Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN TRUNG - BẮC NINH

Chủ nhật - 31/01/2016 20:51

TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN TRUNG - BẮC NINH

Từ đường Nguyễn Trung là công trình tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên của chi phái 3 thuộc dòng họ Nguyễn thôn Vọng Nguyệt, một dòng họ khoa bảng nổi tiếng của xã Tam Giang, huyện Yên Phong và tỉnh Bắc Ninh; đây cũng là nơi vinh danh tổ nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống của dòng họ, chuyên “chế tác và phục chế đồ thờ”.
Theo cuốn gia phả “Nguyễn Tông thế hệ hạ tập” soạn năm Kỷ Hợi, niên hiệu Gia Long 14 (1815), cụ Thuỷ tổ họ Nguyễn thôn Vọng Nguyệt, hiệu là Nguyệt Xuyên, người làng Đông Xuyên, xã Đông Tiến (cùng huyện), đến định cư ở làng Vọng Nguyệt vào khoảng thế kỷ thứ XV. Từ đó dòng họ Nguyễn ở Vọng Nguyệt bắt đầu khởi phát và có truyền thống khoa danh nổi bật. Tiêu biểu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn là Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức, sinh năm Giáp Dần (1734), đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 24 (1763); làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, hành thủ vùng Hưng Hóa; nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực, được triều đình đương thời nể trọng, nhân dân kính phục yêu mến.
Theo các tài liệu lưu trữ tại di tích và truyền kể của các bậc cao niên, Từ đường Nguyễn Trung là công trình kiến trúc được khởi dựng cách nay trên 150 năm và đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2009 với sự hưng công của ông Nguyễn Lương Thành, hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ Nguyễn thôn Vọng Nguyệt.
Các công trình kiến trúc của Từ đường gồm: Tiền đường, Hậu cung, Nhà khách, Cổng và Sân vườn, được làm theo lối kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ. Toàn bộ các công trình đều được làm bằng gỗ táu mật, các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc chau chuốt, tỉ mỉ, rất tinh xảo. Trung tâm của di tích là tòa Tiền đường 5 gian dựng trên 5 cấp nền bằng đá khối, hai đầu có trang trí thành bậc bằng đá chạm hình mây hoá rồng. Hệ thống chịu lực được làm bởi những cột trụ, liên kết các bộ vì theo lối “chồng rường giá chiêng”, mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc, bờ dải, đầu đao đều đắp vẽ trang trí hoa chanh, mây hoá. Các hoạ tiết, chủ đề trang trí trên kiến trúc được thể hiện tập trung chủ yếu trên các bức cốn, đầu dư, câu đầu, bảy hiên, con chồng, cửa bức bàn với đề tài tứ linh, tứ quí, tứ bình, lá lật, hoa sen, cúc mãn khai... kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong tinh xảo, nghệ thuật.
Cùng với việc thờ phụng các bậc tiên linh của dòng họ nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và khuyến khích truyền thống hiếu học khoa bảng cho con cháu, Từ đường Nguyễn Trung còn là nơi vinh danh tổ nghề gỗ mỹ nghệ, chuyên chế tác và phục chế đồ thờ của chi phái Nguyễn Trung. Theo các tài liệu ghi chép, tổ nghề là cụ Hai Thiện (gọi Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức là bác) khởi nghiệp năm Ất Sửu (1865), chuyên chế tác và phục chế các sản phẩm thờ tự chất liệu gỗ. Sản phẩm khi ấy chủ yếu là hoành phi, câu đối, cuốn thư, hương án, ngai thờ, sập thờ… Do được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với nhiều bí quyết nghề độc đáo nên các sản phẩm của cụ Hai Thiện rất được người dân trong vùng tín nhiệm, lựa chọn.
Hiện nay tại Từ đường còn lưu giữ được hàng trăm hiện vật do chính tay cụ Hai Thiện và các thế hệ nghệ nhân trong cho phái 3 Nguyễn Trung chế tác, phục chế qua các thời kỳ. Các hiện vật đều thể hiện kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, tinh xảo, màu sơn thếp sắc nét, lộng lẫy, uy nghi. Trải qua trên 150 năm, nghề chế tác và phục chế đồ thờ của chi phái Nguyễn Trung không những được bảo tồn mà đã phát triển lên một tầm cao mới.
Người có công lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tổ tiên là ông Nguyễn Lương Thành, cháu 5 đời cụ Tổ nghề Hai Thiện. Ông cũng là một trong những người tiếp nối được truyền thống hiếu học của cha ông với việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế năm 2006; là người rất có tâm với dòng họ và luôn trăn trở với việc gìn giữ, phát triển nghề của tổ tiên. Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, ông đã cùng các thành viên trong dòng họ dày công nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chế tác thủ công của cha ông rồi kết hợp với kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại nhằm đưa nghề truyền thống của dòng họ ngày càng phát triển.
Các sản phẩm nghề hiện nay cũng đa dạng, phong phú hơn, đặc biệt là các sản phẩm tượng thờ. Từ tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng Tổ, tượng chân dung… đều được nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn trọng, nhằm thể hiện đúng thần thái, hồn cốt của mỗi loại tượng. Các sản phẩm đều có tính mỹ thuật cao, mang đậm tính dân gian và phong cách nghệ thuật truyền thống nên được khách hàng trong Nam ngoài Bắc rất ưa chuộng.
Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngày 18-11- 2015, ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định số 1399/QĐ - UBND, xếp hạng Từ đường Nguyễn Trung là di tích kiến trúc - nghệ thuật. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với chi phái Nguyễn Trung và gia tộc họ Nguyễn thôn Vọng Nguyệt, mà còn là trách nhiệm của dòng họ trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị của di tích, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.
Nguyễn Thị Trọng - Nguyễn Văn Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay22,833
  • Tháng hiện tại2,364,792
  • Tổng lượt truy cập32,315,224
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây