Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

HỌ NGUYỄN ĐỨC LÀM RẠNG DANH TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Chủ nhật - 28/02/2016 17:10
Nhà thờ họ Nguyễn Đức ở Thượng Hiền xây dựng năm 1930.
Nhà thờ họ Nguyễn Đức ở Thượng Hiền xây dựng năm 1930.
Là xã giàu truyền thống cách mạng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Thượng Hiền (Kiến Xương) từ lâu đã là quê hương của hơn 30 dòng họ trong đó dòng họ Nguyễn Đức - một dòng họ có số lượng gia đình rất khiêm tốn (hơn 20 gia đình) nhưng đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của địa phương.

Trò chuyện với anh Nguyễn Đức Luân, Trưởng họ, chúng tôi được biết, vào đầu thế kỷ XIX, đức thủy tổ họ nhà rời Thái Thụy sang Rãng Thông, xã Thượng Hiền định cư lập nghiệp. Để tránh cái gọi là dân "ngụ cư" con cháu sinh ra đều phải giấu họ Nguyễn của mình mà đặt là Phạm Nguyễn. Bút tích còn ghi trong tộc phả và khắc trên cột gỗ nhà thờ minh chứng điều đó và cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chế độ phong kiến bị lật đổ, các gia đình mang dòng họ Phạm Nguyễn ở Thượng Hiền mới trở lại đúng với tên họ của mình là Nguyễn Đức.

Ông Nguyễn Đức Nhận là người đầu tiên có cơ hội tiếp cận với nhà chí sĩ yêu nước Phạm Quang Lịch và được giác ngộ. Năm 1927, ông cùng với hai người nữa ở làng đã được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thượng Hiền do ông Nguyễn Đức Nhận phụ trách đã gây dựng các tổ chức quần chúng như Ngũ hành tương thân, Thất gia liên bảo, Hội nông dân tương tế thực hiện nhiệm vụ hô hào dân chúng đoàn kết chống bọn cường hào, lý dịch phù thu lạm bổ, ẩn lậu công điền, giác ngộ ý thức giai cấp. Năm 1929, Nguyễn Đức Nhận được kết nạp vào Đảng, đã cùng các đồng chí đảng viên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản ba xã Nam Huân, Thịnh Quang và Thượng Hiền tiến hành các hoạt động tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cộng sản, ý thức giai cấp và thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng", đẩy mạnh các phong trào yêu nước, cách mạng ở địa phương, vận động quần chúng tham gia ủng hộ phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải. Trực tiếp tham dự cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải, Nguyễn Đức Nhận đã bị mật thám Pháp ghi vào sổ đen, đưa vào danh sách những người tình nghi phải thường xuyên theo dõi. Không sợ hãi trước sự đe dọa của chính quyền thực dân phong kiến, ông cùng các đồng chí đảng viên vẫn tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng mở rộng Hội nông dân tương tế ở xã và bồi dưỡng cảm tình Đảng cho những hội viên tiêu biểu đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nông dân ở địa phương trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương như đòi trả ruộng thần điền cho nông dân thuê cấy, đòi thu thuế đúng bài sổ. Năm 1938, ông được bầu vào Ban mặt trận dân chủ huyện Kiến Xương. Khi Chi bộ Đảng xã Thượng Hiền được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở địa phương. Con em của dòng họ đều tích cực tham gia các tổ chức đoàn hội như Hội nông dân tương tế, Hội phụ nữ tương tế, Đoàn thanh niên dân chủ xã. Bà Nguyễn Thị Trăn đảm nhận chức vụ Hội trưởng Hội phụ nữ tương tế xã. Ngoài số người trực tiếp tham gia cách mạng ở địa phương, số người hoạt động thoát ly như các ông, bà Nguyễn Đức My, Nguyễn Đức Cán, Nguyễn Đức Tâm (con đồng chí Nguyễn Đức Nhận), Nguyễn Thị Hơn, Nguyễn Đức Bách… Đồng chí Nguyễn Đức Tâm năm 1945 là Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, năm 1982 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, đồng chí Nguyễn Đức Nhận chính là người đã trực tiếp đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố bãi bỏ chính quyền cũ, lập chính quyền cách mạng nhân dân ở xã. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm trực tiếp chỉ đạo cuộc mít tinh lớn ở phủ đường Kiến Xương, công bố 10 chính sách của Việt Minh, tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân phong kiến từ phủ đến tổng và ở các làng, xã. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các đồng chí: Nguyễn Đức Nhận, Nguyễn Đức Thoa lãnh đạo và chỉ huy lực lượng du kích xã, thôn ngoan cường chiến đấu chống nhiều trận càn quét ác liệt của địch, bảo vệ cơ sở và hy sinh anh dũng. 5 người bị thực dân Pháp khép tội nặng và lưu đày trong các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, 7 người trong họ được Nhà nước công nhận là lão thành cách mạng, nhiều người được tặng thưởng huân huy chương các loại.

Kế tục truyền thống cha ông, con cháu dòng họ Nguyễn Đức tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào việc làm rạng danh truyền thống cách mạng của quê hương trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và học tập. Con em dòng họ Nguyễn Đức đã tô thắm truyền thống hiếu học của quê hương với nhiều người có học hàm, học vị cao (3 tiến sĩ khoa học, 3 thạc sĩ, 2 giảng viên cao cấp). Điều đáng trân trọng hơn cả là trong suốt tiến trình cách mạng của Đảng, hơn 80 năm qua, dòng họ Nguyễn Đức ở Thượng Hiền không có ai vi phạm pháp luật; số người là đảng viên cộng sản chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Đức Lanh có 6 người thì cả 6 đều là đảng viên.

Phạm Xuân Nghiên
(Thượng Hiền, Kiến Xương)

Nguồn tin: h​http://www.baothaibinh.com.vn/39/43880/Ho_Nguyen_Duc_lam_rang_danh_truyen_thong_que_huong.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay20,999
  • Tháng hiện tại779,117
  • Tổng lượt truy cập26,584,439
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây