Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TƯ TƯỞNG KHOAN DUNG CỦA KHỔNG TỬ VÀ SỰ THỂ HIỆN CỦA NÓ Ở NGUYỄN TRÃI

Thứ tư - 10/02/2016 12:54

NguyenTrai

NguyenTrai
 Dẫn nhập
Thuật ngữ khoan dung có nguồn gốc từ tiếng latinh tolerantia với nghĩa là sự chấp nhận, sự dung nạp và tha thứ. ở nhiều nước phương Tây thuật ngữ này được sử dụng với nghĩa chung là sự chịu đựng, tha thứ. Còn ở phương Đông, thuật ngữ khoan dung được đề cập từ rất sớm, có thể lần đầu tiên nó được xuất hiện trong Kinh Thư, theo đó “khoan” là khoan thứ, khoan hồng, rộng lượng; “dung” là bao dung. Thuật ngữ khoan dung được sử dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam với nghĩa bao dung, khoan hồng, lượng thứ, vị tha.

Khi nghiên cứu tư tưởng khoan dung của Khổng Tử cũng như của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, chúng tôi dựa vào Công bố tiêu chuẩn khoan dung trong Văn kiện cơ bản của UNESCO với một số nội dung đáng chú ý như sau:
“Thứ nhất, khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao sự phong phú, đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới của chúng ta, của những phương thức biểu hiện và những cách thể hiện phẩm chất của con người… Khoan dung là hòa hợp trong sự khác biệt… Nó không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức, mà còn là yêu cầu chính trị và pháp luật. Khoan dung là một đức tính khiến cho hòa bình có thể thực hiện được trên trái đất và góp phần thay thế văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình.
Thứ hai, khoan dung không phải là nhượng bộ, hạ cố hay chiều lòng. Khoan dung trước hết là một thái độ ứng xử tích cực xuất phát từ việc thừa nhận các quyền phổ quát của con người và thừa nhận sự tự do của người khác”([1]).
Từ những tiêu chuẩn cơ bản nói trên cho thấy, khái niệm khoan dung trong triết học phương Đông so với tiêu chuẩn của UNESCO có nhiều điểm trùng hợp, đồng thời trong nền triết học này cũng có những mặt tích cực và hạn chế của nó. Trong tư tưởng của Khổng Tử (551 - 479 TCN.), người sáng lập trường phái Nho gia, khái niệm khoan dung được đề cập trong nhiều tình huống ứng xử, đã trở thành triết lý nhân sinh có ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết của chúng tôi tập trung vào việc tìm hiểu nội dung tư tưởng khoan dung của Khổng Tử và ảnh hưởng của nó tới tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà Nho, bậc khai quốc công thần Việt Nam thế kỷ XV. 
Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử
Nói đến tư tưởng khoan dung của Khổng Tử, chúng ta lưu ý trước hết đến khẳng định của ông về tính nhất quán của học thuyết do ông sáng lập, đó là trung thứ. Điều này được dẫn ra từ cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và người học trò yêu của ông là Tăng Sâm, rằng đạo của ông nhất quán từ đầu tới cuối. Tăng Tử hiểu được điều đó từ ý của thầy và khẳng định với đám học trò đi cùng, rằng: “Đạo của thầy [Khổng Tử] chỉ tóm tắt ở một điều “trung thứ mà thôi” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 15)(2). Vậy, trung thứ bao hàm những ý nghĩa nào?
Thứ nhất, trung thứ là suy ta ra người, được xem như một biểu hiện gần gũi nhất của nhân.
Khổng Tử nói: “Ôi, người nhân là người muốn gây dựng điều gì cho mình cũng gây dựng cho mọi người điều đó, muốn mình thông đạt ra sao cũng khiến người được thông đạt như vậy. Khéo lấy bản thân làm mục tiêu so sánh [để hiểu lòng người] khá gọi là phương pháp tốt để thực hiện điều nhân vậy” (Luận Ngữ, Ung Dã, 29). Không dừng lại ở việc lấy bản thân làm mục tiêu so sánh, Khổng Tử kêu gọi người quân tử phải có ý thức khuyến thiện và ngăn ngừa điều ác. Ông nói: “Quân tử giúp cho điều tốt đẹp của người khác được thành tựu, không giúp cho điều xấu của người khác được thành tựu. Kẻ tiểu nhân làm trái lại” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 15). Khổng Tử còn đưa ra một câu cách ngôn về trung thứ cho mọi người thực hành trong suốt cuộc đời: “Đó là chữ lượng thứ chăng? Điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình] chớ đem áp dụng với người” – (Luận Ngữ, Vệ Linh công, 23).
Từ quan điểm “suy ta ra người”, Khổng Tử khẳng định người ai cũng ham muốn điều thiện luôn đến với mình. Vì vậy, ông cho rằng, “hãy thật lòng để chí vào điều nhân, sẽ không phạm phải điều ác” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 4), nghĩa là không gây ra cho người khác những điều chẳng ai mong muốn.
Thứ hai, khoan thư sức dân để thực hiện mục đích chính trị huệ dân.([1])
Khổng Tử yêu cầu người cầm quyền phải biết tiết kiệm trong chi tiêu mà thương yêu người, dùng sức dân đúng lúc, sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất (“sử dân dĩ thời” - Luận Ngữ, Học Nhi, 5); đề bạt những người tốt, giáo dục những kẻ sai lầm; thực hiện thứ, phú, giáo, làm cho người gần vui lòng, người xa tìm đến.
Khi Tử Trương hỏi Khổng Tử về việc áp dụng đạo nhân vào chính trị, Khổng Tử nói rằng, “có thể làm được năm điều [đối với mọi người] trong thiên hạ, là thi hành nhân chính([1]) vậy <…>. Đó là cung kính, khoan dung, thành tín, cần mẫn và có ân huệ. Cung kính thì không khinh nhờn; khoan dung thì được lòng mọi người; thành tín thì được người tín nhiệm; cần mẫn thì nên công; có ân huệ thì dễ sai khiến người” (Luận Ngữ, Dương Hóa, 6). Như vậy, khoan dung vừa là phương pháp, vừa là phương tiện để thực hiện mục đích huệ dân, không ngừng làm lợi cho dân, gia ơn cho dân thì dân sẽ tin theo và dễ sai khiến dân.
Thứ ba, không chấp nhặt quá khứ bất hảo của người khác.
Khổng Tử đã lấy tấm gương của “Bá Di, Thúc Tề không nhớ tới những điều xấu cũ [của người khác] nên ít ai oán ghét” (Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 22). Hơn nữa, khi “việc đã thành rồi, chớ nói đi nói lại. Việc nhất định xẩy ra, chớ can gián. Việc đã qua, chớ nên trách” (Luận Ngữ, Bát Dật, 21).
Cũng tương tự, khi có cậu bé người làng Hỗ là một làng có nhiều người ngang ngược đến xin nhập lớp của Khổng Tử, các học trò của ông tỏ ra không đồng tình tiếp nhận vì theo họ, những người làng Hỗ có tính hùng sẽ, không biết lẽ phải. Khổng Tử nói: “Hoan nghênh người tới, không hoan nghênh người lui. Sao khắt khe thế? Người ta thành tâm tới đây, ta hoan nghênh chỗ thành tâm đó, chẳng dám đảm bảo chuyện quá khứ của người ta” (Luận Ngữ, Thuật Nhi, 28). Điều này cũng giống như ngạn ngữ của Việt Nam cho rằng, “đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ [có chuyện] đánh kẻ chạy lại”. Đó là sự khoan dung, độ lượng của Khổng Tử đối với những người muốn “cải tà quy chính”. Theo Khổng Tử, “người hăng hái mà chán ghét cảnh nghèo khó ắt gây loạn vậy. Biết người đó là bất nhân, mà ghét bỏ quá đáng là xúi người ta gây loạn vậy” (Luận Ngữ, Thái Bá, 11). Điều đó có nghĩa là người bất nhân thì ai cũng ghét, nhưng nếu không biết cảm hóa họ, lại đẩy người ta vào chỗ chân tường thì họ sẽ làm bậy chẳng khác gì ý nghĩa của câu ngạn ngữ: “Chó cùng cắn dậu”.
Có lần Phàn Trì cùng thầy Khổng Tử dạo chơi dưới đền Vũ Vu, Phàn Trì hỏi thầy về việc tu dưỡng đức tính, tu sửa lỗi lầm và phân biệt rõ điều lầm lẫn. Khổng Tử nói: “Câu hỏi hay lắm! Phải gắng làm điều thiện mới mong được điều thiện, đó chẳng là tu dưỡng tính tình hay sao? Đả kích điều xấu của mình, không đả kích điều xấu của người, đó chẳng phải là tu sửa lỗi lầm hay sao? Giận dữ trong một lúc, đến nỗi quên cả thân mình, lại làm lụy tới song thân, đó chẳng là điều lầm lẫn hay sao?” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 20). Quan điểm tự phê bình, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là thái độ đúng đắn của người có ý thức tu thân.
Từ những cử chỉ và thái độ khoan dung của Khổng Tử, học trò của ông đã ca ngợi ông là người rộng lượng, thể hiện ở bốn điều: “Không có ý riêng, không chắc trước, không cố chấp, không ích kỷ” (Luận Ngữ, Tử Hãn, 4). Không cố chấp và không ích kỷ là minh triết sống hòa hợp trong quan hệ giữa con người với con người để thực hiện việc xây dựng một xã hội lý tưởng, ở đó “những người già cả đều được an vui, bạn bè tin cậy ta, và trẻ thơ đều được thương yêu, dạy dỗ” (Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 25).
Tuy nhiên, tư tưởng khoan dung của Khổng Tử không phải là sự nhượng bộ, hoặc đơn phương thực hiện những nội dung căn bản của nó như trên chúng tôi đã nêu, mà ở đó còn bao hàm cả sự hòa hợp trong sự khác biệt. Sở dĩ như vậy là vì trong xã hội bao giờ cũng tồn tại hai hạng người đối lập nhau về đạo đức, một bên là người quân tử với những phẩm chất tốt đẹp - nhân, trí và dũng; một bên là kẻ thấp hèn chỉ biết vụ lợi hại người, không điều gì là không dám làm. Chính vì vậy, ngoài mục đích giáo huấn để “cải tà quy chính”, dù điều đó là khó, Khổng Tử luôn kêu gọi phải kiên định nguyên tắc trung dung. Trung dung là chí đức, kiên trì nghĩa, giải quyết mọi vấn đề thuộc quan hệ người cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Có trường hợp cần có sự kết hợp khoan dung với nghiêm khắc, được gọi là “khoan mãnh tương tế”.
Có người hỏi: “Lấy đức báo oán, chủ trương đó như thế nào?”, Khổng Tử nói: “Vậy lấy gì để báo đức đây? Phải lấy lòng ngay thẳng mà đối xử với kẻ gây oán thù, và lấy lòng tốt đáp lại lòng tốt của người” (Luận Ngữ, Hiến vấn, 36). Lấy đức báo oán thường gặp ở chủ trương của Phật giáo, song trong thực tế cuộc sống, điều đó nhiều khi chỉ mang tính lý tưởng. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để con người sống với nhau không có thù oán, nghĩa là trong hoạt động sống của mình, con người phải biết tránh những điều bất cập khi nó còn manh nha để ngăn chặn kịp thời sự bùng phát của nó thành thảm họa. Khi được hỏi về việc xử kiện, Khổng Tử nói: “Xử kiện thì ta cũng như người khác. Sao cho không kiện cáo kìa” (Đại học, 5). Qua đó cho thấy, Khổng Tử không lý tưởng hóa hoạt động sống của con người tới mức “lấy đức báo oán”, mà ông chỉ ra phương pháp tìm kiếm sự hòa giải dựa trên lòng chân thành, thẳng thắn của các mối quan hệ xã hội.
Vốn là người có tư tưởng khoan dung sâu sắc, Khổng Tử cũng không hoàn toàn đề cao vai trò của tư tưởng đó trong quản lý và điều hành xã hội. Ông từng nói: “Chính trị khoan dung thì dân nhờn, nhờn thì phải sửa lại bằng nghiêm khắc. Nghiêm khắc thì dân bị tàn hại, tàn hại thì lại thi hành khoan dung. Khoan dung giúp cho nghiêm khắc, nghiêm khắc giúp cho khoan dung, chính trị đạt đến chỗ hài hòa”([1]). Đó không phải là quan điểm cải lương của Khổng Tử trong quản lý xã hội, mà là chủ trương khoan mãnh tương tế nhằm khắc phục tính bất cập, thái quá của khoan hoặc mãnh.
Việc tìm hiểu tư tưởng khoan dung của Khổng Tử qua một số nội dung nêu trên, theo chúng tôi, là chưa hoàn toàn đầy đủ, bởi khoan dung là phương diện đạo đức của các mối quan hệ người, nó còn phải được xem xét trong mối liên hệ với lễ, nghĩa, v.v.. Qua các nội dung ấy, chúng ta thấy do xuất thân từ tầng lớp quí tộc, nên tư tưởng khoan dung của Khổng Tử vẫn toát lên tinh thần chủ yếu là người cầm quyền làm thế nào để được lòng dân, để dễ bề sai khiến dân. Song, dù sao đi nữa, tư tưởng trung thứ của ông vẫn luôn mang tính triết lý sâu sắc, đó là triết lý của chủ nghĩa nhân văn chưa đạt đến mức đầy đủ vào thời của ông. Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà Nho Việt Nam trong lịch sử, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, v.v.. Hồ Chí Minh cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho học. Tuy nhiên, tư tưởng khoan dung của Người không chỉ chịu ảnh hưởng từ Khổng Tử, mà còn chịu ảnh hưởng từ chính truyền thống khoan dung của dân tộc.
3. Khoan dung trong tư tưởng Nguyễn Trãi
Khi đề cập đến tư tưởng Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu Nho giáo nổi tiếng của Việt Nam cuối thế kỷ XX, GS. Trần Đình Hượu cho rằng, “hệ tư tưởng chi phối Nguyễn Trãi trong suốt cuộc đời là Nho giáo, nhưng ở từng thời kỳ, trong từng phạm vi, bên cạnh Nho giáo luôn có những nét khác, có khi là trái Nho giáo <…>. Nguyễn Trãi nhấn mạnh đức nhưng không phải không chú ý đến tài trí, đề cao đạo lý nhân nghĩa nhưng không cự tuyệt quyền mưu; nói đến nợ quân thân, tấc lòng trung hiếu nhưng lại nhấn mạnh “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, trách nhiệm theo lòng dân, vì thương sinh”(5). Nhận định về tư tưởng Nguyễn Trãi như vậy là hoàn toàn đúng; đồng thời, theo chúng tôi, có thể lấy đó làm định hướng cho việc nghiên cứu tư tưởng khoan dung của ông.
Nếu như nội dung căn bản của khoan dung trong tư tưởng Khổng Tử là trung thứ, thì ở Nguyễn Trãi, đạo lý nhân nghĩa đóng vai trò chủ đạo trong việc trừ bạo an dân. Chính vì vậy mà ông không chống lại tư tưởng quyền mưu. Quyền mưu của người đứng đầu quốc gia phong kiến có mục đích chống lại kẻ phản loạn, gây rối và làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân. Ông nói: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian, Nhân nghĩa duy trì quốc thế an”(6). Quốc thế an là thước đo trị bình của một nước. ở đây, trong văn cảnh đất nước bị đô hộ, nhà Minh lấy cớ chinh phạt để cướp nước ta, tư tưởng nhân nghĩa đối với Nguyễn Trãi đã trở thành công lý cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Tư tưởng khoan dung, như chúng ta đã biết, biểu hiện như là sự không nhượng bộ chủ quyền quốc gia, quyền tự do chân chính của con người Việt Nam đang bị bóc lột, đọa đày: “Thui dân đen trên lò bạo ngược, Hãm con đỏ xuống dưới hố tai ương. Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe, Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm”(7). Tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi không dừng lại ở nội dung “trung thứ” của “nhân”, mà ông còn đòi hỏi phải huy động “nhân” hết mực để cứu dân, cứu nước: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Chúng tôi nhấn mạnh – TNV.).
Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi cảnh áp bức, hủy diệt trong lịch sử dân tộc ta rõ ràng là những cuộc kháng chiến chính nghĩa; nó vừa là mục đích, vừa là phương pháp để đạt tới giá trị nhân văn phổ biến toàn nhân loại. Từ một lực lượng vừa yếu, vừa thiếu thuở ban đầu khởi binh, chủ trương “tâm công” của Bộ chỉ huy Lam Sơn có mục đích xoáy sâu vào những nội dung chính nghĩa sáng ngời, làm cho kẻ thù nao núng tinh thần, bị phân hóa cao độ. Cho đến khi có binh hùng lực mạnh, chủ trương ấy vẫn được tiếp tục duy trì nhất quán. Nghệ thuật “tâm công” được vận dụng một cách linh hoạt cho từng hoàn cảnh cụ thể, cho từng đối tượng [tướng lĩnh] của kẻ thù. Nó thể hiện mục đích nhân văn cao cả, trong đó tư tưởng khoan dung là cốt lõi nhằm làm cho "bốn phương biển cả thanh bình", hơn thế nữa, còn góp phần làm cho “Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ, Tứ minh tòng thử tức kình ba” (Hồ Việt mừng nay về một cõi, Sóng kình bốn biển bặt im lỳ!)(8). Như vậy, kỳ vọng về một nền hòa bình giữa hai dân tộc là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Bản thân ông luôn muốn có một nền hòa bình vĩnh cửu, dân cùng vua được nghỉ ngơi và nền văn trị được áp dụng vào đường lối trị nước: “Lòng trên muốn với dân cùng nghỉ, Văn trị rồi nên nếp thái bình” (Thánh tâm dục dữ dân hưu tức, Văn trị chung tu trí thái bình)(9).
Cũng nhờ có tâm thế chí nhân mà Nguyễn Trãi đã khuyên Lê Lợi - không nên giết hàng binh, lại còn cấp lương thảo và phương tiện cho chúng về nước. Đó là tinh thần khoan dung, tha thứ, đồng thời tạo ra sức mạnh thần kỳ để cảm hóa kẻ thù, cảm hóa cả những người lầm đường lạc lối trót làm tay sai cho giặc để cải tà quy chính.
Nếu như Khổng Tử chủ trương huệ dân thì Nguyễn Trãi chú trọng đến tư tưởng vì dân và theo dân. Quan điểm của Nguyễn Trãi có thể xem là gần gũi với quan điểm của Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Hậu Lý. Song, nếu xét về mặt hệ tư tưởng thời đại theo điều kiện lịch sử cụ thể thì quan điểm của Nguyễn Trãi có tinh thần quả cảm hơn. Bởi lẽ từ thế kỷ XV, các triều đại đều lấy Nho giáo làm bệ đỡ hệ tư tưởng, ở đó mọi quyền hành đều tập trung vào tay vua, đất đai và dân chúng tất cả đều là của vua và do vậy, quan điểm vì dân và theo ý dân của Nguyễn Trãi rõ ràng là không thích hợp. ở Nguyễn Trãi, tư tưởng thân dân, thương sinh còn được nâng cao, bổ sung, vì thế mà sự “chật hẹp” của Nho giáo được giải tỏa bởi ông nhắc mình và răn đời, rằng “ăn lộc phải biết đền ơn kẻ cấy cày”.(8)
Sự bổ sung cho tâm thế sống của nhà Nho chân chính ở Nguyễn Trãi còn được thể hiện ở quan điểm của ông về mối quan hệ tam giáo. Quả thực, con đường tiến thân của nhà nho theo thang bậc tu, tề, trị, bình cũng có lúc trở nên bất cập trước hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần, song cũng vì công lao to lớn mà ông và những người “đồng chí” của ông gặp phải những rắc rối, thậm chí đe dọa đến tính mạng của họ và những người thân. Nguyễn Trãi có những lúc chán nản, muốn trở thành dật sĩ tàng ẩn, thành đạo sĩ sống an nhàn như ông tiên trên cõi trần, thậm chí thành cư sĩ tu hành theo thiền thượng thừa: “Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta; từ biệt nhau rồi thì ta cũng sẽ tu đạo thiền thượng thừa” (Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã, lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền)(10). Trong bối cảnh Nho giáo được độc tôn dưới thời Lê Sơ (thế kỷ XV), việc tiếp nhận tư tưởng Phật giáo một phần do hoàn cảnh cuộc sống đầy trắc trở của Nguyễn Trãi, phần khác là sự thể hiện tinh thần chấp nhận một triết thuyết tôn giáo vốn có chủ trương xa rời thế sự như Phật giáo. Đó là tinh thần quả cảm của ông dám chấp nhận cái khác biệt với học thuyết Nho giáo đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ tới bản thân ông, mà tới cả thời đại ông lúc bấy giờ.
Tóm lại, tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi thấm đậm đạo đức nhân nghĩa của Nho giáo, nhờ đó ở ông chủ nghĩa nhân văn được biểu hiện một cách rõ nét, đó là tình thương yêu con người, lòng trắc ẩn của ông đã vượt ra khỏi phạm vi yêu thương con người thân tộc, ruột thịt của Khổng Tử để cứu dân binh hai nước thoát khỏi cuộc chiến tranh đẫm máu, thực hiện mục đích “Hồ Việt nhất gia”. Mặt khác, tinh thần cởi mở, chấp nhận các học thuyết ngoài Nho giáo cũng là mặt tiến bộ trong tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi.
Tư tưởng khoan dung của Nho giáo cũng như của Nguyễn Trãi đã ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần khoan dung của nhiều nhà Nho Việt Nam trong lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh của văn hóa dân tộc với văn hóa nhân loại về tinh thần khoan dung. Người đã tiếp thu tư tưởng khoan dung truyền thống và bổ sung cho nó những yếu tố cách mạng mới để hình thành nên tư tưởng nhân văn sâu sắc. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ đề cập tới tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh thành một chuyên đề riêng và cụ thể hơn(10).
Trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước ta hiện nay, nhiều giá trị phổ biến toàn nhân loại về đạo đức, pháp luật, dân chủ và nhân quyền, v.v., đã được chúng ta tiếp nhận, đồng thời những giá trị của dân tộc cũng đang ngày càng góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa nhân loại. Vấn đề căn bản nhất là cần nhận thức đầy đủ hơn về tư tưởng khoan dung để con người sống hòa hợp với nhau, không tàn sát lẫn nhau và mục đích cuối cùng là chung sống hòa bình và phát triển bền vững trong ngôi nhà chung của thế giới. Khoan dung còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoàn cảnh đất nước đang cần đến sự hòa giải để con người Việt Nam cùng dòng máu Lạc Hồng yêu thương nhau hơn và cùng nhau góp sức xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ và văn minh. Chính vì vậy, nghiên cứu tư tưởng nhân văn phương Đông và Việt Nam, trong đó chủ đề khoan dung đang thu hút sự quan tâm của các học giả nước ta và chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực này sẽ làm sáng tỏ hơn tư tưởng nhân văn Việt Nam trong truyền thống và hiện đại

-----------------------------
(1) Trích từ nguồn: http://www.unesco.org/tolerance/report.htm.
(2) Từ đây, các tư liệu liên quan đến tư tưởng Khổng Tử được trích từ Tứ thư tập chú do Chu Hy biên soạn. Bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Đức Lân. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
(3) Nhân chính là thuật ngữ được dùng để chỉ đường lối chính trị nhân nghĩa của Mạnh Tử (372 - 289). Trong trường hợp của Khổng Tử, nhân chính có thể hiểu là sự áp dụng đạo nhân vào chính trị.
(4) Lao Tử, Thịnh Lê (Chủ biên). Từ điển Nho Phật Đạo. Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.622.
(5) Trần Đình Hượu. Nguyễn Trãi và Nho giáo // Nguyễn Trãi. Về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.121.
(6) Nguyễn Trãi. Toàn tập. Hạ qui Lam Sơn 1, bài 20, tr. 290.
(7) Nguyễn Trãi. Sđd., Bình Ngô đại cáo, tr.77.
(8) Nguyễn Trãi. Sđd., Quá Thần Phù hải khẩu, tr.314.
(9) Nguyễn Trãi. Sđd., Quan duyệt thủy trận, tr.288.
(10) Nguyễn Trãi. Sđd., Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn, tr.353.
PGS.TS TRẦN NGUYÊN VIỆT
NguồnTạp chí Triết học số 2 (237) năm 2011


Ngồn tin: ​http://websrv.dthu.edu.vn/index.aspx?cateid=378&contentid=5199

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay43,010
  • Tháng hiện tại2,294,206
  • Tổng lượt truy cập32,244,638
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây