Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

ĐỪNG DÙNG GẦU XÚC, BỔ VÀO DI SẢN

Thứ ba - 25/07/2017 17:57

ĐỪNG DÙNG GẦU XÚC, BỔ VÀO DI SẢN

Di sản văn hóa cần được nhìn nhận một cách tổng thể trên nhiều phương diện, trong điều kiện hiện tại, với sức sống cội nguồn suốt chiều dài lịch sử.

Văn hóa Huế là sự tồn tại và phát triển bởi các dòng văn hóa đô thị - văn hóa làng (chùa), văn hóa cung đình (bác học) với văn hóa dân gian. Ở đó là sự kết tinh của cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

1340340833_news_824

 Lăng Tự Đức ( Nguồn: Internet)

Sinh ra và lớn lên ở Huế, nhà thơ Võ Quê đã trải qua nhiều cương vị công tác, trước khi nghỉ hưu ông là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hiện giờ là Chủ nhiệm câu lạc bộ ca Huế. Là người đau đáu với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa xứ Huế, chạnh lòng khi nghĩ về việc bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể khi việc xã hội hóa văn hóa và di tích đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của những người dân xứ Huế.

Nhà thơ Võ Quê chia sẻ: Huế nổi tiếng là thành phố đẹp và thơ nhờ cảnh quan thiên nhiên và những giá trị kiến trúc của triều Nguyễn, kiến trúc của Pháp. Được Unesco đánh giá là “Bài thơ đô thị”. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa không thẩm thấu hết phần tinh hoa, tinh hồn của Huế. Tôi cảm thấy rất buồn khi những người nắm giữ những cương vị quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã không biết khai thác tiềm năng thế mạnh ấy để phát triển kinh tế mà tùy tiện cho khai thác cũng như xã hội hóa nhiều công trình, phá vỡ cảnh quan kinh thành Huế. 
 

Việc xã hội hóa những hoạt động kinh doanh ở các khu di tích lịch sử, văn hóa đang đối mặt với nhiều hệ lụy với những diễn biến khó lường. Mới đây, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp 17.000 m2 đất cho công ty THNH Chuỗi Giá Trị khai thác làm bãi đỗ xe tham quan lăng vua Tự Đức và lăng vua Đồng Khánh đã và đang gây phương hại không chỉ ở góc độ bảo tồn di tích mà còn dẫn đến những hệ lụy trong các hoạt động văn hóa, du lịch. Cụ thể, trong quá trình san ủi mặt bằng, đơn vị thi công đã san phẳng lăng mộ bà họ Lê - Tài nhân của vua Tự Đức.

Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh đã họp các sở, ban, ngành, song trong quá trình giải quyết đã có những ý kiến trái chiều gây bức xúc trong dư luận. Nhà thơ Võ Quê cho rằng: “Qua vụ việc xẩy ra ở khu lăng mộ vợ Vua Tự Đức cho thấy sự coi thường pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến di sản cấp quốc gia và xâm hại trực tiếp khu lăng mộ. Vì không có một chiến lược khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nên những nhà quản lý đã muốn biến các điểm nổi tiếng, có địa thế đẹp trở thành những dự án trá hình, nên trong dư luận cho rằng họ muốn bán đất vàng cho những mục đích tư lợi không minh bạch. Nỗi lo của người dân Huế hiện nay là rất sợ một dự án trá hình có nguy cơ phá vỡ cảnh quan đồi Vọng Cảnh.”

Trên cương vị của mình, Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thẳng thắn nhìn nhận: Tôi cho rằng thái độ và quan điểm của các ngành chức năng khi nhìn nhận về di sản văn hóa có phần cứng nhắc, khi chỉ căn cứ trên phương diện hành chính (xếp hạng) dẫn đến cực đoan. Huế mang trong mình nhiều sứ mệnh lịch sử văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế nên số di sản được chính thức công nhận vẫn còn rất khiêm tốn. 

Tiếp cận một di tích, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn với một di sản. Lăng vua Tự Đức cần được tiếp cận một cách chỉnh thể bao gồm vùng lõi và vùng đệm (vùng 1, vùng 2 và vùng 3 trong quản lý di tích) và chính khu vực này cũng là bộ phận hữu cơ của di sản thế giới: Quần thể di tích kiến trúc triều Nguyễn. Do chưa có điều kiện, chúng ta chỉ mới chú trọng tập trung vào vùng lõi mà dễ dàng bỏ qua vùng đệm, thêm vào đó là ứng xử thiếu thiện chí, thiếu tính tổng thể, có lúc quá chậm chạp, lúc quá nóng vội, đôi khi cực đoan và cứng nhắc, đã đẩy sự việc tới mức căng thẳng không cần thiết, có thể dẫn tới hậu quả khó lường.

q

Nơi ngôi mộ vợ vua Tự Đức bị xâm phạm. 

Mới đây, làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và chủ đầu tư là Công ty TNHH Chuỗi giá trị, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân đưa ra phương án di dời lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê về khu vực lăng mộ của bà Học Phi ở gần đó để tiện chăm sóc, quản lý, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
 

Phía dòng họ Nguyễn Phước tộc không đồng ý và gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế buộc công ty TNHH và dịch vụ Chuỗi giá trị phải bồi hoàn và làm lại lăng mộ của bà theo bản vẽ thiết kế của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, ngay tại vị trí cũ. Ý kiến này cũng đã không nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa.

Từ góc độ của người làm công tác nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Trần Đình Hằng khẳng khái phản biện: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc di dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê về cạnh lăng mộ bà Học Phi, bởi nếu tôn trọng tính chỉnh thể, điển chế của lịch sử và văn hóa. Ở đây là Cung giai chốn Tam cung Lục viện, Tài nhân chỉ ở Cửu giai, không thể sánh ngang với Phi - Nhất hoặc Nhị giai được. Nếu không có thông tin được ghi nhận từ tấm bia đá, thì có thể dễ dãi đối xử như với một ngôi mộ khuyết danh và có thể coi là vô chủ”.

Theo sử sách, tông miếu và sơn lăng thời Nguyễn do Triều đình trực tiếp quản lý, với nhiều lệ định nghiêm ngặt, trong đó có chế độ hộ lăng mang đậm tính chất xã hội hóa (quân binh chính qui, dân binh sở tại).

Theo đó, làng xã có trách nhiệm cử người coi sóc, được tha giảm phu phen tạp dịch, được canh tác thu hoa lợi ở vùng đệm chốn sơn lăng. Tôn Nhân phủ chỉ tham gia quản lý và giám sát cũng như thực hành nghi lễ ở đây. Điều này chấm dứt chính thức kể từ sau năm 1945 nên đã để lại nhiều khoảng trống và khi vụ việc diễn ra, người ta đã đối xử với nơi này như một vùng hoang địa.


Hiện nay, một số công sở, cơ quan ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang trở thành nơi kinh doanh buôn bán với tỷ lệ cao. Ngay trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế cho mở quán ăn. Quán cà phê mọc lên tràn lan ngay cả khu di tích lịch sử: Lầu Tứ phương vô sư, nhà bà Từ Cung, các thư viện, các bảo tàng... đều cho thuê kinh doanh cà phê. Rồi công trình quảng cáo bia Huda một cách dung tục, phản cảm trên đường Lê Lợi - thành phố Huế.


“Đắc nhân tâm” là điều tối thượng, cần được chú trọng lúc này bởi toàn tỉnh, các ngành luôn nỗ lực quảng bá cho một “Xứ sở hạnh phúc”, “Thành phố văn hóa Asean”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. Những “tai tiếng” tày trời liên quan tới đời sống tâm linh như chuyện “đào mả” là tối kỵ bởi khi nghe tiếng được, tiếng mất, thử hỏi còn ai dám về Huế hay đầu tư lâu dài trên đất Cố đô?.


Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng Tự Đức có kiến trúc phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn. Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay35,554
  • Tháng hiện tại273,514
  • Tổng lượt truy cập28,066,996
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây