HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!
22/08/2013@21h24, 10436 lượt xem, viết bởi: quehuongyeudau
Chuyên mục: LICH SỬ VIỆT NAM
Trong lịch sử thế giới từ cổ kim, Đông Tây, không một dân tộc nào sau một ngàn năm bị đô hộ bởi một nước lớn và mạnh như Trung Quốc, không những vẫn bảo tồn được nòi giống mà còn đứng lên giành được độc lập và lại tiếp tục duy trì nền tự chủ của mình trong suốt ngàn năm sau. Vậy thì “tại sao Việt tộc trường tồn?”. Để trả lời câu hỏi này ta thử xét các yếu tố:
1) Ý thức quốc gia của người Việt đã rất sớm nẩy nở, đủ sức chống lại ý thức bá quyền Đại Hán ngay từ khởi đầu.
2) Tinh thần dân tộc của người Việt đã vượt qua được giới hạn bộ tộc để đủ sức đương đầu với chủng tộc Đại Hán.
3) Truyền thống dòng tộc và “ý thức mẫu hệ” của người Việt cổ đã vô hiệu hoá phương thức đồng hoá bằng hôn nhân của người Hán theo chế độ phụ hệ, giúp cho dân Việt Nam bảo tồn được giống nòi.
4) Hình thế địa lý, cuộc Nam tiến.
***
Các phần trên có thể nhiều người đã viết, đã biết. Ở bài viết này xin đi vào phần “Hình thế địa lý, cuộc Nam tiến”.
Lịch sử, văn hóa của bất cứ một vùng miền, một quốc gia bao giờ cũng xuất phát bởi hình thế địa lý của nó, đúng hơn là từ thời “tiên tổ” “cắm mốc” lập quốc, để rồi hậu thế gây dựng dần nên. Tuy nhiên nếu hậu thế giỏi giang, biết vận dụng, tuân thủ quy luật tự nhiên và phát huy được truyền thống của cha ông thì đất nước càng phát triển, ngược lại thì tiêu tan. Có thể nói Tộc Việt từ thời lập quốc cho đến khi Pháp xâm lược thì nhìn chung hậu thế xứng danh với tiên tổ. Không xứng danh sao gìn giữ và giành được biên cương từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, trong khí các tộc khác trong Bách Việt đã bị đồng hóa.
Còn nhớ:
Trong lần Tôn Trung Sơn bàn chuyện với một người bạn Nhật; bạn Nhật hỏi “vậy cách mạng Việt Nam thế nào?”, rằng “họ đã chịu vậy thì đành vậy” (ý nói Việt Nam đã chấp nhận nô lệ thì đành chịu thôi). Người bạn Nhật “ngài nhầm đấy, hiện họ đang khó khăn thì phải vậy thôi, sau này sẽ khác, trong tất cả các tộc Việt, kể cả Mân Việt của ngài, đã bị Hán hóa hết, chỉ còn Việt Nam thôi”, từ đó về sau Tôn Trung Sơn không nói chuyện đó nữa. Nói về cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam trên bán đảo Đông Dương là cả một vận mệnh lịch sử của dân tộc sống còn theo cái quy luật tiến hóa khắt khe, lạnh lùng, vô tình như tất cả quy luật thiên nhiên "Sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại”. Cuộc di dân xuống phương Nam là nhu cầu sống còn.
Có một học giả Trung Quốc đã có một nhận định:
"Trong nhóm Bách Việt, một ngành thiên di xuống phương Nam, khiến cho dân tộc ấy trở nên một dân tộc có thể bảo tồn được chủng tộc nguyên thủy, không bị Hán hóa, kết cục vào thế kỷ X đứng độc lập. Còn như Âu Việt, Mân Việt, Nam Việt Triệu Đà, các Việt tộc ấy đến nay đều bị Hán hóa”
Hơn hai ngàn năm báy trăm năm về trước Việt tộc đã một thời bá chủ miền Nam sông Dương Tử, suốt Hoa Nam, trung tâm ở Chiết Giang, phía Bắc đến tận Sơn Đông, phía Tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên) và Vân Nam. Theo sử sách Trung Quốc đáng tin cậy như Sử ký Tư Mã Thiên, Hán Thư, Việt Tuyệt Thư, Ngô Việt Xuân Thu, cùng là những khảo chứng của các nhà Bác cổ học Pháp như E. Chavannes, Cl. Madrolle …. chúng ta biết được rằng hơn trăm năm sau Câu Tiễn (333 TCN), nước Việt ở Chiết Giang bị quân Sở diệt, từ đó lìa tan xuống Giang Nam, rải rác theo miền bờ biển và lục địa, như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Lĩnh Nam. Ở đấy họ hỗn hợp với dân Thổ trước bản xứ mà lập thành các bộ lạc hay quốc gia nhỏ. Các bộ lạc nhỏ dần dần bị các bộ lạc lớn thôn tính, số bộ lạc ngày một thu lại, chỉ còn lại năm nhóm Việt tộc có hình thức quốc gia là Đông Việt ở Ôn Châu; Đông Âu Việt, Mân Việt ở Phúc Châu, Nam Việt ở Quảng Châu và Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và Bắc phần Đông Dương ngày nay. Nhóm Lạc Việt là Tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam, theo ấn chứng mới đây của Cl. Madrolle là họ Lạc trong Mân Việt, Phúc Kiến do đường biển duyên hải đến phương Nam, vào Hải Nam và Trung Châu sông Nhị và sông Mã phía Bắc Việt Nam ngày nay. Đây là bước đầu Nam Tiến của Việt tộc trong hệ thống Bách Việt. Ở đây Lạc Việt đã tổ chức thành quốc gia phong kiến đơn sơ, các bộ lạc ở dưới quyền tù trưởng Lạc tướng, Lạc hầu, khai khẩn các ruộng gọi là hùng điền tại trung châu sông Nhị Hà hay Hồng Hà vào khoảng thế kỷ VI TCN.
Khi Tần bắt đầu ở phía Bắc thống nhất các chư hầu tiểu quốc nhà Chu, tiêu diệt các nước Việt miền Nam sông Dương Tử, lập thành quận, huyện Trung quốc, diệt nước Thục ở Tứ Xuyên vào năm 316 TCN, các nước di dân Bách Việt, không chịu chính sách bạo ngược nhà Tần, bèn tìm xuống Giao Chỉ. Trong số ấy có dòng dõi Vua Thục là Thục Phán đem tập đoàn chống cự quân Trung Quốc, chạy xuống Văn Lang của Lạc Vương, kết cục đã hạ được Vua Lạc xuống làm tù trưởng, giữ miền đất Mê Linh làm Thái ấp, lại thần phục được cả các bộ lạc Tây Âu phía Nam Quảng Tây, lập ra nước Âu Lạc, và đóng đô xây thành trôn ốc tại Cổ Loa, xưng hiệu là An Dương Vương. Lần này Thục Phán đã rút kinh nghiệm tranh đấu với Tần, nên đã xây dựng nước Âu Lạc thành một nước vững vàng hơn bằng cách đem chế độ qui mô của nước Thục cũ để đoàn kết các bộ lạc Việt tộc, đem văn hóa Hoa Dương sở trường dạy cho dân Âu Lạc, như xây thành trôn ốc Cổ Loa, chế tạo binh khí mới như nỏ bằng tre, may dệt quần áo, nuôi ngựa, tinh thần độc lập dân tộc. Sử Trung Quốc chép:
"Tần Thủy Hoàng tham lợi sừng tê giác, ngà voi, chim trĩ, ngọc thạch của người Việt, phái Đồ Thư chỉ huy 50 vạn quân, chia làm năm cánh, một đóng ở đèo Đàm Thành, một đóng ở trại Cửu Nghi (Hồ Nam), một đóng ở Phiên Ngung (Quảng Đông), một
giữ đất Nam Dã (Dự Chương), một tập trung ở sông Dư Can (Quảng Tây). Suốt ba năm quân lính không rời áo giáp, buông chùng giây cung. Quan giám Sử Lộc phái xuống, thấy không có đường vận lương mới cho đào một đường thủy để làm vận hà ngõ hầu chống nhau với người Việt. Tất cả dân Việt vào rừng rậm ở với cầm thú chứ không chịu làm nô lệ cho quan Tần. Chúng chọn lấy người tài tôn lên làm tướng thống lĩnh quân đánh quân Tần ban đêm. Quân Tần đại bại, Đô úy Đồ Thư bị giết, thây chết máu chảy nhiều vô kể. "Bấy giờ Tần Thủy Hoàng mới cho đầy các tội nhân xuống cư trú để bổ túc quân lính mà cầm cự với người Việt".
(Sách Hoài Nam Tử, thiên Nhân môn huấn)
Cái tinh thần Việt tộc của Âu Lạc ấy, có vẻ quyết liệt đối với Hán tộc, nhưng đối với Nam Việt của Triệu Đà lại tỏ ra sẵn sàng nhân nhượng, có lẽ họ coi đất Nam việt như thuộc về cùng một nòi Việt tộc, cho nên Âu Lạc của họ Thục với Nam việt của họ Triệu đã sớm thân gia, mà trong Việt sử Việt Nam vẫn kể nhà Triệu như một triều đại của mình.
Đây là cái tinh thần dân tộc sau này Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô đại cáo":
“Như nước ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc, Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập, cùng với Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi nước làm chủ một phương”
Nhưng đấy là kết quả sau khi Hán tộc đã chiến thắng Việt tộc ở Giao Chỉ mặc dầu bao phen nổi dậy với tiếng gọi giống nòi của họ Trưng, họ Triệu, họ Mai, họ Phùng, mãi đến họ Ngô thế kỷ thứ X mới thoát ly khỏi ách đô hộ của Hán tộc để thực trưởng thành một quốc gia độc lập như ý muốn của dân tộc, tự do, khai phóng theo tinh thần văn hóa Đông Nam Á. Nhưng muốn được sinh tồn với dân tộc tính, không chịu đồng hóa vào Hán tộc thì phải mở đường xa nữa, như lời khuyên của Trạng Trình: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Đấy là điều kiện sống còn của dân tộc muốn bảo tồn dân tộc tính, và đấy cũng là vận mệnh lịch sử của Việt Nam kể từ thế kỷ thứ X cho đến nay, trải mấy triều đại, đổ bao xương máu để giành lấy sự sống.
***
Trong khi Việt tộc bị đô hộ trên đất Giao Chỉ và Cửu Chân, khi Hai Bà Trưng thảm bại, thì miền Nam Trung bộ ngày nay ở quận Nhật Nam, Chiêm tộc quật khởi, xây dựng quốc gia hiệu là Lâm Ấp, thoát ly ảnh hường Hán tộc, hoàn toàn theo văn hóa xã hội, chính trị, pháp chế của Ấn Độ. Cuộc vận động độc lập ấy trải qua bốn thời kỳ từ 100 đến 192 Khu Liên lãnh đạo dân Chiêm, giết Huyện lệnh Hán mà tự lập. (Vùng đất này cùng là Nam Việt trong cương vực đô hộ của người Hán). Theo An Khê khảo lịch sử Trung Kỳ:
"Nước Chiêm Thành trước kia thuộc về đời Hán thì chỉ là một Huyện Tượng Chân, đến đời Tần, đời Đường thì gọi là Lâm Ấp, ở từ quận Nhật Nam vào đến Chân Lạp (khoảng từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay). Nước ấy không biết rõ lập quốc từ đời nào, trong sử chép rằng năm Nhâm Dần (102) đời Vua Hòa Đế nhà Đông Hán, vì phía Nam quận Nhật Nam có người Tượng Lâm hay đến cướp phá quận Nhật Nam, nên Vua Hán mới lập ra huyện Tượng Lâm, sai quan cai trị. Khi ấy thì xứ Tượng Lâm cũng bị nhà Hán lấy làm quận huyện."
Từ khi Chiêm tộc lập quốc độc lập, vì đất nước eo hẹp, một bên núi, một bên là bể, thiếu đất phì nhiêu để cầy cấy cho nên luôn luôn ngó lên các trung châu phương Bắc như Nhật Nam, Cửu Đức, Giao Châu, cho nên không ngớt đem quân lên xâm chiếm.
Sử sách Trung Quốc ghi chép trong thời kỳ Việt tộc bị đô hộ, quân Lâm Ấp vào đánh Giao Chỉ :
“Năm 248 Lâm Ấp đem quân xâm lăng Giao Chỉ, Cửu Chân, cướp mất thành ấp."
(Tam quốc Chí, Lục dận truyện)
Giao Châu và Lâm Ấp đánh nhau ở Cổ Chiều Loan mất đất Khu Túc, lại tiến vào xâm chiếm lấy huyện Thọ Linh, nay là Thừa Thiên.
Năm 347 Vua Lâm Ấp là Phạm Văn đem quân vây đánh Nhật Nam, giết 5, 6 ngàn người, chiếm cứ Nhật Nam .
Năm 348 lại đánh Cửu Chân, giết hại nhân dân 8, 9 phần 10. Đô hộ Trung Quốc đem quân Giao Quảng đi đánh, bị thua ở Lô Dung.
Năm 399 Phạm Hồ Đạt, Vua Lâm Ấp, tuy triều cống Trung Hoa, mà vẫn đem quân vào xâm chiếm đất bảo hộ của Trung Quốc là Nhật Nam, bắt Thái Thú, lại tiến quân vào Cửu Đức .
Năm 407, vào cướp Nhật Nam .
Năm 443, vào cướp đánh Cửu Chân .
Triều Vua Lâm Ấp thứ III là họ Phạm Dương Mại (414-417), một mặt vào triều cống nước Trung Quốc, một mặt hàng năm vào đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân, Cửu Đức, chém giết rất nhiều làm cho Giao Châu kiệt quệ .
Triều Phạm Dương Mại đệ nhị, vào năm 433 đem chiến thuyền hơn một trăm vào đánh Giao Châu, chiếm lấy quận Cửu Đức, sai sứ sang Trung Quốc triều cống và xin lãnh đất Giao Châu làm An Nam Tướng quân Lâm Ấp Vương. Tống Văn Đế không nghe, phái Thứ Sử Giao Châu, Đàn Hòa Chí đánh dẹp, bị thua, lại phái Tướng Tôn Xác đi đánh tập kích mới phá nổi thành Champapura .
Đến khi Phạm Dương Mại đệ nhị chết, nước Phù Nam, tức Chân Lạp phía Nam Lâm Ấp chiếm nước Lâm Ấp, người Phù Nam là Cửu Phù La tự xưng làm Vua, bị con, cháu, chắt Phạm Dương Mại là Phạm Chú Nông đánh đuổi. Nhưng rồi Tề Vũ Đế năm 492 phong cho Phạm Chú Nông làm An Nam Tướng quân Lâm Ấp Vương, và Lương Vũ Đế cũng phong cho Kiền Trần Như vua Phù Nam làm An Nam Tướng quân Phù Nam Vương. Ý hẳn chính sách của vua Trung Quốc bấy giờ đã thay đổi, muốn chia để trị, đề phòng sự liên kết giữa Phù Nam, Lâm Ấp với phong trào độc lập ở Giao Châu, như sách Trung Quốc ghi chép về Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở Hoan Châu (722) sau này "Triều vua Đường Huyền Tông năm khai nguyên thứ 10 (722), giặc An Nam là Mai Thúc Loan cùng với nước Lâm Ấp, nước Chân Lạp thông mưu, vây hãm An Nam đô hộ phủ, chiếm cứ Giao Châu, xưng là Hắc đế”. Vào thời nhà Lương bên Trung Quốc, nhân dân Giao Châu cũng vẫn quật khởi, Triệu Quang Phục phá quân Lương, Lý Phật Tử xưng đế, dựng lên triều Tiền Lý, độc lập hơn 60 năm. Trong khoảng thời gian ấy quân Lâm Ấp đánh vào Nhật Nam năm 543, bị tướng của Lý Nam Đế đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), quân Lâm Ấp bỏ chạy về nước. Sau khi nhà Tiền Lý mất về nhà Tùy bên Trung Quốc, vua Tùy sai tướng Lưu Phương đánh xuống Lâm Ấp vào đến quốc đô, đoạt cướp của cải rồi mới thu quân về. Bị Lưu Phương đánh phá, vua Lâm Ấp là Phạm chí dâng biểu xin triều cống, đến năm 640 Phạm Đầu Lê nối ngôi, vẫn giữ triều cống nhà Đường. Cho đến 749, vua Lâm Ấp là Chư Cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương quốc. Người nước Hoàn Vương lại sang quấy nhiễu Giao Châu, chiếm lấy Châu Hoan, Châu Ái. Mãi đến năm 808, vua Đường sai Đô hộ Trương Châu đem binh thuyền vào đánh quân Hoàn Vương, giết hại rất nhiều, vua nước ấy phải lui về phương Nam vào Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ, và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành từ đấy .
Có thể nói Chiêm tộc, một tộc dũng mãnh dẻo dai, trải qua ngót một ngàn năm từ thế kỷ I đến thế kỷ IX đã tranh hùng tranh bá với Hán tộc trên bán đảo Đông Dương, nhiều phen làm cho Hán tộc phải ghê sợ, lợi dụng khi Việt tộc còn bị Hán tộc đô hộ và “tước hết vũ khi và có nguy cơ bị Hán hóa. Nhưng chúng ta cũng thấy trước khi Việt tộc thoát ly khỏi ách đô hộ của người Trung Quốc, thì Chiêm tộc cũng đã kiệt quệ trong một cuộc chiến tranh một mất một còn với Hán tộc. Chẳng qua khi Việt tộc thiết lập thành một nước độc lập ở Giao Châu thì cũng chỉ đến thay thế Hán tộc trên đường Nam Tiến, khiến cho Chiêm tộc bị hoàn toàn Việt hoá hơn là Hán hóa vậy. Việt tộc lập quốc trong điều kiện khó khăn nguy hiểm bội phần so với Chiêm tộc. Phía Bắc phải đương đấu với đối phương, chính là Hán tộc, phía Tây phải tranh thủ với một đối phương chẳng kém hùng mạnh là Thái tộc mà đại biểu bấy giờ là Nam Chiếu, Đại Lịch từ Vân Nam tràn xuống, liên kết với dân Mán, Mường miền Sơn Đông, từng chiếm cứ Bắc Việt hàng mười năm. Vận mạng của Việt tộc chỉ bắt đầu củng cố vững vàng là kể từ thời nhà Lý với cái võ công oanh liệt của Lý Thường Kiệt, phía Bắc tấn công lên đất nhà Tống, phía Tây chinh phục được họ Nùng của nước Đại Nguyên Lịch, đồng hóa dân Sơn Đông, phía Nam uy phục được Chiêm Thành. Nhưng với cái ý chí Đại Việt của vua Lý Thánh Tông, muốn giữ thế quân bình chia ba chân vạc trên bán đảo Đông Nam Á này mà đóng cửa vào Trung châu Bắc Việt thì sớm chầy cũng sẽ mất với thế lực Bắc phương. Ngược lên phương Bắc lấy lại bờ cõi Nam Việt xưa của Triệu thì rất khó khăn, tuy nhất thời có thắng được Tống ở Châu Khâm, Châu Liêm. Nhìn sang phía Tây thì rừng núi hiểm trở, lại vướng thế lực của Đại Nguyên Lịch, cũng đang nhòm xuống phương Nam, nhất là đồng bằng Bắc Việt.
Vậy chỉ còn một đường sinh tử là mở đường Nam Tiến. Nhưng với vua Lý Thái Tôn thì bắt đầu uy phục bắt Chiêm Thành, Chân Lạp phải triều cống xưng thần. Theo Việt sử chép: Vua bảo tả hữu “Tiên Đế thăng hà đã 16 năm mà nước Chiêm Thành chưa có một sứ thần nào sang nước ta, phải chăng oai đức của Trẫm chưa đến được nước ấy, hay là chúng cậy có núi sông hiểm trở đó chăng?”
Quần thần thưa: “Đức tuy đã đến mà oai chưa được rộng”. Vua cho là phải mới cất quân đi đánh Chiêm Thành để thị uy vậy. Đánh được quân Chiêm chỉ bắt tù binh đem về, chứ không chiếm đất. Có chiếm đất là từ Lý Thánh Tông, năm 1069 thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, thu nhận châu Địa Lý, châu Ma Linh và châu Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị) của Chế Củ dâng chuộc tội.
Năm 1075 vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vào kinh lý, vẽ địa đồ hình thể, đổi tên châu Địa Lý làm Lâm Bình, Ma Linh làm Minh Linh. Đến năm 1103 Chiêm Thành lại khôi phục lại ba châu đã mất, Lý Thường Kiệt lại phải đem quân vào lấy lại. Năm 1132 Chiêm Thành liên minh với Chân Lạp đem quân ra đánh Nghệ An, bị tướng nhà Lý là Dương Anh Nhĩ đánh thua phải lui. Từ đấy về sau, trong thời Lý, Chiêm Thành còn mấy lần quấy nhiễu Nghệ An vào những năm 1117 và 1218, nhưng đều thất bại, lại chịu triều cống. Tuy triều cống nhưng vẫn muốn đòi lại ba châu đã mất nên đến năm 1252, Chiêm Thành lại đem chiến thuyền vào cướp biên giới và sai sứ cầu xin lại đất đã dâng. Vua Trần Thái Tông lại phải thân chinh đi đánh, bắt được Vương Phi là Bố Gia La rồi trở về .
Năm 1301 vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia đầu Phật, có sang giao hảo với vua Chiêm, bấy giờ là Chế Mân, hứa gả Công chúa Huyền Trân để liên kết thân tình. Chế Mân dâng sính lễ hai châu Ô, Lý. Nước Chiêm lại trở về biên giới Hoàn Vương thời nhà Đường, nghĩa là từ Hoành Sơn trở vào. Đến năm 1307, vua Trần Nhân Tông đổi tên châu Ô, châu Lý, là Thuận Châu và Hóa Châu, sai Hoàn Nhữ Hài vào kinh lý, đặt nền cai trị, chiêu dụ cư dân, chia ruộng đất cho cầy cấy. Cái dây thân tình giữa Chiêm Việt không được bền lâu, mà sớm đoạn tuyệt sau khi Chế Mân chết, Huyền Trân bị cướp trở về. Từ thân gia đổi thành oan gia, bởi vì Chiêm kế vị là Chế Chỉ bị vua Trần Anh Tông lừa bắt đem về nước rồi chết ở Gia Lâm, từ đấy Chiêm Việt lại có điều thù oán mãi.
Nhưng Chiêm tộc cũng chẳng vừa. Nhà Trần kể từ vua Dụ Tôn bắt đầu suy nhược, mà Chiêm Thành có vua anh dũng là Chế Bồng Nga, hết sức luyện binh, nhằm đánh Việt Nam để trả thù rửa hận. Cho nên vào năm 1367 vua Trần Dụ Tôn sai Thế Hưng và Tử Bình đi đánh Chiêm Thành, bị quân Chiêm phục kích bắt được Thế Hưng, Tử Bình bỏ chạy. Năm sau, vua Chiêm cho sứ sang đòi đất Hóa Châu. Năm 1376 quân Chiêm sang đánh phá Hóa Châu, vua Duệ Tôn phải thân chinh đi đánh, mặc dầu đình thần hèn nhát cố can. Vua vào đóng quân ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) ở lại một tháng để luyện tập sĩ tốt. Sang năm 1377 kéo quân vào đánh thành Đồ Bàn tỉnh Bình Định bây giờ. Khi quân của Duệ Tôn gần đến thành bị quân Chiêm đổ ra vây, quân ta thua to, Duệ Tôn chết trong trận, cùng với tướng sĩ chết rất nhiều. Đồ Tử Bình lĩnh hậu quân không đến cứu, Lê Quí Ly bỏ chạy về. Quân Chiêm Thành đã phá được quân ta, giết được vua Duệ Tôn, quyết chí một mất một còn với Việt Nam, Chế Bồng Nga liền đem đánh Thăng Long, cướp phá không ai chống giữ nổi .
Năm 1378 Chiêm Thành lại sang đánh Nghệ An, vào sông Đại Hoàng lên đánh kinh độ Thăng Long .
Năm 1380 quân Chiêm lại sang phá Thanh Hóa, Nghệ An, bị Quý Ly đánh đuổi được .
Năm 1382 quân Chiêm lại sang cướp Thanh Hóa, bị Quý Ly và Đa Phương đuổi được đến Nghệ An .
Năm 1384 Chế Bồng Nga với tướng La Khải đem quân đi đường núi vào đóng tận Quảng Oai. Nghe tin Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông cùng với vua bỏ kinh đô chạy sang Đông Ngạn. Nhưng rồi Chế Bồng Nga bị tướng nhà Trần là Khát Chân phục kích giết ở địa hạt Hưng Yên. Từ đấy về sau Chiêm Thành mới nhụt bớt nhuệ khí, trong nước lục đục, hai con Chế Bồng Nga sang hàng Việt Nam đều được phong hầu. Bước sang thế kỷ XV, tướng nhà Hồ là Đỗ Mẫn đem quân sang đánh Chiêm Thành, vua Chiêm cho sứ sang dâng đất Chiêm Động, Cổ Lũy để bãi binh. Quý Ly phân đất ấy ra bốn châu là Thăng, Hoa, Tứ, Nghĩa, nay thuộc Quảng Nam, Quảng Nghĩa vậy .
Đến lúc này cái lịch sử chiếm lĩnh Chiêm Thành đã là ba thời kỳ :
Thời kỳ thứ nhất với vua Lý Thánh Tông (1069) chiếm lĩnh châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính là đất Nhật Nam xưa thuộc Trung Quốc. Thời kỳ thứ nhì, vua Trần Anh Tông (1306) thu nhận châu Ô, châu Lý cũng chưa phải lãnh thổ Chiêm Thành xưa. Thời kỳ thứ ba, Hồ Hán Thương chiếm lĩnh đất Chiêm Động và Cổ Lũy, đất cũ của Chiêm Thành Tượng quận.
Như thế là từ thế kỷ X đến XV, theo dải Hoành Sơn vào đến Bình Thuận, Việt Nam đã mở lãnh thổ của mình xuống 3/5 lãnh thổ Chiêm Thành. Từ 1069 đến 1400 nước ta lấy 5 xứ của Chiêm Thành, đã ngót 400 năm mà chưa thấy kinh lý như đất của mình. Quốc thổ tuy mở rộng nhưng không nghĩ đến di dân khai khẩn, chỉ cho mấy đạo binh đến đóng đồn phòng ngự như thể bảo hộ, mỗi năm thu thuế và thúc dân bản xứ phải triều cống vua mình. Việc cai trị nội bộ vẫn giao cho người bản xứ lo liệu lấy. Chỉ đặt có một quan biên trấn trọng thần kiêm lĩnh, như vào năm 1313. Ông Đỗ Thiên Nghiễn làm kinh lược cả đất Nghệ An và đất Lâm Bình. Khi nào định xuất quân đánh dẹp mới sai tướng đem quân ra trọng trấn, như năm 1353 sai Trương Hán Siêu làm Trấn Thủ Hóa Châu. Về xứ Hoá Châu thì mãi đến năm 1361 mới đắp thành Hóa Châu, về sau Hồ Quý Ly mới sửa sang lại. Xem thế thì nước ta khi trước không phải vì mục đích di dân chiếm đất Chiêm Thành mà là vì cái chủ nghĩa đế bá muốn bắt các nước nhỏ bên cạnh mình phải thần phục theo cái nghĩa nước nhỏ thờ nước lớn.
Sự thực chính sách thực dân của Việt Nam chỉ bắt đầu với họ Hồ.
Năm 1402 Hồ Hán Thương cho làm con đường Thiên lý từ Tây đô Thanh Hóa chạy đến Hóa Châu, lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy phân ra bốn châu đặt chức An Phủ Sứ lộ Thăng Hoa để cai trị, dời dân xứ Bắc, người có tư bản mà thiếu ruộng vào ở đây. Nhưng dân ấ y tuy vào lập nghiệp khẩn hoang nhưng cũng thúc vào quân ngũ, hễ khi có việc thì đi đánh giặc, khi không việc quân thì về làm ruộng. Lại sức cho dân, ai nộp được trâu, bò thì phong tước, trâu bò ấy cấp cho dân di cư để cầy. Họ Hồ không những mở đạo lộ lại còn mở thủy lộ trên lục địa để tiện đường chuyển vận giao thông. Năm 1404, Hán Thương cho đào con sông Vận hà từ Tân Bình đến Thanh Hóa. Như thế đủ thấy tầm vĩ đại về sự khai khẩn quốc thổ của họ Hồ. Đời Hậu Trần, Thuận Hoá đã trở nên địa điểm hậu cứ trọng yếu để Lê Thái Tổ sử dụng đánh quân Minh, như Mộc Thạch đã tuyên bố với Trương Phụ: "Hóa Châu núi cao sông rộng chưa dễ đã lấy được". Trương Phụ nói: "Ta có làm người được cũng ở đất Hóa Châu, mà nếu làm ma cũng ở đất Hóa Châu; Hóa Châu mà không lấy được thì không còn mặt mũi nào để về trông thấy Chúa Thượng".
Qua những lời nói ấy của các đại tướng nhà Minh, chúng ta có thể suy đoán mà biết mất Hóa Châu, Chiêm Thành khó lòng giữ được nước, mà việc Nam Tiến của dân Việt cũng là cái kế bảo tồn dân tộc đối với Bắc phương đế quốc hùng cường vậy. Nhưng Chiêm tộc là một dân tộc có bản lĩnh ương ngạnh không dễ khuất phục. Sau khi thấy quân Minh đánh bại nhà Trần, dầy xéo đất nước Việt, các vua Chiêm tính kế liên minh với nhà Minh để lại xin lĩnh đất cũ thay thế Việt tộc trên bán đảo Đông Nam Á. Nào ngờ Việt tộc lại sớm phục hưng với nhà Lê. Và nhà Lê, từ Lê Thái Tông năm 1434, 1444, 1445, Chiêm Thành được lòng nhà Minh lại vào đánh cướp Hóa Châu, bị quân ta đánh bại. Đến đời Lê Thánh Tông, vào năm 1470, ChiêmThành đem đại quân100.000 đánh Thuận Hoá. Lần này 1471 vua Lê Thánh Tông sắp đặt một trận đại qui mô để quyết làm cho Chiêm Thành kiệt quệ. Thắng trận Chà Bàn, kinh đô Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm, vua Lê Thánh Tông lấy tất cả đất đai từ Thạch Bì Sơn (Tuy Hòa) về Bắc, làm thành Thừa Thiên, Quảng Nam, đặt phủ, huyện ra lệnh khắc bia trên núi gọi là Đá Bia. Còn bao nhiêu đất đai của Chiếm Thành còn lại (1/5) vua chia làm ba nước nhỏ là Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Phan cho tướng Chàm làm Chúa.