Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

DÒNG HỌ NGUYỄN CỬU Ở QUẢNG NINH VỚI VÙNG ĐẤT NAM BỘ

Thứ tư - 10/02/2016 14:15
Dâng hương lên bàn thờ Thượng Đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, người đi mở cõi đất phương Nam. Ảnh: T.H
Dâng hương lên bàn thờ Thượng Đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, người đi mở cõi đất phương Nam. Ảnh: T.H
Trong trang sử mở cõi về phương Nam, nhiều dòng họ ở Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay) đã có lập nhiều công lớn. Đó là dòng họ Nguyễn Hữu với Nguyễn Hữu Cảnh năm Nhâm Thân (1692) vào vùng Nam Trung Bộ đặt phủ Bình Thuận lấy đất Phan Rang, Phan Rí ở phía tây đặt huyện An Phước, Hòa Đa.
 Năm Canh Ngọ (1690) Nguyễn Hữu Hào vào phương Nam buộc vua Chân Lạp quy phục chúa Nguyễn. Đặc biệt, năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay); lấy xứ sài Gòn đặt huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn (Gia Định ngày nay) mở đầu công cuộc di dân lập ấp ở Nam Bộ.

Dòng họ Trương Phúc đã từng một thời cùng với dòng họ Nguyễn Hữu lập nhiều chiến công trên các chiến lũy Đào Duy Từ có hậu duệ là Trương Phúc Phan tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh giữ chức Trấn thủ dinh Trấn Biên từng đánh bại âm mưu muốn chiếm đảo Côn Lôn (Côn Đảo) của người Anh.

Không chỉ có vậy, khi nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ ta còn bắt gặp nhiều dòng họ khác có gốc tích từ Quảng Bình đã có công trấn giữ và khai phá vùng đất Nam Bộ phì nhiêu. Một trong những dòng họ đó phải kể đến dòng họ Nguyễn Cửu.

Về dòng họ Nguyễn Cửu, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển III tỉnh Quảng Bình trong phần Nhân vật có nhắc đến: "Nguyễn Cửu Kiều: tiên tổ người Thanh Hóa sau nhập tịch huyện Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay- PVD). Cửu Kiều từ Đông Đô vào Nam, được trao chức đội trưởng quản lãnh thuyền Mã Kỵ, lấy công chúa, thăng Chưởng cơ ra trấn thủ Quảng Bình".

Định cư ở vùng đất Phong Lộc, dòng họ Nguyễn Cửu đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc chiến bảo vệ vùng đất Quảng Bình của các chúa Nguyễn. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại sự kiện: "gặp lúc phản tướng là Nguyễn Khắc Loạt quấy rối ở châu Nam Bố Chính, Phấn (Trương Phúc Phấn) cùng Nguyễn Cửu Kiều đánh đuổi chiếm lấy hết đất Bắc Bố Chính vừa lúc quân Trịnh xâm lấn". Trong cuộc tiến công ra Nghệ An năm Ất Mùi (1655) dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Cửu Kiều là Phó tướng thủy sư cùng với Tham tướng Nguyễn Cửu Tráng đem quân đánh vào cửa Đan Nhai (cửa sông Lam) phá được thủy quân của quân Trịnh nhưng Nguyễn Cửu Kiều bị thương rồi chết. Sau khi mất, Nguyễn Cửu Kiều được tặng hàm Đô đốc, tước Nghĩa quận công.

Cũng như dòng họ Nguyễn Hữu và Trương Phúc, con cháu dòng họ Nguyễn Cửu cùng với việc tham gia các cuộc chiến chống quân Trịnh phía bắc nhiều người đã theo các đội quân của chúa Nguyễn tiến vào trấn giữ vùng đất phương Nam. Trong số con cháu của Nguyễn Cửu Kiều có Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Triêm, Nguyễn Cửu Đàm đã có công lớn, góp phần viết nên trang sử hào hùng của vùng đất Nam Bộ.
 

Sau khi  Nguyễn Hữu Cảnh lập dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn, vùng đất mới khai phá ở phía Nam luôn đứng trước nguy cơ đe dọa xâm lấn của triều đình phong kiến phía Tây. Nguyễn Cửu Vân con của Nguyễn Cửu Kiều từng giữ chức Phó tướng dinh Trấn Biên. Năm 1705, vua Chân Lạp là Nặc Yêm bị Nặc Ông Thâm cấu kết với quân Tiêm La (Thái Lan) làm phản phải chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn ở dinh Phiên Trấn. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan cai cơ là Nguyễn Cửu Vân sang đánh Nặc Ông Thâm, phá quân Tiêm La giúp Nặc Yêm trở lại ngôi báu, đồng thời bảo vệ vùng đất biên cương phía nam của chúa Nguyễn còn trong trứng nước.

Để bảo vệ vùng đất biên cương vùng đất Mỹ Tho, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một chiến lũy dài từ quán Thị Cai đến Bến Tranh (chợ Lương Phú). Bên ngoài lũy, ông còn cho đào một con hào sâu rộng nối liền Rạch Gù (Tân An) và rạch Mỹ Tho chảy ra sông Tiền. Sau này, năm 1819 người ta đào sâu thêm thành một con kênh lớn gọi là kênh Bảo Định (nay gọi là sông Bảo Định), đó là con kênh đào đầu tiên ở Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trong trong việc khai phá vùng đất trù phú. Với việc đắp lũy, đào kênh, Nguyễn Cửu Vân đã có công lớn trong việc trấn giữ và khai phá vùng đất biên ải Nam Bộ như Quốc sử triều Nguyễn viết: "Về việc mở mang bờ cõi Nam, công (Nguyễn Cửu) Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục". Tên Nguyễn Cửu Vân hiện nay được đặt cho một con đường ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử, người ta còn nhắc đến những người con của Nguyễn Cửu Vân, đặc biệt là Nguyễn Cửu Triêm (còn gọi là Chiêm) và Nguyễn Cửu Đàm đã có công lớn trong việc bảo vệ và khai phá vùng đất Nam Bộ.

Về Nguyễn Cửu Triêm, Quốc sử quán triều Nguyễn có nhắc đến sự kiện đặt châu Định Viễn lập dinh Long Hồ ở Nam Bộ. Sau cuộc tiến quân của Nguyễn Cửu Vân giúp Nặc Yêm, chúa Nguyễn thực hiện chính sách không muốn can thiệp công việc nội bộ của Chân Lạp và cố giữ hòa hiếu "để biên cảnh nhờ đó mà dứt mối can qua, sanh dân nhờ đó mà yên ổn, xóm làng được vô sự mãi mãi". Nhưng năm Giáp Ngọ (1714) Nặc Thâm với sự xúi giục của Tiêm La lại đem quân đánh Nặc Yêm, uy hiếp vùng biên ải phía Nam của chúa Nguyễn.  Nặc Yêm một lần nữa lại cầu viện hai dinh Phiên Trấn và Trấn Biên. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú đem binh đóng ở Mỹ Tho rồi sai cai cơ tả bộ dinh Bình Khương là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy, bộ binh tiếp ứng giúp Nặc Yêm đánh bại Nặc Thâm và giữ vững vùng biên cương.

Năm Tân Hợi (1731) quân Chân Lạp lại kéo sang gây hấn cướp phá Gia Định, Thống suất Trương Phước Vĩnh lại sai Nguyễn Cửu Triêm đem quân cứu ứng vùng Bến Lức đánh bại quân giặc buộc chúng phải rút về nước. Sau chiến thắng chúa Nguyễn đặt châu Định Viễn lập dinh Long Hồ. Nguyễn Cửu Triêm cùng với các binh sĩ đã có công trấn giữ và khai phá vùng đất Vĩnh Long và Trà Vinh ngày nay.

Nguyễn Cửu Đàm là con thứ năm của Nguyễn Cửu Vân, thời chúa Nguyễn Phúc Thuần ông là võ tướng hàm Hữu quân Phó tiết chế, tước Đàm Ưng hầu.  Thời kỳ này, chúa Nguyễn mở rộng công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ nhưng phải đối phó với các cuộc xâm lấn từ Chân Lạp và Tiêm La. Sau khi chiếm được Chân Lạp, tháng 10 năm Tân Mão (1771) vua Tiêm La đem hai vạn quân thủy, bộ kéo sang vây đánh thành Hà Tiên. Quan tổng binh là Mạc Thiên Tứ không giữ được phải rút chạy.

Trước tình hình đó, chúa Nguyễn Phúc Thuần sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm làm Khâm sai Thống suất đốc chiến và Cai bộ dinh Quảng Nam là Trần Phước Thành làm Tham tán đem 10.000 quân thủy bộ của hai dinh Bình Khương, Bình Thuận và 30 chiến thuyền vào Gia Định. Tháng 6, Nguyễn Cửu Đàm tiến quân theo đường Tiền Giang phối hợp với các cánh quân của Nguyễn Khoa Thuyên theo đường đến Kiên Giang, Tống Phước Hợp theo đường Hậu Giang tiến đóng giữ Châu Đốc rồi tiến quân lên Nam Vang đánh đuổi quân Tiêm La giúp vua Chân Lạp là Nặc Tôn trở về nước. Sau cuộc tiến binh  thắng lợi, Nguyễn Cửu Đàm cho quân rút về Gia Định giúp chúa Nguyễn củng cố các thành lũy, đặt các quan Cai cơ, Ký lục trông coi việc trấn giữ.

Nguyễn Cửu Đàm vừa là một vị tướng tài vừa là một nhà quy hoạch lớn, được lịch sử ghi nhận với việc xây dựng lũy Tân Hoa (còn gọi là lũy Bán Bích) và cho khơi dòng nối hai đầu rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè xuống đến Cầu Bông tạo một vòng cung ba mặt sông, một mặt thành cùng với những đồn bố phòng ở những nơi hiểm yếu bao quanh làm cho Sài Gòn trở thành môt pháo đài bất khả xâm phạm trước các cuộc tiến công của ngoại xâm. Cùng với việc đắp lũy Tân Hoa, Nguyễn Cửu Đàm còn cho đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) giúp cho thuyền bè qua lại giữa lòng Sài Gòn với các tỉnh miền Tây thêm dễ dàng, thuận lợi.

Về kênh Ruột Ngựa, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Nguyên xưa từ Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền đi lại không được... Nguyễn Cửu Đàm có đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên ấy”. Những công trình của Nguyễn Cửu Đàm đã đặt nền móng cho việc xây dựng một thành phố Sài Gòn hiện đại sau này.
Sau khi Nguyễn Cửu Đàm mất, triều Nguyễn cho thờ ở miếu Trung tiết công thần. Ngày nay tên ông được đặt tên cho một con đường tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh sự nghiệp của cha con Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Triêm, Nguyễn Cửu Đàm, dòng họ Nguyễn Cửu còn có những người đi vào sử sách của vùng đất phương Nam như Nguyễn Cửu Phú, Nguyễn Cửu Khôi. Sách Đại Nam nhất thống chí còn nhắc đến Nguyễn Cửu Dật “là chắt Nghĩa Quận công Cửu Kiều có tài tướng súy” giúp chúa Nguyễn Phúc Thuần được thăng Tả quân đại đô đốc, khi chết  được truy phong Thăng Hoa quận công, thờ ở Thái Miếu. Hậu duệ của dòng họ Nguyễn Cửu ở Nam Bộ sử sách còn nhắc đến Nguyễn Cửu Trường sinh năm 1807 tại huyện Lệ Thủy đậu Giải nguyên khoa Mậu Tý (1838) và đậu Hoàng Giáp nên gọi là Song Nguyên, được bổ làm Tuần vũ Biên Hòa...

Lịch sử mở mang vùng đất Nam Bộ ghi dấu đậm nét công lao trấn giữ, khai canh lập ấp của nhiều dòng họ có nguồn gốc từ Quảng Bình. Đi tìm dấu tích của người xưa, chúng ta càng thêm tự hào về vùng đất đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam.

Phan Viết Dũng

Nguồn tin: http://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201402/dong-ho-nguyen-cuu-o-quang-ninh-voi-vung-dat-nam-bo-2113254/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay45,781
  • Tháng hiện tại2,296,977
  • Tổng lượt truy cập32,247,409
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây