Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NHÀ THỜ CỔ TỘC NGUYỄN TƯỜNG

Thứ tư - 10/02/2016 22:21
Là điểm đến được biết đến khá muộn màng ở Hội An, Quảng Nam (mở cửa đón khách tham quan vào giữa năm 2013), nhưng nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường thực sự thu hút du khách bởi bề dày lịch sử và kiến trúc đặc sắc của công trình.
Ngôi nhà thờ cổ này có một dáng dấp bên ngoài đơn giản và khiêm nhường
Ngôi nhà thờ cổ này có một dáng dấp bên ngoài đơn giản và khiêm nhường
 

Nằm ẩn mình trong một hẻm nhỏ ở ngay sát chùa Cầu, nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường khó nhận ra khi chưa biết nhưng không khó tìm khi đã rõ địa chỉ. Bề ngoài, công trình có một dáng vẻ khiêm nhường, giản dị.

Nhà thờ được khởi dựng năm 1806, vốn là tư dinh của cụ Nguyễn Tường Vân, làm quan dưới thời Gia Long triều Nguyễn, được thăng chức Binh bộ Thượng thư vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820).

Tộc họ Nguyễn Tường đất Quảng Nam nổi danh là một dòng họ khoa bảng. Người con trưởng của cụ Nguyễn Tường Vân là Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (Tuần vũ Định Tường), người con thứ là tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ – từng làm quan đốc học Quảng Nam và Hải Dương dưới thời vua Thiệu Trị. Các thế hệ sau nhiều người đỗ đạt làm quan.

Đặc biệt, hậu duệ họ Nguyễn Tường ở đầu thế kỷ 20 nổi danh với những cái tên: Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (tức nhà văn Thạch Lam) và Nguyễn Tường Long (tức nhà văn Hoàng Đạo) – những nhân vật sáng lập và là chủ chốt của nhóm Tự Lực văn đoàn.

Những nhà văn này cùng nhóm Tự Lực văn đoàn được coi đã đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam.




Không gian thờ cúng được thưng gỗ, nằm gọn trong nhịp giữa và 3 gian giữa của ngôi nhà. Phía trên là tấm hoành phi đề 4 chữ “Nguyễn Tường Từ Đường”



Nhịp thứ 2, phía trước gian thờ là một không gian đẹp, hệ kết cấu được phô bày đầy tính thẩm mỹ
 

Công trình có cấu trúc 3 gian 2 chái với chiều sâu 5 nhịp. Về tổng thể, nhà thờ có cấu trúc và kết cấu của nhà rường xứ Huế với bộ khung gỗ, hai chái xây bao gạch nhưng mái lợp ngói âm dương – loại vật liệu điển hình của phố cổ Hội An.

Mặc dù trải qua hơn 200 năm và qua hai lần trùng tu, song kiến trúc hiện tại của công trình vẫn cho thấy sự cổ kính và đặc sắc trong một hình hài nhuốm màu thời gian. Hệ thống khung gỗ cùng những chạm trổ do những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, Hội An thực hiện với sự tinh tế và tính thẩm mỹ rất cao.

Công trình đã trải qua hơn 200 năm với hai lần trùng tu. Lần thứ nhất là năm 1909, lần thứ hai là năm 2005. 200 năm là một quãng thời gian dài của lịch sử, gắn liền với sự phát tích của một dòng họ danh giá đáng ngưỡng mộ.

Trong nhà thờ tộc còn lưu giữ được những sắc phong của các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái thời Nguyễn, là những minh chứng rõ nét cho những đóng góp, cống hiến của dòng họ với xã hội và đất nước.

Nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường còn được gọi với cái tên dinh Ông Lớn, phần nào cho thấy sự kính trọng của người xưa về một dòng họ khoa bảng và văn nhân.




Nhịp thứ 4 và thứ 5 phía sau nhà cũng khá đơn giản phát triển từ hệ kết cấu nhịp giữa, tạo nên một không gian khá thoáng đãng






Cửa sổ ở chái nhà hình phật thủ, gợi nhắc sự đông đúc phồn thịnh theo quan niệm xưa
 

Tại đây cũng còn nhiều vật dụng, sách vở được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện công trình do thế hệ các con cháu thứ 9, 10 sinh sống, thờ tự, trông nom, bảo quản. Đây cũng là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa của khu phố cổ Hội An.

Có thể nói nét đặc sắc ở công trình này là sự biến thể của hệ kết cấu. Theo đó, hệ kết cấu chính ở nhịp giữa – đỉnh mái là kiểu “giao nguyên trụ đội” khá đơn giản, nhưng ở phía trước, khi tiến ra phía các nhịp ngoài lại mô phỏng kiểu “trính chồng trụ đội” và “cốn mê”.

Nhịp thứ hai từ ngoài vào, với hệ kèo “trính chồng trụ đội” đã nhấn mạnh một không gian tiền điện đầy thẩm mỹ và cảm xúc. Ở không gian này, người ta dễ lầm tưởng đây là nhịp giữa với đỉnh mái. Nối tiếp ra phía ngoài là một vì nách kiểu “cốn mê” cùng “trần vỏ cua” với họa tiết cực kỳ tinh xảo.

Không gian thờ được gói gọn trong 3 gian giữa và nhịp giữa, được thưng gỗ tạo cảm giác cách biệt và trang nghiêm. Xung quanh gian thờ 4 phía là những không gian rất rộng dùng cho sinh hoạt.

Công trình có bộ mái kiểu “tứ hải” xòe 4 phía với đỉnh mái ở nhịp giữa khá cao. Nửa phía sau nhà, hệ kết cấu phát triển đơn giản như ở nhịp giữa, tạo nên một không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng…

Nhưng, có thể nói về một nét đặc sắc khác của nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường, đó chính là sự giao hòa của lịch sử, văn hóa và kiến trúc.



Những biến thể của hệ kết cấu mái nhìn từ phía hồi

Bài & Ảnh: HÀ THÀNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 8.2015
Nguồn tin: http://www.tcnhadep.com/nha-tho-co-toc-nguyen-tuong-3/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại922,512
  • Tổng lượt truy cập28,715,994
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây