Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN DI SẢN THĂNG LONG

Thứ hai - 07/03/2016 00:29
Nghệ nhân - những người giữ liền mạch chảy văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến luôn tự hào về hồn di sản của cha ông.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi trong một lần biểu diễn ca trù.

Dù có những lúc di sản chông chênh, song những con người một lòng giữ nghề ấy chưa bao giờ có ý tưởng rời xa di sản. Với họ, giữ được di sản chính là giữ được cốt cách và tinh thần của người Hà Nội.

Hậu duệ đời thứ 7 của đại gia đình ca trù

Vòng qua vài con ngõ nhỏ trên đường Thụy Khuê, tìm đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Cuốn vào mắt nhìn của các vị khách là hình ảnh cây đàn, bộ phách được treo trang trọng. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của đại gia đình gắn bó với ca trù cả trong những tháng ngày di sản gieo neo nhất.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi được ví là đệ nhất trống chầu đất Hà Thành. Trong trí nhớ của ông, khi còn là một đứa trẻ chập chững, tiếng đàn đã thấm vào máu thịt. “Từ cô tổ nghề của dòng họ là bà Nguyễn Thị Tuyết đến tôi là đời thứ 7 theo nghiệp hát ca trù. Những năm 30 của thế kỷ trước, trong nhà tôi lúc nào cũng ngập tràn tiếng đàn, tiếng hát, nhịp phách của bố và các cô chú trong gia đình. Mỗi lần cụ đánh đàn tôi lại tựa cửa ngồi nghe. Lớn lên không cần phải học, tôi tự biết học theo nghề của bố. Dịp đó, cứ mỗi lần có người gọi đi hát tôi lại lăng xăng chạy theo bố biểu diễn, tăng thu nhập cho gia đình”.

Cha của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là ông Nguyễn Văn Xuân - nghệ nhân đàn đáy lừng danh Bắc Hà. Khi ca trù còn thịnh, ấp Thái Hà đã dành cả không gian của đình Ca Nông làm nơi biểu diễn ca trù của dòng họ Nguyễn. Đất nước chiến tranh, trong khoảng thời gian cách nhìn nhận về nghệ thuật ca trù bị cách nhịp. Nơi biểu diễn xưa của gia đình họ Nguyễn không còn, nhưng chưa ai trong dòng họ dừng truyền nghề cho con cháu. Cụ Nguyễn Văn Xuân trước khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn dặn con mình phải giữ lấy nghề. Chính vì vậy, dù không có đất diễn nhưng từng câu hát, nhịp trống chầu vẫn được ông Mùi ngân nga trong căn phòng nhỏ của gia đình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi khuyến khích con cháu học hỏi, lưu giữ tinh hoa của nghề truyền thống.

Đến năm 1995, khi cách nhìn về ca trù cởi mở hơn, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà được thành lập không chỉ để gợi nhà về nghề truyền thống, mà còn giúp ông có điều kiện truyền dạy nghề cho con cháu mình. Đến nay, con gái ông Mùi là bà Nguyễn Thúy Mùi đã là một ca nương có tiếng. Con trai Nguyễn Nguyễn Văn Khuê cũng trở thành một nghệ nhân đàn đáy điêu luyện. Hai cô cháu gái Thu Thảo và Kiều Anh cũng sớm bộc lộ năng khiếu của những ca nương đàn kép.

Gần bước vào ngưỡng của tuổi 87 tuổi, với hơn 70 năm tuổi nghề, mãi đến cuối năm 2015 được nhận tấm bằng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông Nguyễn Văn Mùi không cảm thấy ngậm ngùi. Ông luôn dạy con cháu mình: “Ca trù là cái nghiệp của dòng họ, dù bất cứ giá nào cũng phải giữ nghề của cha ông”. Ông cho rằng, mình may mắn hơn rất nhiều nghệ nhân khác vẫn có điều kiện thực hành ca trù. Vì cho đến nay, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà không chỉ biểu diễn thường xuyên ở đình Thái Hà mà còn đưa ca trù đến Pháp, đến Nhật và nhiều nước phương Tây khác. Mặc dù, nhiều năm nay ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cần bảo vệ tình trạng khẩn cấp, nhưng nghệ nhân cho rằng nó đã không còn quá khẩn cấp trong lòng ông.

Ông “Chủ tịch tò he”

Bên cạnh những mái đầu bạc, hiếm hoi xuất hiện những mái đầu còn xanh như nghệ nhân Nguyễn Văn Thành tại lễ vinh danh Nghệ nhân ưu tú đầu tiên của Việt Nam. Bởi anh là gương mặt trẻ hiếm hoi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu này với những cống hiến giữ ngành nghề tò hè truyền thống theo cách của người trẻ. Tuy còn trẻ tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã được bầu là Chủ tịch Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành dạy các em nhỏ nghề làm tò he truyền thống.

Thế nhưng, nghệ thuật dân gian với tuổi đời hơn 300 năm ở Xuân La cũng có lúc tưởng chừng không còn ai muốn thực hành. Người dân nơi đây từng mưu sinh được bằng việc nặn tò he, nhưng rồi cũng phải bỏ nghề rồng rắn đến các khu đô thị làm thuê, cuốc mướn. Một người trẻ như Nguyễn Văn Thành nhìn thấy sự xuống cấp của nghề truyền thống đã nhiều đêm trăn trở để nghĩ cách cứu nghề. Bởi vì, trong ký ức của Thành, tò he không chỉ thu gọn trong món đồ chơi trẻ em trong làng, mà còn là những nét mặt vui tươi phấn khởi của hàng ngàn đứa trẻ từng đến Công viên Thủ Lệ để được nhận tò he.

Nếu như các bậc nghệ nhân lão thành như Đặng Văn Tố, Chu Văn Hải, Chu Tiến Công..., được ghi nhận trong phong thái thổi hồn cho làng nghề, thì Nguyễn Văn Thành đã đưa tò he trở thành thứ đồ chơi có thể hòa mình vào thế giới hiện đại. Kiểu cách, hình dáng của tò he không chỉ đơn giản là con rồng, bông hoa, nàng công chúa như xưa, Nguyễn Văn Thành mở ra những lớp hướng dẫn người dân nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình yêu thích như: Minions, chuột Mickey, Tôn Ngộ Không…

Nguyễn Văn Thành cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa tò he vào học đường. Anh đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn TP như: Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Dremhuose, Trường Mầm non Sơn Ca, Hoa Hồng... để giới thiệu, hướng dẫn các em tập làm tò he. Nguyễn Văn Thành “thổi” vào tư duy của người dân thôn quê những công nghệ mới: Quảng bá trên trang web: toehxuanla.vn. Cũng từ đây, nhiều đơn đặt hàng tham gia nặn tò he cho các sự kiện cứ tới tấp được thực hiện. Và Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La được lập ra không chỉ để “giữ lửa” cho nghề mà còn là nơi quy tụ những nghệ nhân tài hoa hướng dẫn sáng tạo tò he cho các cháu thiếu nhi có nhu cầu tìm hiểu quá trình sáng tạo.

Đã qua ba nhiệm kỳ, vẫn chưa ai thay được Nguyễn Văn Thành trong vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he. Nhiều người vẫn gọi đùa Nguyễn Văn Thành là “Chủ tịch tò he”. Ngày nay, nhờ những đơn đặt hàng ổn định từ Câu lạc bộ, nhiều nghệ nhân đã sống được bằng nghề, thậm chí còn có thu nhập cao trong dịp lễ, Tết; song Nguyễn Văn Thành vẫn trăn trở về một chương trình du lịch làng nghề Xuân La: “Sau khi xã Phượng Dực hoàn thành được chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, lúc đó Câu lạc bộ sẽ xúc tiến chương trình phát triển du lịch làng nghề”.

Linh Anh-Báo KTĐT

Nguồn tin: thanglong.chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay44,176
  • Tháng hiện tại2,295,372
  • Tổng lượt truy cập32,245,804
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây