Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn! | .. |
Sau cách mạng tháng 8/1945 hai làng Đồng Lý và Phương Mỹ được nhập vào làm hai thôn của xã Cao Nhân. Năm 1957 hai thôn đựơc tách ra khỏi xã Cao Nhân để thành lập xã mới gọi là Mỹ Đồng. Hiện nay xã Mỹ Đồng gồm hai thôn như trước đây là Đồng Lý và Phương Mỹ, hai làng đều là làng cổ của vùng đất Thủy Nguyên. Người Việt đến định cư ở đây từ rất sớm, điều đó được thể hiện là đình Đồng Lý thờ ngài Sỹ Quyền - một hào kiệt đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán. Đình làng Phương Mỹ thờ ngài Quí Minh Đại Vương một bộ tướng tâm phúc của Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) đã có nhiều công lao giúp vua Hùng Duệ Vương xây dựng, bảo vệ đất nước.
Theo sử tích, Phương Mỹ còn có tên Hoa Kiều Trang. Tương truyền đến đời hậu Lê đổi thành Hoa Chương, đến đời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn do tránh tên huý đổi thành Phương Mỹ. Thời dựng làng lập ấp người dân làng Phương Mỹ khai khẩn đất đai trồng lúa theo lối “Đạo canh thuỷ nậu”, ngoài ra còn chài lưới bắt cá, đồng thời trồng bông se tơ dệt vải. Tương truyền nghề trồng bông dệt vải do tướng Phạm Đàm thời Tiền Lê truyền dạy cho dân làng. Ông là người có công giúp nhà Tiền Lê đánh giặc nên sau này được dân làng Phương Mỹ thờ làm Thành Hoàng làng.
Cùng với sự phát triển của làng, dòng họ Nguyễn Công là một trong những dòng họ về rất sớm tại vùng Phương Mỹ và cũng là dòng họ có nhiều công lao đóng góp xây dựng quê hương. Theo các cụ cao niên của dòng họ Nguyễn Công cho biết thì phát tích dòng họ từ làng Cổ Dũng , huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Do được rèn dạy nho học nên cụ tổ của dòng họ hành nghề phong thuỷ địa lý và đã tìm đến vùng đất làng Phương Mỹ để định cư. Nếu tính từ khi di dời đến làng Phương Mỹ đến nay dòng họ Nguyễn Công đã truyền nối 16 đời, thời gian khoảng 400 năm. Noi theo các bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Công thời phong kiến có nhiều người theo nho học nên dòng họ có nhiều cụ đồ nho và cũng vì có chữ nghĩa nên nhiều người tham gia các vị trí chức dịch cao của tổng, xã như tiên chỉ, chánh tổng, lý trưởng.
Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nghề đúc đồng, gang, nhôm được khởi phát ở làng Phương Mỹ, dòng họ Nguyễn Công có rất nhiều người tham gia nghề mới. Qua quá trình phát triển, sàng lọc của nền sản xuất hàng hoá, đến nay dòng họ Nguyễn Công chiếm 1/3 lực lượng lao động và làm tiểu chủ của làng Phương Mỹ về nghề đúc.
Từ đường họ Nguyễn Công được xây dựng từ rất sớm trong làng Phương Mỹ. Theo các bậc cao niên cho biết công trình từ đường xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỉ 19 và thờ ngôi cao nhất thượng thượng tổ Nguyễn Công tên tự là Trinh Huệ và các bậc tiên linh 5 đời được con cháu các chi phái rước vào từ đường để thờ phụng theo tín ngưỡng truyền thống thờ tổ tiên của người Việt.
Từ đường dòng họ Nguyễn Công nằm ở vị trí gần như giữa làng Phương Mỹ . Từ đường nhìn về hướng Đông Nam, với tổng diện tích của khuôn viên là 1600m2. Trước ngôi từ đường có sân gạch, ao nước, các bồn hoa cây cán đúng theo cấu trúc truyền thống của ngôi nhà cổ dân tộc Việt đồng bằng Bắc Bộ. Từ đường là công trình kiến trúc gỗ truyền thống, có cấu trúc mặt bằng nhạ. Toà tiền đường có ba gian và có cấu trúc kiểu xà đinh kẻ truyền. Các cấu kiện xà, kẻ được bào trơn đóng bén, mộng khít, tạo dáng hình mái chai. Hai vì hồi được xây giả gắn liền với tường. Tuy là hai hồi vì giả, song do người thợ khoé léo trong đắp, trang trí, tạo dáng nên trông rất giống hai bộ vì hồi làm bằng gỗ. Từ nhà tiền đường đi lên hai bậc tam cấp đến nhà hậu đường. Toà nhà hậu đinh, kẻ truyền, giá chiêng, chân cột kê trên tảng quả bồng cao, các cấu kiện xà, kẻ được tạo dáng mái chái, bào trơn đóng bén, mộng khít. Hai bộ vì hồi đục hoa văn lá lật trên con chồng. Phần thiên quang (giếng trời) rộng 2m xây vòm cuốn để tăng không gian sử dụng cho nhà tiền đường. Cửa hậu xây kiểu vòm cuốn, hai tường hồi có cửa sổ để tạo thông thoáng cho khu vực phía sâu bên trong của nhà từ đường. Mái từ đường được trang trí các trụ đấu, hồi văn và lợp ngói mũi truyền thống trên các bờ xối. Mặc dù từ đường họ Nguyễn Công làng Phương Mỹ đã được xây dựng trên dưới 150 năm, song các kết cấu, cấu kiện, cấu trúc của toàn bộ khung vẫn còn gần như nguyên vẹn, thể hiện kỹ thuật chế tác, tạo dựng rất tinh xảo của nghệ nhân làm mộc thời xa xưa. Từ đường họ Nguyễn Công cũng là minh chứng một di sản văn hoá, một dạng thức nhà cổ truyền thống, một bản sắc văn hoá của người dân Việt Nam mà đang cần gìn giữ và bảo tồn. Từ đường họ Nguyễn Công được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố.
Cũng tại từ đường họ Nguyễn Công còn bảo lưu được khá nhiều đồ thờ tự, tế khí có giá trị lịch sử, mỹ thuật và có những di vật đã trở thành cổ vật. Tiêu biểu như bức đại tự có niên đại tạo tác đầu thế kỉ 20, bằng chất liệu gỗ dài 2m; rộng 0,8m; khung diềm tạo dáng vỏ măng. Trên khung chạm nổi đề tài tứ quý, tùng cúc trúc mai, nền đại tự sơn then, trong đại tự khắc nổi 4 chữ Hán lớn “ Tiên tổ thị hoàng”, nghĩa là công đức của tổ tiên họ Nguyễn thật là to lớn. Chữ được sơn màu vàng kim. Cùng với đó là câu đối có niên đại tạo tác đầu thế kỉ 20, với nguyên liệu bằng gỗ kiểu mặt phẳng, có kích thước dài 1,75m; rộng 0,24m. Câu đối nền màu vàng, chữ chạm nổi sơn màu đen. Nội dung câu đối là:
- Nhân nghĩa căn thâm, thiên thu tùng , bách.
- Hiếu từ hương nhạ, chung cổ cúc, lan.
Tạm dịch là:
- Lòng nhân nghĩa họ Nguyễn Công vững vàng, mạnh mẽ, mãi mãi như cây tùng, cây bách.
- Tấm lòng hiếu thuận họ Nguyễn Công, thơm mãi như hoa cúc, hoa lan .
Đặc biệt từ đường họ Nguyễn Công còn có cỗ ỷ, cũng được coi là những di vật quan trọng. Được làm bằng chất liệu gỗ, có kích thước dài 0,53m; rộng 0,39m; cao 0,92m. Cỗ ỷ được tạo tác đế kiểu xập thờ nhiều tầng, chân quỳ dạ cá. Trên thân xập chạm nổi, chạm bong kênh đề tài hoa lá. Thân ỷ tạo các song tiện và vách lưng đỡ tay ỷ. Tay ỷ hình cánh cung, hai đầu tay tạo dáng hai đầu rồng chạm nổi rõ khối tóc rồng bay ngược về phía sau. Cỗ ỷ được sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim và được tạo tác đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt năm 2013, Dòng tộc họ Nguyễn Công đã huy động con cháu tiếp tục tạo Từ đường, mở rộng diện tích, xây cổng Tam quan càng làm cho từ đường Nguyễn Công thêm phần khang trang, cổ kính.
Hàng năm vào ngày mồng 2 tháng chạp, dòng họ Nguyễn Công tổ chức chạp tổ. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, thu hút trên 300 người con cháu về lễ bái dâng hương.. Đặc biệt nhiều năm trở lại đây, dòng họ đã lấy ngày Quốc khánh 2/9 làm ngày tổ chức họp mặt và phát phần thưởng, quà cho con cháu dòng họ có thành tích cao trong học tập, vươn lên trong cuộc sống, trong năm 2013 đã trao thưởng cho 28 cháu có thành tích cao trong học tập, trợ cấp người khuyết tật và tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên. Đồng thời đây cũng là dịp để con cháu dòng tộc, người dân trong làng đến từ đường chiêm bái, dâng hương, thể hiện sự thành kính tri ân với tiền nhân.
ĐTN
Nguồn tin: http://haiphong.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn