Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN Ở QUẢNG NAM

Thứ năm - 21/01/2016 16:34
Điện Bàn được khai khẩn thành một vùng đất trù phú của xứ Đàng Trong. Huyện Điện Bàn khi còn gọi là phần lãnh thổ của Amaravati (ChamPa) đã có sản xuất nông nghiệp với nhiều giống cây trồng khác nhau, biết làm thủy lợi và có những công trình kiến trúc độc đáo. Nhưng phải từ khi trở thành bộ phận lãnh thổ của Đại Việt, trải qua các thời Trần – Lê – Mạc đến thời các Chúa Nguyễn
nguyenvan vn
Tham gia công việc khai khẩn vùng đất mới có người thuộc nhiều dòng họ khác nhau từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Cao Bằng. Đông nhất là từ Nghệ An, Thanh Hóa. Những người Việt chuyển cư từ phía Bắc vào Điện Bàn – Quảng Nam, có nhiều nguồn gốc khác nhau: có những người không đạt đến sự thành công trong ý đồ của mình ở các tỉnh quê hương phía Bắc, có cả những  tội đồ, nghịch dân... Nhưng tuyệt đại đa số vẫn là những người lao động lương thiện, những quan lại, tướng lĩnh, những binh sĩ đã tham gia cuộc hành quân lớn do vua Lê Thánh Tông tổ chức, tình nguyện ở lại vùng đất mới để xây dựng “quê hương mới”. Những người dân Đại Việt khi chuyển vào Nam đã từng gắn bó với những giá trị văn minh Đại Việt, đã từng biết đến vinh quang từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và một thời cực thịnh dưới triều Lê Sơ. Họ vượt qua đèo Hải Vân, đi lập nghiệp ở các vùng đất mới với một niềm tin và một mong ước về một cuộc sống và một tương lai tốt đẹp. Xa rời lãnh thổ quê hương cũ, họ vẫn mang theo đến những vùng đất mới những phong tục tập quán lưu truyền, những giá trị văn minh  Đại Việt và vẫn sâu sắc với gốc tích quê hương như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong thi phẩm “ Đất Nước” 
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng những chuyến di dân
Họ dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...
Nhờ các gia phả và các văn bia còn giữ lại được, có thể biết rõ từ cuối thế kỷ XV trở đi có khá nhiều tộc họ đến khai khẩn vùng đất của huyện Điện Bàn  ngày nay mà hiện nay sự tổng hợp hiện tại chắc chắn là chưa thể đầy đủ. Những dẫn chứng sau đây chỉ là những ví  dụ.
 Sau đại thắng quân Chiêm (1471), Triệu quận công Lê Văn Cảnh được sai phái ở lại trấn thủ vùng Chiêm Động đã tổ chức khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Mạc Xuyên sau đổi là Vân Xuyên rồi Vân Ly, nay thuộc xã Điện Quang (6- 128).
Lê Viết Bang, theo phò vua vào Nam chinh chiến, sau 1471 được vua Lê sai phái ở lại vùng đất Chiêm Động, có công khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Bằng An, nay thuộc xã Điện An (6 – 129).

Đô trị bình Chiêm Lê Tự Cường sau thời gian phò vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thắng lợi đã có công khai khẩn xứ Bàn Tràm, làng Thanh Quýt thuộc xã Điện Thắng ngày nay (6 – 129)
 

Có rất nhiều dòng Lê Tộc từ Thanh Hóa vào định cư tại đất Điện Bàn ngày nay như Lê Tấn Viễn định cư tại Điện Dương, Lê Cao Xảo tại Điện Phước, Lê Viết Bảo tại Điện Nam, Lê Đường, Lê Tấn tại Điện Hồng, Lê Văn Đạo tại Đông Bàn, Lê Đắc Sùng tại Giáo Ái, Túy La (Điện Hồng), Lê Đắc Vinh tại Điện Hồng...(6-131 -132).
Không chỉ có người họ Lê mà còn có cả người thuộc các tộc họ khác hoặc theo nhà vua đánh Chiêm rồi ở lại khai khẩn vùng đất mới, hoặc di cư vào từ sau khi Đạo Thừa Tuyên Quảng  Nam  được thành lập. Nhờ các gia phả và các bia đá còn giữ lại được,  có thể biết từ cuối thế kỷ XV có nhiều tộc họ đến khai khẩn vùng đất Điện Bàn ngày nay như thủy tổ tộc Phạm ở Cẩm Sa, thủy tổ tộc Nguyễn Văn, tộc Đào, tộc Võ, tộc Mai, tộc Lê, tộc Nguyễn, tộc Hồ ở làng Nông Sơn, tộc Phan, tộc Ngô, tộc Nguyễn ở làng Bảo An.
New Picture
 
New Picture (1)


Trong tập san nghiên cứu lịch sử số 5 – 1993 của Viện Sử học Việt  Nam  có công bố một tài liệu gọi là “Bắc địa tấu từ” (bài tấu tâu về đất Bắc). Bài từ được viết ngày 12 – 6-1492 (năm Nhâm Tý Hồng Đức thứ 23) này là của 24 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Hải Dương vào khai phá vùng Bắc sông Thu Bồn. Trong số đó có các dòng họ Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê... Bài từ có nói đến các tên làng Nông Sơn, Hạ Nông, Châu Lâu, Đắc Ký...
 

Các nhà nghiên cứu cũng đọc được trên một tấm văn bia của dòng họ Phan, xã Phong Thử (Điện Bàn) những dòng chữ sau: “Năm Đinh Mùi Quang Hòa 15 (1547), khi đó thủy tổ họ Phan đã 43 tuổi. Ông vâng mệnh Tiên Thánh Vương(+[1]) vào khai phá vùng đất phía nam, di dân cư trú, mở rộng nơi ở, mở mang đất đai. Thủy Tổ bèn đem theo vợ con còn ở bên sông Linh Giang(+[2]) tiến đến xứ Quảng để mở đất. Tại nơi đó ông thấy rừng có thể trồng cây, suối có cá bơi lội, đất có thể thành ruộng tươi tốt, cỏ có thể chăn nuôi. Vì thế ông rất vui vẻ có chí kiến lập làm chỗ an cư, bèn quay về đón dân tới làm ruộng cày bừa, yên tâm sinh sống lập nghiệp. Đến năm Cảnh Trị 7 (1671) đời vua Lê Huyền Tông, họ Phan đã khai phá được rất nhiều ruộng để canh tác. (Bài của Phạm Thùy Vinh – Dòng họ Phan xã Phong Thử và công cuộc khai phá vùng đất Quảng  Nam ) (7 – 189, 190)
 

Làng Hà Thanh (thuộc xã Điện Hòa) ngày nay, trước gọi là làng Hà Khúc, tương truyền trước đời Gia Dụ Nguyễn Hoàng (1558 – 1612) có người họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm từ Thanh Hóa vào khai khẩn, lập nên làng Hà Khúc (Hà Thanh - Điện Hòa ngày nay). Ông tổ họ Nguyễn ở Hà Thanh là Nguyễn Thanh Nghiêm. Ông tổ họ Phạm là Phạm Công Bài cùng đến. Người tộc Nguyễn khai khẩn lập nên Hà Thanh Đông, người họ Phạm khai khẩn lập nên Hà Thanh Tây. Ông tổ họ Đặng là Đặng Bá Chiến tuy đến Hà Khúc từ trước nhưng do ít dân, không lập được ấp, nên cùng sống, cùng làm với dân họ Nguyễn, họ Phạm(+[3]). Về sau có thêm người của các tộc họ khác đến là họ Lê, họ Ngô, họ Tăng, họ Từ, họ Châu, họ Nguyễn Viết, Nguyễn Phi, họ Phan, họ Trần, họ Diêu. (Nguyễn Nghĩa Dân – họ Nguyễn làng Hà Thanh).
 

Trên mảnh đất vốn là lãnh thổ thuộc Amaravati của vùng đất Chiêm Thành xa xưa, cư dân Đại Việt từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Cao Bằng. .. vào khai khẩn đã tiếp cận với một thiên nhiên phong phú nhưng đầy trở lực. Rừng rậm nhiều, thú dữ còn vây kín cả con người. Rừng sâu, sông gấp, biển đầy bão tố, nắng lửa, mưa dầm là những thử thách thường xuyên. Một thước đất được khai phá trên mảnh đất này thật là một kết quả đẫm mồ hôi của sự lao động gian nan. Quá trình lao động khai phá đó đã góp phần rèn luyện cho người Quảng Nam  nói chung và người Điện Bàn nói riêng có được độ bền và một cường độ lao động hiếm thấy. Công cuộc khai hoang bền bỉ và gian truân trên đất Điện Bàn ngày xưa trong suốt thế kỷ XV- XVI  đã đưa lại hai kết quả rõ rệt: có nơi thì mở rộng thêm những làng xã cũ đã có sẵn, có nơi thì hình thành nên những thôn ấp, làng xã mới trên các vùng đất mới được khai khẩn. Nhiều làng xã mới ra đời cùng với hệ thống làng xã cũ đã có sẵn đã làm cho thôn ấp nối liền thôn ấp, làng xã nối tiếp nhau trên một miền đất mà mấy thế kỷ trước còn hoang sơ và dân cư còn thưa thớt.
 
[2] + Linh Giang - Sông Gianh ở Quảng Bình
[3]  + Theo quy định thời đó, mỗi tộc họ phải có từ 50 dân trở lên mới được thành lập 1 ấp

 “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (làm quan thời Mạc) viết năm 1553 đã kể ra 66 tên làng chỉ riêng trên phần đất Nam Hải Vân gồm các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc và một phần đất Duy Xuyên, Quế Sơn hiện nay.
 Trong số 66 tên làng kể trên, có 24 tên làng thuộc huyện Điện Bàn hiện tại: làng Đắc Ký, Họa Thử (Phóng Thử), Kỳ Làm, Giáng Là thuộc xã Điện Thọ hiện nay; làng Nông Sơn, Bất Nhị, Hà Khúc (Hà Nông) thuộc xã Điện Phước, làng Đông Bàn thuộc xã Điện Trung, làng Đa Thử (Đa Hòa) Cẩm Đăng (Cẩm Văn), Giáo Ái thuộc xã Điện Hồng, làng Lỗi Sơn (Cẩm Sơn), Diễm Sơn thuộc xã Điện Tiến, làng Hoa Hồ (Đông Hồ), Bích Trâm thuộc xã Điện Hòa, làng Lại Nghĩ, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa); làng Thị Lại (Thì Lại), Kim Lữ (Cẩm Lậu) thuộc xã Điện Phong; làng Nhân Triêm (Phú Triêm) thuộc xã Điện Phương, làng Uất Lũy, Cúc Lũy (Khúc Lũy) thuộc thị trấn Vĩnh Điện và xã Điện Minh, làng Kim Quất (Thanh Quýt) thuộc xã Điện thắng (9 – 65 – 66-67).
 Ngay từ thế kỷ XV – XVI (dưới thời Lê, Mạc) vùng đất huyện Điện Bàn (bao gồm cả Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc ngày nay) còn thuộc phủ Triệu Phong (Thuận Hóa) đã bắt đầu có dấu hiệu của sự trù phú. Tác giả "Ô Châu Cận Lục" đã viết về huyện Điện Bàn thuở ấy với nhiều nhận xét tốt đẹp. “Đất đai liền với phương  Nam , cương giới bên ngoài châu Ô. Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa. Xe tiện chuyên chở đường bộ, ghe thuyền thuận lợi đường sông. Chén bát không vẽ rồng thì phượng, áo quần không màu tía thì điều. Phong tục Điện Bàn hậu nhiều bạc ít như thế” (9 – 72)
 Việc cư dân Đại Việt đến và dừng chân được vững chắc trên mảnh đất từ Hải Vân đến sông Thu Bồn là bước đi rất quyết liệt, gay go, nhưng đó cũng là một bước cơ bản để mảnh đất này góp phần quan trọng trong quá trình mở nước về phía nam của dân tộc.
 Kể từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thăng huyện Điện Bàn vốn thuộc phủ Triệu Phong thành phủ Điện Bàn, vùng đất Điện Bàn ngày càng khởi sắc, trù phú. Sách sử do Quốc sử  quán triều Nguyễn biên soạn cho biết sự ổn định và thịnh vượng của vùng Thuận Quảng (trong đó có phủ Điện Bàn) dưới thời Nguyễn Hoàng.
 “Ở vùng Thuận Quảng dân buôn lạc nghiệp, chợ búa không bán hai giá, trong xứ không có trộm cướp. Người người đều sum vầy làm ăn. Trong trấn ngày một đông đúc thịnh vượng.
 Ở Thuận Quảng chợ không nói thách, dân không trộm cướp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức. Từ đấy người Mạc không dám dòm nôm, trong cõi được yên ổn làm ăn”.
 Suốt trong thế kỷ XVII – XVIII công cuộc khai khẩn Điện Bàn tiếp tục được đẩy mạnh, làng mạc tiếp tục được xây dựng và dân số tăng lên. Dẫn lại tài liệu của Lê Qúy Đôn, tác giả LiTana cho biết, nếu vào giữa thế kỷ 16, Điện Bàn (thuộc huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong) chỉ có 66 làng, (theo Ô Châu Cận Lục), thì vào năm 1776 (lúc này huyện Điện Bàn đã được nâng lên thành phủ Điện Bàn thuộc dinh Quảng Nam), con số này đã được tăng lên thành 197 xã và 317 địa điểm định cư thuộc các xã này (19 thôn, 7 giáp, 205 phường và 86 châu)
 Trong “Phủ Biên Tạp Lục”, Lê Quý Đôn có nhận xét về sự giàu có của Thăng Hoa, Điện Bàn: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì Xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải, lụa, vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp....” (13 – 337)
 Ở Quảng  Nam  lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu hằng năm nộp lụa thuế 2.358 tấm (13- 332-333).
 Cư dân trên đất Điện Bàn cách không xa dinh trấn Thanh Chiêm (thuộc Điện Phương hiện nay) giỏi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Cùng với những nương dâu xanh ngút ngàn do phù sa sông Thu Bồn tạo nên, người Điện Bàn xa xưa đã sản xuất tơ tằm cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
 Ngoài nghề dệt vải, tơ lụa, ở Điện Bàn còn có nhiều ngành nghề thủ công nổi tiếng như nghề mộc, nghề gốm, nghề rèn.
 Ở gần dinh trấn Thanh Chiêm có một làng nghề đúc đồng nổi tiếng, làng nghề Phước Kiều. Nghề đúc ở Phước Kiều có nguồn gốc từ Bắc Ninh và theo một số truyền thuyết dân gian thì ông thủy tổ của làng Phước Kiều làm nghề hàn nồi. Đặc điểm nổi bật của ngành nghề đúc đồng Phước Kiều là đã chế tác được những cồng, chiêng, phù hợp với sự quen thuộc của từng vùng.
 Trong "Phủ Biên Tạp Lục", Lê Quý Đôn có nói đến những con đường quan trọng qua lại trên đất Điện Bàn ở thế kỷ XVII- XVIII: đó là đường từ Thanh Khê (Đà Nẵng ngày nay) đi đến Cẩm Sa (xã Điện Nam hiện tại) mất nửa ngày, rồi từ Cẩm Sa đi đến dinh trấn Thanh Chiêm, xã Điện phương hiện tại mất nửa ngày, từ dinh Thanh Chiêm đi đến Hà Lam, mất nửa ngày. Lê Quý Đôn còn nói đến một con đường quan trọng khác, đường từ Hải Vân đi thẳng đến Dinh Chiêm ở xã Cần Húc (đi không quá 2 ngày).
 

Dưới thời Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX, do chính sách của nhà Nguyễn, cư dân huyện Diên Phước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Ngoài lúa, ngô, mè, sắn, khoai, lạc, rau, đậu, cư dân còn trồng các loại cây khác như: bông (vải), thuốc lá, mía. Cây mía đứng hàng thứ nhì sau cây lúa. Lúa thường được cấy hai vụ, tháng tám, tháng ba. Có lúa cấy, có lúa gieo, có lúa đồng cạn, có lúa đồng sâu. Để có thể cày sâu, nông dân dùng cày nặng và lưỡi to, vì thế để kéo được cày phải có trâu, bò to và khỏe. Thủy lợi rất được coi trọng. Nông dân có nhiều loại gàu để tát nước, gàu giai, (gàu kéo), gàu sòng. Ngoài ra còn có xe đạp nước để đưa nước vào ruộng. Ruộng lúa gắn liền với các dòng sông lớn nhỏ khác nhau, quan trọng nhất là dòng sông Thu Bồn.
 Về thủ công nghiệp có các nghề nấu đường, nghề làm đồ sắt, nghề rèn, nghề mộc, nghề dệt vải và tơ lụa. Đặc biệt là nghề đúc đồng ở Phước kiều vẫn tiếp tục được duy trì.
 Từ cuộc chiêu mộ di dân dưới thời nhà Hồ (1402) rồi sau đó dưới thời nhà Lê (từ sau 1471), và tiếp đến dưới thời các chúa Nguyễn, cư dân trên đất Điện Bàn đã đương đầu với rất nhiều hiểm họa, thử thách, khắc phục thiên tai, lụt lội, hạn hán để khai khẩn, mở mang làng xã, làm cho Điện Bàn từ một miền đất còn hoang sơ trở thành một vùng đất phì nhiêu, trù phú, sinh sôi, nảy nở. Quá trình lao động gian truân đẫm mồ hôi qua bao thế kỷ để mở mang, khai phá đã tạo nên một cộng đồng cư dân sống kiệm ước, khắc khổ lao động, không phù phiếm xa hoa, biết “ăn chắc mặc bền”, tìm lạc thú sinh hoạt ngay trong sự cần lao phấn đấu.
 Chính trên một mảnh đất đã được định hình với một cộng đồng dân cư đầy triển vọng như thế, chúa Nguyễn đã chọn để xác lập thủ phủ (dinh trấn Thanh Chiêm) cho cả một vùng đất rộng lớn từ Hải Vân đến núi Thạch Bi (Phú Yên).
 2.Những dấu ấn lịch sử:
 Dinh trấn Thanh Chiêm trên đất Điện Bàn, niềm tự hào của lịch sử Đàng trong.
 Đã từng có những cuộc thảo luận để xác minh Cần Húc và Thanh Chiêm là cùng một địa điểm được thay đổi tên hay là hai địa điểm với hai địa danh khác nhau?[1]
 1] Theo "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn "dinh Quảng Nam mà tục gọi Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên".
 Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí", thời Tự Đức, mục Thành Trì có ghi: "Hồi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước", nhưng cũng chính tác giả này, ở mục Tự Quán, lại ghi "Hồi mới dựng nghiệp chúa, đặt dinh Quảng Nam tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên".
 Sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" ghi: "Lỵ sở đóng trên đất xã Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh", sách đó cũng ghi: "Từ quán nghỉ Thanh Chiêm thuộc địa phận xã Thanh Chiêm, thời xưa lỵ sở cũng đóng tại đây".
 Sách "Đại Nam Thực lục Tiền biên", quyển 1, có đoạn: "Chúa khen rằng: Chỗ này đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Liền vượt qua núi xem xét tình thế, dựng dinh trấn ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên)..."
 Tháng 5-1958, sau cuộc điền dã ở Duy Xuyên và Điện Bàn, nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm đã kết luận rằng địa danh Cần Húc chính là dinh trấn Thanh Chiêm, và hai địa danh đó chỉ là một.
 Một số nhà nghiên cứu khác không đồng tình với ý kiến nói trên. Ông Nguyễn Phước Tương viết: “Trong xa xưa, Cần Húc và Thanh Chiêm là hai địa danh khác nhau, là hai xã khác nhau, nằm cạnh nhau và cách nhau chừng một cây số. Và hiện nay, làng Cần Húc với tên mới là làng Văn Đông, nằm kề liền làng Thanh Chiêm trong xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.”
 Đại  Nam  nhất thống chí của Quốc Sử quán Triều Nguyễn có ghi rằng Cần Húc và Thanh Chiêm là hai xã khác nhau và nằm kề cận nhau: “Xã Cần Húc nay là xã Văn Đông huyện Diên Phước, tiếp giáp Thanh Chiêm”. (14-370).
 Theo Nguyễn Phước Tương, ban đầu vào năm 1602, lỵ sở đầu tiên của dinh Quảng Nam đặt tại xã Cần Húc thuộc địa phận huyện Duy Xuyên có tính chất tạm thời. Chỉ vài năm sau, khi lỵ sở chính thức được xây dựng xong trên làng Thanh Chiêm bên cạnh đủ tiện nghi, khang trang và thuận tiện hơn thì lỵ sở cũ được chuyển đến địa điểm mới, nằm trên địa phận huyện Điện Bàn”. (15-49)
 Sự tranh cãi giữa Cần Húc và Thanh Chiêm là hai hay một tạm thời vẫn chưa ngã ngũ, nhưng việc tồn tại về một Dinh trấn Thanh Chiêm qua những khảo sát điền dã của các nhà nghiên cứu như cuộc điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng vào năm 1994-1995, đoàn các nhà nghiên cứu nhân Hội thảo kỷ niệm 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm ở Quảng Nam năm 2002, cuộc khai quật khảo cổ học của đoàn chuyên gia Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản trong 3 năm (2000-2002) cùng các vết tích như tường thành, thành vệ, nhà lao, hành cung, kho muối, tàu tượng, mô súng, tịch điền, vọng khuyết, phường đúc, chợ củi, gò sứ... là minh chứng về sự tồn tại của thủ phủ xứ Đàng Trong ở thế kỷ XVII-XVIII trên đất Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) là có thật.
 Về địa danh Thanh Chiêm, cũng có ý kiến bàn luận: Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy thì “hai tiếng danh xưng “Dinh Chiêm”, chính là “Dinh Chàm”, một địa danh còn rơi rớt lại ở buổi giao thời Chiêm Thành-Đại Việt”. (16

Nguồn tin: dienban.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,710
  • Tháng hiện tại921,661
  • Tổng lượt truy cập28,715,143
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây