Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

CA KHÚC HỌ NGUYỄN: NGUYÊN THÁI HỌC

Thứ tư - 09/03/2016 08:49

Nguyen Thai Hoc

Nguyen Thai Hoc
NGUYỄN THÁI HỌC là nhà cách mạng đầu tiên phác họa sách lược Dân Chủ Hóa toàn cõi Đông Dương. Lúc ấy ông mới 25 tuổi. Lòng yêu nước nồng nàn của người sinh viên anh hùng thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, tinh thần bất khuất và tinh thần hy sinh vì quốc gia dân tộc, đã trở thành một thiên anh hùng ca và được lưu truyền muôn thuở. Tinh thần Nguyễn Thái Học là kim chỉ nam cho tuổi trẻ của mọi thế hệ nối gót ông trên con đường mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Việt Nam.

Tác Giả: Tâm Thơ, Ngô Nguyễn Trần
Hòa Âm: Nhạc sĩ Lê Huỳnh
Trình Bày: Ngọc Ánh

 
Nguyễn Thái Học là một trong những lãnh tụ cách mạng của Việt Nam có tầm vóc và trẻ tuổi nhất trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ, tự do và tiến bộ của nhân loại trong đầu thế kỷ 20. Ông là người thành lập, chỉ huy và lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa giành lại chủ quyền cho đất nước và giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của người Pháp. Cuộc nổi dậy và tổng tấn công được phát động vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 diễn ra trên toàn cõi Bắc Kỳ, sau này được lịch sử mệnh danh là cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. Cuộc tổng khởi nghĩa này là một kế hoạch nằm trong sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sau khi triều đình nhà Nguyễn bị ép buộc ký hoà ước Nhâm Tuất năm 1862, hợp thức hoá sự cai trị của Pháp tại Việt Nam. Trong suốt thời gian từ năm đó cho đến trước năm 1930, các phong trào đấu tranh chống Pháp được dấy lên liên tục. Mục đích duy nhất của tất cả các cuộc đấu tranh là đánh đuổi người Pháp, giành lại chủ quyền cho Việt Nam.  Hầu hết lãnh tụ các cuộc kháng chiến trong thời gian này đều có khuynh hướng duy trì chế độ quân chủ phong kiến sau khi thành công.
Trong khi đó, ngoài mục đích giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho dân tộc, cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái còn mang một sắc thái mới, một sắc thái cách mạng đúng nghĩa là, thay thế chế độ phong kiến bằng một thể chế dân chủ tiến bộ hơn.
Vào thời điểm khi cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái xảy ra, thế giới còn phân hóa, chậm tiến, và chưa có công pháp quốc tế như bây giờ. Thời kỳ này là thời kỳ của quyền lực, tiêu diệt, và thống trị, điển hình qua chính sách thuộc địa. Một chính sách được các cường quốc, đặc biệt là các cường quốc tây phương, cổ võ và triệt để ủng hộ. Nói một cách khác, đây là thời kỳ mà các cường quốc tranh nhau đi chinh phục các nước nhược tiểu, hỗ trợ nhau trong việc cai trị, để khai thác tài nguyên của các thuộc địa và dân bản xứ. Nhìn chung, thế giới đang ở trong một hoàn cảnh khá hỗn loạn và phức tạp, bao gồm nhiều khuynh hướng chính trị, kinh tế, và xã hội khác nhau. Một trong những khuynh hướng ấy là khuynh hướng đòi lại Tự do và giành lại Độc lập của dân các nước thuộc đia. Khi ấy, cụm từ "độc lập tự do" trở nên phổ biến, được dùng làm khẩu hiệu, và thường xuyên được thấy trên đôi môi và trong giấc mơ của người dân bản xứ.
Việt Nam thuở bấy giờ là một nước nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu ở Đông Dương, đã bị người Pháp đô hộ và cai trị trong một thời gian dài. Khái niệm Độc Lập Tự Do là một khái niệm quen thuộc và dễ hiểu đối với họ. Nhưng khái niệm Dân Chủ thì còn quá mới mẻ và xa lạ, nếu không nói là mơ hồ, đối với một xã hội mà đa số là nông dân và thất học. Thành phần được đi đến trường rất hiếm hoi, nhất là các trường do Pháp thành lập và bảo hộ. Tệ hơn nữa, sống trong một chế độ phong kiến, người dân Việt Nam còn chịu thêm sự áp bức và bóc lột bởi chế độ thuộc địa của người Pháp. Trong một hoàn cảnh xã hội như vậy, người ta khó lòng để mường tượng, chứ đừng nói đến lĩnh hội được cái khái niệm dân chủ trừu tượng và mơ hồ kia. Đây là một hiện thực và là một thảm trạng chung của dân tộc ba nước Việt Nam, Lào và Cambodia, thường được gọi là ba nước Đông Dương, vào những năm của thập niên 1920.
Sự khai thác và bóc lột của chính sách thuộc địa là nguyên nhân chính đưa đến các cuộc khởi nghĩa liên tục trong suốt thời gian người Pháp cai trị Việt Nam. Đa số các cuộc khởi nghĩa được tổ chức và tham gia bởi hầu hết các tầng lớp của xã hội, bao gồm công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, và giới sĩ phu. Vào năm 1927, Nguyễn Thái Học, một sinh viên của trường cao đẳng thương mại do Pháp bảo hộ, cùng với một số sinh viên trong nhóm Nam Đồng Thư Xã và các thành phần yêu nước của hai miền Bắc Kỳ và Trung Kỳ bí mật thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng cách mạng với mục đích giải phóng đất nước khởi sự thống trị của người Pháp và thay thế chế độ quân chủ phong kiến bằng một chế độ dân chủ. 
Căn cứ theo sử liệu thì Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hoạch định sẽ thiết lập một thể chế dân chủ ở Việt Nam, Lào và Cambodia sau khi thành công trong việc đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dượng. Nói một cách khác, người sinh viên 25 tuổi ấy muốn giải phóng và dân chủ hoá toàn cõi Đông Dượng. Ông đã khai triển sách lược này bằng cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái vào ngày 10 tháng 2 năm 1930.
Thực vậy, trong ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, và cũng là kỳ đại hội lần thứ nhất của đảng cách mạng này, được tổ chức bí mật vào ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại Hà Nôi. Nguyễn Thái Học được bầu làm chủ tịch, và dưới sự lãnh đạo của ông, tất cả các đại biểu đã cùng vạch ra mục tiêu đấu tranh cho tổ chức của họ và được ghi lại trong văn kiện sau đây:
“Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Cộng Hoà . Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặt biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên”. (1)
Suốt thời gian bị cai trị, người Việt đã biết bao lần xử dụng phương thức ngoại giao, thương thảo và điều đình với Pháp để đòi lại chủ quyền nhưng đều thất bại. Người Pháp không chấp nhận bất kỳ hình thức ngoại giao nào của người bản xứ, nếu sự thương thuyết ấy có liên quan đến việc trả lại chủ quyền cho dân tộc đó. Lý do đơn giản là người Pháp đang cố duy trì chính sách thuộc địa, khai thác tài nguyên của các nước nhược tiểu và dân bản xứ, nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế của nước Pháp, nên chưa có ý định rời bỏ Đông Dượng. Trường hợp của Nguyễn Thái Học cũng không ngoại lệ, ông cũng đã gặp và viết thư cho Varenne, toàn quyền Đông Dương, nhưng đã không nhận được một sự trả lời nào của ho. Vì không còn giải pháp nào khác, nên Nguyễn Thái Học và các đồng chí quyết định làm một cuộc cách mạng vũ trang, đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam.
Không những chỉ đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, người sinh viên 25 tuổi còn muốn giúp các dân tộc trong vùng đang bị đô hộ giành lại độc lập và tự do cho quốc gia họ. Trong đó Lào và Cambodia, là hai quốc gia láng giềng của Việt Nam và cũng là những thuộc địa của Pháp. Nói một cách khác, văn kiện trên đây chứng tỏ công cuộc giải phóng toàn cõi Đông Dương khỏi ách thống trị của Pháp là một trong hai mục tiêu đấu tranh chính của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Có hai lý do để Nguyễn Thái Học quyết định giải phóng Đông Đượng. Ngoài lý do “thấy cảnh bất bình rút đao tương trợ”, người ta có thể hiểu là việc giải phóng Lào và Cambodia nằm trong mục tiêu chiến lược, liên quan đến nền độc lập và hoà bình lâu dài cho Việt Nam. Lãnh tụ họ Nguyễn và các đại biểu không thể không nhìn thấy thế chiến lược quan trọng về phương diện chính trị và quân sự của ba nước Đông Dương đối với cuộc đấu tranh cách mạng của họ. Ông ta và các đồng chí chắc chắn đã nhận định rằng độc lập, tự do, dân chủ của Lào và Cambodia liên quan mật thiết đến độc lập, tự do, dân chủ của Việt Nam.
Do đó, quyết định hỗ trợ Lào và Cambodia đánh đuổi người Pháp là một nhận định khôn ngoan và thật cần thiết. Thật vậy, khi nhìn vào vị trí của ba nước này trên bản đồ thì bất kỳ người nào, không cần phải là một nhà quân sự lỗi lạc, cũng có thể lập luận là nếu chỉ đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, không sớm thì muộn, từ thuộc địa Lào và Cambodia, chắc chắn họ sẽ trở lại Việt Nam. Từ trước đến nay, Lào và Cambodia luôn luôn được xem là những quốc gia vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ biên giới trọng yếu phía Tây của Việt Nam.
Khi người ta nói đến thể chế Cộng hoà có nghĩa là người ta đang nói về thể chế Dân chủ. Cộng hoà là một tên gọi khác của Dân chủ. Mục đích đấu tranh thứ hai của Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo văn kiện trích dẫn trên đây là, thành lập một nước Việt Nam Cộng Hoà sau khi thành công trong việc đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương. Mục tiêu này diễn tả đầy đủ tính chất cách mạng của tổ chức mà họ thành lâp. Cách mạng là thay đổi cái cũ, lạc hậu bằng cái mới tốt đẹp và văn minh hơn. Cuộc cách mạng của họ là thay chế độ quân chủ phong kiến bằng chế độ dân chủ sau khi mục tiêu thứ nhất được hoàn thành.
Tuy văn kiện không nói rõ việc thành lập nền Cộng hoà hay Dân chủ ở Lào và Cambodia, nhưng từ mục đích hỗ trợ các dân tộc Lào và Cambodia giải phóng đất nước của họ, thêm sự phân tích tư thế chiến lược của ba nước đã được trình bày, cho phép người ta suy luận là, Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ giúp đỡ và hỗ trợ phong trào hoặc đảng phái nào có  khuynh hướng đấu tranh cách mạng tương tự như khuynh hướng đấu tranh của ho. Vả lại, một khi công cuộc giải phóng thành công, chắc chắn mối quan hệ giữa ba nước này sẽ trở nên mật thiết hơn. Việt Nam sẽ được xem là một nước láng giềng tốt và là một đồng minh đáng tin cậy trong việc bảo vệ, canh tân và phát triển đất nước của họ, cũng như của Đông Dương. Lập luận xây dựng thể chế Dân chủ ở Lào và Cambodia, và Việt Nam sau khi Nguyễn Thái Học thành công trong việc giải phóng Đông Dương là một lập luận hợp lý. Một ví dụ cụ thể là Cộng sản quốc tế, trong đó có Cộng sản Trung quốc, hỗ trợ đảng Cộng sản Việt Nam, Cộng sản Việt Nam giúp đỡ đảng Cộng sản Lào và đảng Cộng sản Cambodia, kết quả là tất cả các quốc gia này đều theo chế độ Cộng sản.
Cũng trong đêm 25 tháng 12 năm 1927, sau khi đưa ra mục tiêu đấu tranh đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, Lào va Cambodia, Nguyễn Thái Học cùng với 36 đại biểu đại diện cho 14 tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đa số cùng trạc tuổi với ông, vạch ra một lộ trình cho Việt Nam Quốc Dân Đảng trong kế hoạch thực hiện mục tiêu của sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương. Trong đêm lịch sử đó, họ đã chia lộ trình của cuộc đấu tranh làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn cuối của lộ trình là giai đoạn kiến thiết, được chia làm ba thời kỳ và ghi lại trong văn kiện sau:
“1) Thời kỳ Quân chính: Quân cách mạng chiếm được đến đâu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.
2) Thời kỳ Huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giáo hoá dân quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, vv.. Trong hai thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị Quốc”.
3) Thời kỳ Hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu cử Quốc Dân Đại hội, xây dựng Hiến pháp và trao trả chính quyền lại cho toàn dân”. (2)
Trong ba thời kỳ của giai đoạn kiến thiết, thì hai thời kỳ sau là đáng chú ý, vì nó đề cập đến việc thành lập một thể chế dân chủ cho Việt Nam. Nội dung của thời kỳ Huấn chính chứng tỏ là họ đã nghiên cứu những khó khăn trong quá trình thay đổi chế độ từ phong kiến sang dân chủ. Cái khó khăn nhất mà họ đương đầu là nâng cao trình độ văn hoá và kiến thức của người dân. Điều này được diễn tả trong văn kiện khá rõ ràng, qua kế hoạch tổ chức các cơ cấu dân cử, cũng như kế hoạch giáo hóa người dân về bổn phận, trách nhiệm, và quyền hạn của họ trong một chế độ dân chủ. Và đó cũng là lý do tại sao họ đưa ra chính sách "Dĩ Đảng Trị Quốc" trong thời gian này.
Thời kỳ này là giai đoạn đất nước chuyển tiếp từ chế độ quân chủ phong kiến sang chế độ dân chủ. Đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu và chu đáo để trang bị những kiến thức căn bản về dân chủ cho người dân. Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn tranh tối tranh sáng. Quyền dân chủ có thể bị vi phạm một cách nghiêm trọng vì vô tình hoặc cố ý. Không cẩn thận thì đất nước sẽ rơi vào hoàn cảnh rối loạn, xã hội mất an ninh trật tự, cuộc sống người dân sẽ bất ổn. Do đó, chủ trương nắm quyền điều khiển đất nước của họ trong giai đoạn này là hợp lý. Đây có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong giai đoạn kiến thiết. Qua sự phân tích này, người ta nhận thấy Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã chủ tâm  quyết định thiết lập chế độ dân chủ, nên họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng về thể chế tiến bộ này cũng như những đòi hỏi căn bản cần thiết của nó, trước khi vạch ra lộ trình cho sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương.
Thời kỳ Hiến chính là giai đoạn cuối của giai đoạn kiến thiết. Chế độ Dân chủ được hình thành, được mô tả một cách rõ nét và dễ hiểu, qua cách bầu cử với hình thức phổ thông đầu phiếu Quốc Dân Đại Hội, mà bây giờ được gọi là Quốc Hội. Cơ quan này sẽ do dân bầu ra, và sẽ giữ nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp. Đó là hình ảnh của một thể chế Dân chủ. Một sự kiện quan trọng khác cũng được đề cập đến trong giai đoạn này là, việc họ khẳng định Việt Nam Quốc Đảng sẽ rút lui, trao trả chính quyền lại cho toàn dân vì nhiệm vụ cách mạng của họ đã hoàn tất. Đây là một hình ảnh cách mạng dân chủ, mang trọn vẹn ý nghĩa cách mạng chân chính thật sự.
Nội dung của hai giai đoạn Huấn chính và Hiến chính tuy đơn giản, nhưng đã cho người ta hình dung được một thể chế dân chủ rõ ràng, cũng như thể hiện một sự quyết tâm của Nguyễn Thái Học và chính sách của Việt Nam Quốc Dân Đảng về việc xây dựng một chính thể tiến bộ ở Việt Nam. Thể chế dân chủ này có một số điều căn bản được tìm thấy trong các chế độ dân chủ của các quốc gia tiến bộ trong thế kỷ 21. Chẳng hạn như hình thức phổ thông đầu phiếu, bầu cử Quốc Hội, soạn thảo hiến pháp, là những điều mà không thể có trong chế độ phong kiến cũng như dưới chế độ Cộng sản.
Trong thế kỷ 21, tiến bộ và văn minh của nhân loại được xem là vượt bực so với so với những năm của thập niên 1920. Đó là nhờ khái niệm dân chủ được phổ biến, khuyến khích và áp dụng một cách rộng rãi trên toàn cầu. Khái niệm dân chủ bây giờ không còn là điều mơ hồ và khó hiểu như những năm tháng dưới chế độ thuộc địa nữa.
Thật vậy, dẫu cho các văn kiện được chuyển dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào chăng nữa, cái ý nghĩa nguyên thuỷ của văn kiện vẫn không thay đổi. Tóm lại, kết qủa sự nghiên cứu và phân tích các văn kiện cho phép người ta đã khẳng định là:
Người sinh viên 25 tuổi Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã vạch ra sách lược dân chủ hóa toàn cõi Đông Dương vào năm 1927.
Từ sự khẳng định này, người ta không do dự để đi kết luận rằng, cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái không đơn thuần là chỉ đánh đuổi Pháp giành lại tự do độc lập cho Việt Nam, mà mục tiêu xa hơn của cuộc khởi nghĩa là:
Thực hiện một cuộc cách mạng thay chế độ quân chủ và thuộc địa bằng một thể chế dân chủ tiến bộ mà hiện nay nhân loại đang cổ súy.
Phân tích lại lịch sử, người ta sẽ không lấy làm lạ về cái tư tưởng dân chủ rất mạnh mẽ, cũng như cái viễn kiến của Nguyễn Thái Học về một tương lai sáng sủa, tốt đẹp của Việt Nam trong một chế độ dân chủ. Là một sinh viên theo Tây học, sống trong chế độ phong kiến và thuộc địa, nên chắc chắn ông đã được trang bị một kiến thức khá bao quát về tình hình kinh tế và chính trị của Đông Dương và thế giới lúc đó.
Nguyễn Thái Học đã lĩnh hội những khuyết điểm và ưu điểm từ chế độ phong kiến đến chế độ thuộc địa, từ chủ nghĩa Xã Hội đến Nguyên Tắc Tam Dân của Tôn Dật Tiên, từ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh đến phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, và đặc biệt là sự hình thành của nền Dân chủ của Hoa Kỳ vào năm 1787, và thể chế Cộng hoà ở Pháp vào năm 1789. Một điều đáng chú ý là, mặc dù chống Pháp nhưng ông rất thích đọc và nghiên cứu cuộc cách mạng của nước này (3). Bên cạnh đó, vì là sinh viên nên bạn bè và những đồng chí của ông đa số cũng nằm trong giới sinh viên theo Tây học, trong số đó có người từng đi du học ở Pháp về. Sống và sinh hoạt trong một môi trường như vậy nên khái niệm Dân chủ tiến bộ đã sớm được hình thành trong tư tưởng của người lãnh tụ trẻ tuổi này.
Qua hình ảnh trên, người ta có thể hình dung là tư tưởng của Nguyễn Thái Học có lẽ chịu ảnh hưởng của Nguyên Tắc Tam Dân, của nền Dân chủ Hoa Kỳ, và của thể chế Cộng hoà ở Pháp. Căn cứ vào tiêu chí “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc”’ được Việt Nam Quốc Dân Đảng sử dụng sau này, có lập luận cho rằng Nguyễn Thái Học chủ trương theo Nguyên Tắc Tam Dân. Tuy nhiên, trong suốt thời gian hoạt động của ông, kể từ ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, nghĩa là từ ngày 25 tháng 12 năm 1927 cho đến khi bước lên pháp trường Yên Bái vào ngày 17 tháng 6 năm 1930, theo sử liệu thì tiêu chí ấy không hề được ông nhắc đến cũng như không thấy xuất hiện trong các bút tích mà ông lưu lại cho hậu thế. Hoàng Văn Đào và Nhượng Tống (4), hai sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng không hề đề cập đến tiêu chí đó, và cũng không hề nhắc đến việc ông dùng Nguyên Tắc Tam Dân làm nền tảng hoạt động trong các tài liệu của họ.
Một sự kiện tuy không được đề cập đến, không có nghĩa là sự kiện ấy không xảy ra. Tuy nhiên đây là một trường cá biệt, vì chủ trương và đường lối của một đảng cách mạng không phải là một sự kiện nhỏ nhặt, để có thể bị quên hoặc bỏ qua. Hơn nữa, cương lĩnh của đảng lại được tường thuật và ghi chép lại bởi những nhân chứng, những người đã giữ các vai trò quan trọng trong tổ chức này kể từ ngày thành lập Việt Nam Quốc Đảng cho đến ngày tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. Do vậy, đây là các tài liệu mà tính khả tín của nó đã được khẳng định, cũng như không thể nào bị nghi ngờ hoặc phủ nhận. Nói một cách khác, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không hề được đề cập đến, ít ra là trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1930. Lập luận cho rằng Nguyễn Thái Học dùng Nguyên Tắc Tam Dân làm nền tảng đấu tranh cho tổ chức này vẫn còn là một nghi vấn, hay nói đúng hơn là không có cơ sở thuyết phục vững chắc.
Tư tưởng cách mạng đã được hình thành nơi con người của Nguyễn Thái Học rất sớm. Ông đã có tư tưởng cách mạng khi mới mười tuổi (5). Đây là một sự kiện đặc biệt, đáng chú ý. Chi tiết này chứng tỏ suốt 18 năm sau đó, nghĩa là cho đến ngày phát động cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, có lẽ tâm hồn và suy nghĩ của Nguyễn Thái Học thường xuyên bị chiếm ngự bởi tư tưởng cách mạng cùng với các khuynh hướng chính trị và thể chế xã hội khác nhau. Cộng thêm cái băn khoăn và mặc cảm về sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước so với sự văn minh và giầu có của tây phương; với tất cả những ảnh hưởng và tác động đó, có lẽ là những nguyên nhân khiến ông quyết định làm một cuộc cách mạng dân chủ, và phác họa một tương lai xán lạn cho Việt Nam qua sách lược Dân Chủ Hoá toàn cõi Đông Dương.
Chế độ thuộc địa và người Pháp đã làm Việt Nam đánh mất một cơ hội hiếm có để phát triễn như những nước dân chủ tây phương. Thật vậy, với đà phát triển của thế giới ngày nay, có lẽ người ta sẽ không quá chủ quan khi cho rằng, bảy thập niên là thời gian đủ để cho Việt Nam trở thành một nước vững mạnh, một khi thể chế dân chủ được dùng làm nền tảng cho quá trình phát triển của xứ sở ấy trong suốt bẩy mươi mấy năm qua.
Có lẽ đã đến lúc người Việt Nam nên cho thế giới hiểu là không phải mới đây, mà lâu rồi, nghĩa là hơn bảy thập niên về trước, dân tộc Việt Nam đã lĩnh hội cái khái niệm dân chủ đang được nhiều quốc gia, kể cả nước Pháp, cổ suý khắp nơi trên thế giới. Thêm nữa, Việt Nam cũng nên cho các quốc gia trên thế giới biết rằng, dân tộc của họ đã từng chiến đấu cho tự do dân chủ, không những cho Việt Nam mà còn cho cả Đông Dương từ năm 1927.
Làm sáng tỏ vấn đề này, quốc tế mới có cơ hội biết đến công lao và xương máu mà dân tộc Việt Nam đã đóng góp vào việc cổ suý phong trào dân chủ của thế giới, một sự đóng góp đã từng bị người Pháp xuyên tạc và bôi nhọ. Làm sáng tỏ vấn đề này, người Việt sẽ có thêm cái cơ hội đánh tan những suy nghĩ lệch lạc của một số người ngoại quốc cho rằng, miền Nam bị mất là vì những người Việt tự do đã không chịu chiến đấu.
