hội là Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ đọc được những điều thường thức cần dùng trong sự sinh hoạt hàng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ quốc ngữ giống nhau. Ngày 29-7- 1938 Thống sứ Bắc Kỳ là Saten buộc phải ký giấy chính thức công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội . Hội truyền bá học quốc ngữ lúc này mới chính thức được ra đời. Kể từ đây, phong trào truyền bá quốc ngữ lan rộng, trở thành một trong những hoạt động quần chúng sâu rộng và cũng rất cấp tiến của những người trí thức yêu nước. Trong Hồi ký của mình, cha tôi- nhà giáo Nguyễn Lân đã viết: Ở Huế, ngoài việc giảng dạy và sáng tác, tôi tham gia tích cực vào hai phong trào. Một là Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Tôi là một trong những người đứng ra sáng lập, theo gương của Hội ở miền Bắc. Tôi cùng ông Đào Duy Anh phụ trách việc soạn các bài dạy. Tôi mở một lớp ở gần nhà, tức là ở chùa Từ Đàm, để thường xuyên trông coi và lên lớp cùng với những anh chị em học sinh của tôi ở Quốc học và Đồng Khánh… Phong trào thứ hai mà tôi tham gia là phong trào Hướng Đạo…
Trên cương vị Chủ tịch của Hội, cụ Nguyễn Văn Tố tổ chức các hoạt động của Hội nhằm xoá nạn mù chữ trong nhân dân. Cụ và các thành viên Ban lãnh đạo Hội yêu cầu những người đã được dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình. Hội đã có được 17 chi nhánh ở Bắc kỳ với 820 lớp học, 2903 giáo viên, dạy cho 41 118 người biết đọc, biết viết. Ở Trung kỳ đã thành lập được 11 chi nhánh…Nghị quyết của Xứ uỷ Bắc Kỳ tháng 8-1938 đã nhận định thật là một công cuộc phát triển văn hoá quan trọng.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố chủ động bàn với Ban trị sự quyết định và tuyên bố chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất của Hội Truyền bá quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ. Tuy nhiên sự nghiệp khuyến học của cụ Nguyễn Văn Tố mãi mãi in sâu, đọng lại trong toàn dân ta.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra trang sử mới cho dân tộc. Ngày 27-8-1945, Chính phủ đã ra tuyên bố nêu rõ: Uỷ ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ, đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên là Bộ trưởng các Bộ, do Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội. Trên tường tại gia đình chúng tôi có bức ảnh phóng to Chính phủ cách mạng lâm thời 1945 có bố vợ tôi (Nguyễn Văn Huyên) mặc complê đứng ở hàng sau. Hàng đầu có Chủ tịch Hồ Chủ tịch đứng cạnh hai cụ mặc áo dài đen, bên phải Bác Hồ là cụ Nguyễn Văn Tố và bên trái là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ cứu tế, tuy thời gian không dài (25/8/1945- 2/3/1946) nhưng cụ Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói, nạn dốt- hai trong ba loại giặc nguy cấp thời điểm đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng. Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với người lao động, cụ Tố đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo và khôn khéo đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lý để cùng Chính phủ lái con thuyền Cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo. Ngay từ ngày 2-11-1945 cụ Tố đã quyết định thành lập Hội cứu đói, ban đầu ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và sau đó lan mau chóng ra cả nước. Cụ Tố còn trực tiếp vi hành đến các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định… để trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các Hội cứu đói. Cụ Tố còn kêu gọi đồng bào cả nước hưởng ứng phong trào lập Hũ gạo cứu đói do Bác Hồ phát động việc có những ngày đồng tâm nhịn ăn. Ngày 31-12-1945 Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 thành lập Hội cứu tế xã hội, một tổ chức xã hội để hỗ trợ và phối hợp với Bộ Cứu tế trong việc giải quyết những vấn đề nẩy sinh do nạn đói gây ra. Để đánh tan giặc đói không chỉ thực hiện những giải pháp cấp cứu, Bộ Cứu tế xã hội còn tích cực còn hưởng ứng lời kêu gọi phát động phong trào tăng gia sản xuất của Hồ Chủ tịch. Bác viết: Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập (HCM toàn tập, T4, tr.134-135)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cũng đã chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Bộ Cứu tế xã hội đã phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và tung về các địa phương để xây dựng cơ sở. Hàng vạn người biết chữ xung phong giảng dạy, hăng hái xung phong mở lớp giảng dạy và làm cho hàng triệu người biết đọc, biết viết.
Bộ Cứu tế xã hội cũng đã mở cuộc vận động xây dựng Đời sống mới và đã tiến hành tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân cả nước.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945 Bác Hồ đã trình bày với Chính phủ: Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghj Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống… (HCM Toàn tập, T.4, trang 7).
Ngày 6-1-1946 cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành và ngày 7-1-1946. Hội đồng Chính phủ họp quyết định kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khoá I sẽ họp vào ngày 3-3-1946. Quốc hội đã họp sớm hơn 1 ngày và chỉ trong vòng 4 giờ, Quốc hội đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản như thành lập Chính phủ liên hiệp Kháng chiến, và một số cơ quan quan trọng của Quốc hội và Nhà nước, như Ban Thường trực Quốc hội, Cố vấn đoàn, Kháng chiến Uỷ viên hội . Ban thường trực Quốc hội gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết . Cụ Nguyễn Văn Tố được bàu làm Trưởng ban thường trực Quốc hội (như chức vụ Chủ tịch Quốc hội). Cụ Tố đã nhanh chóng bắt tay vào việc củng cố Nhà nước, trao quyền bính cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sáng 6-3-1946 cụ Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thoả thuận. Đây là một quyết sách lớn đã được tất cả các vị có mặt cùng ký vào biên bản. Đó là Nghị quyết quan trọng do toàn thể Hội đồng Uỷ ban Kháng chiến và Ban Thường vụ Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu cộng đồng phụ trách trước toàn thể đồng bào. Sau chuyến sang Pháp do Phó Trưởng ban thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu và cuộc đàm phán Việt-Pháp tại Fontainebleau, Tạm ước 14-9-1946 đã ra đời.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã trình bày về hoạt động của Ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khoá I và việc xem xét 98 dự án Sắc lệnh do Chính phủ chuẩn bị. Những đề nghị sửa đổi của Ban thường trực Quốc hội đã được Chính phủ chấp nhận. Dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, ban thường trực Quốc hội đã chủ trương các công việc thống nhất quốc gia và đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội họp kỳ thứ hai từ 28-10 đến 9-11-1946 để khẳng định những kết quả mà Chính phủ và Quốc hội đã đạt được trong 8 tháng vừa qua và trong diễn văn khai mạc, cụ Nguyễn Văn Tố đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ của quốc dân đồng bào lúc này là ra công xây dựng nước nhà để thực hiện nền độc lập cho Tổ quốc… Với sự hy sinh của đồng bào Nam Bộ, với sự quyết tâm của toàn thể quốc dân Việt Nam, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Trung Nam Bắc một khối như xưa.
Dưới sự điều hành của cụ Nguyễn văn Tố, Quốc hội Khoá I đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc thành lập Chính phủ mới, về thuế quan, về phát hành giấy bạc…
Tuy chỉ trong một thời gian ngắn điều hành Quốc hội (2/3/1946- 9/11/1946) nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã có những cống hiến lớn lao với dân tộc, với cách mạng.
Với cương vị mới là Bộ trưởng không Bộ trong Chính phủ do Hồ Chủ tịch thành lập vào ngày 3-11-1946 cụ Ngô Tất Tố đã sẵn lòng đi theo cách mạng để chống lại thực dân Pháp. Trong hai ngày 18-19/12/1946 Tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban thường vụ Trung ương Đảng mở rộng do Hồ Chủ tịch chủ trì đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống Pháp trên phạm vi cả nước.
Thực hiện sắc lệnh số 5/SL của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã động viên nhân dân nhièu vùng cần tản cư lên các khu vực an toàn. Ở tuổi 57 cụ đã hăng hái cùng cơ quan tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Tháng 7-1947 giặc Pháp tiến quân lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta và khoá chặt biên giới. Khi chúng đổ quân lên Bắc cạn chúng đã bắt được cụ Nguyễn Văn Tố. Một tên đội Tây lai đã tưởng nhầm cụ là Hồ Chủ tịch và lập tức đưa cụ đến sở chỉ huy của Pháp. Sau đó biết rằng cụ không phải là Hồ Chủ tịch nên chúng đã lơ là trong việc giam giữ. Cụ nhanh chóng trốn thoát, nhưng không may bị địch truy đuổi bắn cụ trọng thương và bắt về lại. Chúng đã dìng mọi hành động tra tấn cực kỳ dã man sau khi đã dùng hết cách ngon ngọt dụ dỗ, mua chuộc cụ. Chúng đã dùng cả đinh đóng vào người cụ để buộc cụ kêu gọi chiến sĩ Việt Minh ra đầu hàng. Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại khi chỉ nhận được từ cụ một nụ cười oanh liệt. Chúng đã thủ tiêu một nhân sĩ hết lòng trung với nước hiếu với dân.
Trong phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý 1948 giữa núi rừng Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã bật khóc khi tưởng nới tới cụ Nguyễn Văn Tố. Bác đã đọc lời điếu thật trân trọng, sâu sắc và cảm động:
Than ôi
Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ
Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc.
Nhớ cụ xưa,
Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng
Phú quý công danh, cụ nào có thiết
Đến ngày dân tộc giải phóng thành công
Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc
Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân
Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết
Dân ta hết sức tôn trọng hoà bình
Giặc Pháp dã tâm gây nên lưu huyết
Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ bùng
Thì cụ tâm tâm hô hào đoàn kết
Lũ Tây gặp nhà là đốt, gặp của là vơ
Thấy làng thì phá, thấy người thì giết
Non sông gấm vóc há lòng cam chịu đoạ đầy
Con cháu Lạc Hồng nào để thực dân khinh miệt
Ngày này qua tháng khác, cụ đi động viên
tinh thần dân chúng khắp xa gần
Xứ Bắc đến miền Nam cụ đã trông thấy
sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt
Quân đich ào ào tấn công
Trong vùng cụ đang làm việc
Chúng tra tấn cụ cực kỳ tàn khốc, dã man
Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời
thêm một vết xấu xa
Cụ hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ
vẻ vang bất diệt
Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ.
Thế giới mất một người danh nho
Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu
đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc
Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ
mà hứa rằng
Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, cành thêm
đồng tâm
Chính phủ đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết
Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi
hoàn toàn
Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà
Nam Việt
Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều
vui sướng ở chốn suối vàng
Và nền dân chủ cộng hoà của nước ta sẽ vững
như vầng nhật nguyệt!*

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh và 72 năm ngày mất của cụ Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, tất cả chúng ta tưởng nhớ đến một chí sĩ mang hết tinh thần hiếu học để làm rạng danh văn hoá nước nhà, một gương sáng đã man lòng yêu nước để phụng sự Tổ quốc, một người anh hùng dũng cảm trước quân thù và hy sinh oanh liệt cho đất nước mãi trường tồn và là vị Chủ tịch đầu tiên vô cùng đáng kính của chúng ta
https://www.facebook.com/groups/ketnoihonguyen/

Nguồn tin:

 Từ khóa: tưởng nhớ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay35,937
  • Tháng hiện tại273,897
  • Tổng lượt truy cập28,067,379
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây