Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

ẤN VÀNG "ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẦN CHI BẢO"

Thứ năm - 27/07/2017 23:24

ẤN VÀNG "ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẦN CHI BẢO"

Quả ấn này đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016 và hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cùng với những bảo vật khác đang được lưu giữ tại đây, với sự đón nhận hào hứng của công chúng, kể từ khi Phòng Trưng bày này được khai trương vào xuân Đinh Dậu 2017. Như vậy, giá trị của chiếc ấn này đã được khẳng định, theo đó, bài viết của tôi chỉ giới thiệu đôi nét về một hiện tượng khác lạ trong hai triều đại kế tiếp nhau của lịch sử cổ trung đại nước nhà, thông qua chiếc ấn đặc biệt ấy.
Ấn đúc bằng vàng, kích thước cao 6,3cm, dầy 1,10cm, cạnh 10,84cm x 10,84cm, trọng lượng 2350 gram. Mặt ấn hình vuông, núm hình kỳ lân. Lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán “Kê bát thập kim, lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân”, “Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo” (Vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân. Ấn đúc vào ngày 6-12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5, 1709). Cạnh sau ấn khắc một dòng chữ Hán “Lại Bộ Đồng Trị Qua Tuệ Thư giám tạo” (Quan đồng trị Bộ là Qua Tuệ Thư trông nom việc đúc). Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (Ấn trấn thủ vĩnh viễn của Chúa Nguyễn nước Đại Việt).
 

Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo (Nhìn từ trên). Ảnh: Internet
 
Như vậy, về quy cách, điển chế, thư pháp và chất liệu, chiếc ấn này so với những kim ngọc, bảo tỷ Triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, không có sự khác biệt bao nhiêu. Sự khác lạ nằm ở nội dung của chiếc ấn này cung cấp vì nó liên quan tới nhân vật và sự kiện lịch sử thời Chúa Nguyễn.
 
Nhân vật và sự kiện cho chúng ta biết rằng, quả ấn này do Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) đúc. Đây là vị chúa đời thứ 6 trong 9 đời chúa Nguyễn. Và, đây cũng là thời kỳ đất nước ta phân chia làm 2, lấy sông Gianh làm ranh giới. Bắc sông Gianh là Đàng ngoài, theo chế độ Lưỡng đầu chế, với cung Vua, phủ Chúa. Thực quyền nằm trong tay Chúa Trịnh và Vua Lê chỉ là bù nhìn. Nam sông Gianh thuộc Chúa Nguyễn cai quản, biến đất phương Nam thành lãnh địa, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Trung ương, luôn là một đối trọng với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
 
Có thể nói, công lao của Chúa Nguyễn, trong đó có Nguyễn Phúc Chu, qua 34 năm tại vị, đã để lại nhiều dấn ấn trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Nổi bật nhất là sự nghiệp mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Đất phương Nam ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ chính sách chiêu dân, lập ấp, dân chúng được yên vui, no đủ. Ông được người đời sau tôn vinh là Chúa Minh.
 
Năm 1702, tình hình Đàng Trong ổn định vững chắc, chúa Nguyễn Phúc Chu tôn xưng là Quốc Chúa. Đến tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1709), ông cho đúc Kim bảo nói trên để làm ấn truyền quốc, dùng đóng trên các chiếu văn và bổ dụng quan lại.
 
Mặc dù tôn xưng là Quốc Chúa, nhưng kể cả thời Chúa Nguyễn, trước Nguyễn Phúc Chu, đều không có ý định chia cắt đất nước, luôn lấy Quốc hiệu Đại Việt như là một thực thể của một quốc gia thống nhất và trên dòng lạc khoản của chiếc ấn truyền quốc ấy vẫn lấy niên hiệu Vĩnh Thịnh Vua Lê ở Bắc Hà, lúc bấy giờ là ông Vua Lê Dụ Tông, không một chút thực quyền. Đó được coi là một sự khôn khéo của Chúa Nguyễn Phúc Chu trước nhân dân, sự khẳng định việc phò Vua của Chúa Nguyễn, như là một tuyên ngôn, theo đó là sự gián tiếp tố cáo Chúa Trịnh đang lộng quyền trước bàn dân thiên hạ. Sự khôn khéo ấy dường như là một kim chỉ nam cho hành động sau này, khi Vương triều Nguyễn được thành lập, mục tiêu đầu tiên vẫn là sự thống nhất quốc gia. Vua Minh Mệnh, với những cải cách hành chính của ông trên toàn lãnh thổ là một biểu hiện sinh động cho nhận định ấy.
 

Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo (Nhìn chính diện). Ảnh: Internet
 
Sự quảng bá cho tinh thần phò Vua, khẳng định thống nhất quốc gia, còn được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc dấu hình chiếc ấn này, cùng với ba hình dấu ấn khác lên dòng niên hiệu trên tấm bia chùa Thiên Mụ. Dòng niên hiệu vẫn là“Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi, sơ Đông Chí cát đán lập” (Bia lập vào ngày Đông Chí năm Ất Mùi, năm Vĩnh Thịnh thứ 11 [1175]).
 
Không chỉ ở thời Chúa Nguyễn, các thời Vua Nguyễn sau này vẫn dùng chiếc ấn như là một báu vật. Hãy nghe lời dụ của Vua Gia Long đối với Hoàng Thái tử “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải qua nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước ai cũng hưởng ứng... Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi.”
 
“Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo” đã được Nguyễn Phúc Ánh trước khi làm Vua mang theo bên mình suốt chặng đường lưu lạc. Tháng 1 năm 1780, ông xưng Vương, lại vẫn dùng niên hiệu của nhà Lê, lúc ấy là thời Cảnh Hưng và cũng lấy ấn này làm biểu tượng khai quốc truyền ngôi, dùng vào việc nội vụ chính sự. Như vậy, không chỉ Nguyễn Phúc Chu tôn xưng là Quốc chúa, mà ngay cả Nguyễn Phúc Ánh khi đã xưng Vương, vẫn lấy niên hiệu thời Lê và dùng lịch chính sóc của triều đại này, đã chứng tỏ quan điểm nhất quán của dòng họ Nguyễn về một quốc gia thống nhất, toàn vẹn.
 
Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo” là Kim bảo truyền ngôi của các vua Nguyễn kế vị nên được lưu giữ rất cẩn trọng. Sử cũ chép rằng, năm Canh Thìn, Minh Mệnh thứ nhất (1820), tháng 2, ngày tốt, Thánh tổ Nhân Hoàng Đế tự tay phong kín (ấn) cất đi. Đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837) ngày 22 tháng Chạp lại mở (ấn) xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời.
 
Việc Chúa Nguyễn và sau này là các vua Triều Nguyễn dùng ấn mang niên hiệu thời Lê làm ấn truyền quốc chứng tỏ một sự kế thừa cao cả về sự thống nhất giang sơn.
 
Lịch sử lại một lần nữa lặp lại ở tầm mức lớn hơn khi Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân giải phóng, thống nhất đất nước sau hơn 20 năm Mỹ – Ngụy chia cắt, thu non sông về một mối. Mong muốn của nhân dân ta đã được toại nguyện.
 
 
Theo TS Phạm Quốc Quân/thegioidisan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại922,801
  • Tổng lượt truy cập28,716,283
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây