SƠ LƯỢC VỀ TIỀN HIỀN NGUYỄN MẬU PHÓ
VÀ DÒNG HỌ NGUYỄN MẬU-TÚ SƠN
Nhà thờ và mộ Nguyễn Mậu Phó nằm ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân cách tỉnh lị Quảng Ngãi 26 km và cách huyện lị Mộ Đức 6 km về hướng nam.
Theo các tài liệu sắc phong, gia phả và kí ức của con cháu dòng họ Nguyễn Mậu ở thôn Tú Sơn và dòng họ Nguyễn Mậu chi đại tôn ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chi thứ Nguyễn Mậu ở xã Thạch Lưu, Thạch Hà, Hà Tĩnh, được biết ông Nguyễn Mậu Phó thuộc dòng dõi vị khai quốc công thần thời Lê sơ -Nguyễn Nhữ Lãm - có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1418-1428) và từng đi sứ Trung Quốc vào năm Tân Hợi 1431. Nguyễn Nhữ Lãm được vua Lê Thái Tổ phong “Suy trung phục quốc công thần, nhập nội thị sảnh, thượng thư lệnh, thái bảo thức quốc công” và ban cho chữ Mậu (nghĩa là xanh tốt)..
Nguyễn Mậu Phó là hậu duệ đời thứ 7 của đức ông Nguyễn Nhữ Lãm, không rõ năm sinh, mất ngày hai tháng hai năm Kỉ Hợi 1659.
Thuở mới khai lập, Tú Sơn là miền đồi núi cây cối um tùm, giao thông trắc trở, ông Nguyễn Mậu Phó bằng nhân đức và uy dũng đã tập hợp con người để chinh phục khai phá vùng đất này thành nơi có đồng ruộng, ao suối. Dân chúng nhờ đó phú cường, hạnh phúc. Địa danh Hoa Sơn hay Tú Lãnh (Tú Sơn) ra đời từ đó. Tại đây lưu truyền giống lúa Hoa Sơn (Trì Trì) thơm ngon nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao cổ:
Trì trì trỗ muộn chín mau
Rủ nhau ở đậu làm giàu Tú Sơn
Đồng ruộng Tú Sơn bát ngát mênh mông và đã đi vào ca dao Quảng Ngãi
Không đi sợ mất lòng chồng
Đi thì lại sợ cánh đồng Tú Sơn
Nơi đây có giếng Tiên quanh năm nước chảy róc rách. Cảnh đẹp làng quê, đồng ruộng ở thôn Tú Sơn đều có công lao của ông thủy tổ, tiền hiền Nguyễn Mậu Phó tạo dựng vào giữa thế kỉ XVII.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến đầu thế kỉ XX, con cháu Nguyễn Mậu và dân làng Tú Sơn dựa vào các sắc phong trình bày việc ông Nguyễn Mậu Phó đã xây dựng làng Tú Sơn lên triều Nguyễn. Vua Khải Định có sắc phong truy tặng ông: Dực bảo trung hưng linh phò chi trần. Sắc phong này còn lưu giữ tại nhà thờ ông ở thôn Tú Sơn.
Tưởng nhớ công lao mở mang nên vùng đất Tú Sơn của Nguyễn Mậu Phó, con cháu trong họ và nhân dân trong vùng đã xây dựng mộ và nhà thờ để làm nơi thờ cúng và chiêm bái ông. Nhà thờ và mộ Nguyễn Mậu Phó được trùng tu nhiều lần nhưng kiến trúc không thay đổi nhiều so với ban đầu. Đặc biệt, tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như trống, chiêng, lư đồng, lọng che, các bài vị khắc chữ Hán sơn son thếp vàng và 7 sắc phong của các triều vua ban thưởng.
Hằng năm đến ngày hai tháng hai âm lịch, con cháu trong dòng họ tổ chức lễ cúng tế tại nhà thờ ông:
Trích Địa chí huyện Mộ Đức tr.405
10-2008
Đến nay, dòng họ Nguyễn Mậu thuộc gốc Tú Sơn có 8 chi, hơn 200 hộ, tập trung đông nhất ở làng Tú Sơn chiếm hơn 60%, số còn lại sinh sống ở Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ. Nổi bậc nhất của dòng họ là sự đoàn kết thương yêu nhau, hiếu học.
- Nguyễn Mậu Thuyết, Trường Đại học Đà Lạt.
- Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng.
- Nguyễn Mậu Duy Trinh, Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Công tác khuyến học được xã và huyện coi là điểm sáng. Hơn 10 năm qua luôn được xã, huyện, tỉnh khen. Đặc biệt, năm 2007, tộc họ được TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tuyên dương toàn quốc và dự lễ biểu dương các tộc họ khuyến học và gia đình hiếu học toàn quốc lần II.
Phát huy truyền thống cha ông, tiền hiền Nguyễn Mậu Phó là vị tiến sĩ khoa Kỉ Mùi (1619), hiện tại dòng họ có 3 tiến sĩ: