Từ đường thuộc loại hình nhà cổ dân gian truyền thống được khởi dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đến nay vẫn còn bảo lưu khá nguyên sơ nghệ thuật trang trí kiến trúc ban đầu.
Dòng họ Nguyễn Khắc đến định cư tại thôn Lạc Nhuế từ khoảng giữa thế kỷ XVI, tới nay đã truyền được gần 20 đời. Dưới thời Lê - Trịnh dòng họ nổi tiếng với truyền thống thượng võ nhiều đời liên tiếp làm quan, làm tướng cho triều đình và lập được nhiều công lao to lớn với dân, với nước thuộc hàng “danh gia vọng tộc” ở xứ Kinh Bắc xưa.
Khởi phát từ cụ thủy tổ tự là Phúc Thịnh được phong chức: Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc phủ, tả Đô đốc Thái bảo Trung Quận Công, kế đến cụ Phúc Độ (đời thứ 2), cụ Phúc Chiếu (đời thứ 3) cũng được phong tước Quận Công. Từ đời thứ 4 (cụ Phúc Toàn), đời thứ 5 (cụ Trung Lượng), đời thứ 6 (cụ Pháp Thành) đều được phong tước Hầu. Cụ Phúc Đạo thuộc đời thứ 7 được phong tước Đĩnh Trung Bá. Đặc biệt dòng họ có một vị tổ cô thuộc đời thứ 3 tên là Nguyễn Thị Ngọc Duệ lấy Lương Mục Vương Trịnh Vịnh (1654 - 1683) con trai trưởng Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1633 - 1709), bà sinh ra Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670 - 1701) là cha của An quốc công Trịnh Cương (1686 - 1729). Về sau cháu nội bà là Trịnh Cương lên ngôi Chúa đã truy phong bà làm Huệ Phi Quốc Thái Phu Nhân.
Gia phả của dòng họ Nguyễn Khắc cho biết Từ đường do Trung Lượng tướng công (thuộc đời thứ 5) sau khi về hưu trí đã đem ngôi Từ đường cũ cung đức vào đình làng và xây dựng lại ngôi Từ đường mới ngay trên nền đất cũ làm nơi nhàn cư. Tương truyền cụ Trung Lượng đem gỗ lim từ Thanh Hóa về tu tạo lại Từ đường. Trước đây Từ đường dòng họ Nguyễn Khắc có mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị (=) hướng Tây Bắc gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu đường, mỗi tòa 3 gian. Sau này vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn (1945 - 1954) gia tộc đã dỡ bỏ tòa Hậu đường đến nay chỉ còn lại tòa Tiền đường.
Toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ lim kết cấu vì kèo kiểu “thượng chồng dường hạ kẻ tràng”. Trang trí chạm khắc tập trung chủ yếu trên các con dường, nghé kẻ, câu đầu, ván dong… đề tài là hoa lá cách điệu, tứ linh “long, lân, quy, phượng”, lá đề, mây lưỡi mác, đao lửa với kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong nét chạm chắc khỏe, mập mạp mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Trên nghé kẻ bên phải gian giữa khắc 4 chữ Hán “Giám cảnh đào hồng” nhằm ca ngợi cảnh đẹp của ngôi Từ đường.
Tại Từ đường hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán Nôm và cổ vật có giá trị phản ánh về lịch sử phát triển và truyền thống vẻ vang của dòng họ. Tiêu biểu là cuốn gia phả chữ Hán sao lại năm 1968 nội dung ghi chép các bài văn tế chạp tiết, xuân tiết, xôi mới cùng tên thụy, tên hiệu, chức tước, ngày giỗ, nơi đặt mộ các vị liệt tổ, liệt tông của gia tộc. Bia đá “Hậu thần các điều cung ký” khắc năm Cảnh Hưng 20 (1759) cao 60cm, rộng 37cm, dầy 16cm khắc chữ Hán cả 2 mặt ghi chép việc bà Nguyễn Thị Điều là người bản tộc cùng một số người ở phường Nam, xã Lạc Nhuế đã đứng lên hưng công tu tạo lại miếu đường của bản xã được dân làng lập làm hậu thần. Sau này miếu bị đổ nát gia tộc đem về dựng tại Từ đường. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự giá trị khác có niên đại thời Nguyễn như: hoành phi, câu đối, sập thờ, mâm bồng, chân đèn, đài nước, bình hoa…
Từ đường dòng họ Nguyễn Khắc là một trong số ít công trình kiến trúc nhà cổ dân gian truyền thống có niên đại khởi dựng khá sớm hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay Từ đường đang có dấu hiệu xuống cấp, các ngành chức năng cần phải có giải pháp bảo tồn, tôn tạo để tránh nguy cơ mất đi hạng mục kiến trúc độc đáo này.
Nguyễn Văn An
Nguồn tin: http://baobacninh.com.vn/news_detail/88573/tu-duong-dong-ho-nguyen-khac.html