Hơn một thập niên trở lại đây, những xung đột ở Trung Đông đã liên tiếp tạo ra các cuộc chiến ở vùng Vịnh, Afghanistan và Iraq với sự tham chiến của nhiều nước trên thế giới. Những cuộc chiến tranh liên tiếp, cộng thêm biến cố 911 trong năm 2001 ở Hoa Kỳ, khiến người ta lo ngại trước một viễn ảnh là chiến tranh có thể ngày càng lan rộng đến các lục địa còn lại nếu quốc tế không có giải pháp kịp thời.
Với sự ủng hộ của đồng minh, Tổng Thống Hoa Kỳ, George W. Bush, đã tuyên bố với thế giới về sách lược Dân Chủ Hoá Toàn Cầu, được xem là một giải pháp có khả năng ngăn chặn những cuộc chiến tranh đang có nguy cơ bùng nổ trong tương lai. Với sách lược này, người ta hy vọng Hoa Kỳ đang mở ra một lộ trình mới cho thế giới, nhằm giảm bớt chiến tranh, và đem lại một nền hoà bình lâu dài cho nhân loai. Thế giới hân hoan khi nghe lời tuyên bố của Tổng Thống Bush, đồng minh của Hoa Kỳ cũng hân hoan, ủng hộ, và tin tưởng vào giải pháp này.
Tuy nhiên, cách đây hơn bảy thập niên, có lẽ người ta sẽ không mấy hân hoan khi khám phá ra rằng, trong một căn nhà nhỏ ở Hà Nội, một sinh viên Việt Nam 25 tuổi, đã bí mật vạch ra sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương, có cùng mục đích cơ bản với sách lược của thế giới đang cổ súy, đó là việc đem lại thịnh vượng và hoà bình cho người dân của ba nước thuộc địa Việt Nam, Lào và Cambodia.
Tên tuổi của Nguyễn Thái Học đã đi vào lịch sử Việt Nam. Ông là người anh hùng của dân tộc và không còn là biểu tượng riêng của một đảng phái nào cả. Ngoài việc ngưỡng mộ cái khí tiết và cái chết hào hùng của ông, người đời sau còn ngưỡng mộ tinh thần trách nhiệm, lòng ái quốc và yêu chuộng hoà bình của một sinh viên, một nhà cách mạng, một lãnh tụ 25 tuổi quê quán ở Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phú).
Lịch sử đấu tranh của Việt Nam không thiếu những anh hùng liệt nữ. Nhưng trong lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc, phong thái và tinh thần của Nguyễn Thái Học, có lẽ được xem là hình ảnh gần gũi nhất với các thế hệ sau ông.
Tinh thần Nguyễn Thái Học nên được phát huy trong việc xây dựng, và đào tạo thế hệ mai sau của Việt Nam vì cái vốn liếng quý giá nhất của một quốc gia là con người. Con người có tinh thần dân tộc – dĩ nhiên là không phải cực đoan và quá khích - càng cao thì trách nhiệm và sự quan tâm của họ đối với quốc gia càng nhiều. Đây là nguyên lý và là nền tảng căn bản để phát triển một quốc gia vững mạnh.
Trong các cuộc xuống đường đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, ngoài lá cờ, người ta còn thấy có hình ảnh của một vị lãnh tụ hoặc anh hùng của dân tộc ấy. Từ bao năm nay, các cuộc xuống đường của người Việt tự do vẫn còn thiếu hình ảnh một nhân vật như vậy, và đó là một thiếu sót quan trọng. Người Việt tự do cần một biểu tượng cho phong trào vận động quần chúng. Người sinh viên anh hùng Nguyễn Thái Học có lẽ là một biểu tượng thích hợp nhất cho phong trào đấu tranh tự do và dân chủ hiện nay.
Người Việt của các thế hệ sau Nguyễn Thái Học, dù là người miền Bắc hay miền Nam, dù sống dưới bất kỳ chế độ nào, dù là Quốc gia hay Cộng sản, dù ở quốc nội hay hải ngoại, tất cả đều ca ngợi tinh thần trách nhiệm và và viễn kiến của người sinh viên Nguyễn Thái Học đối với tự do dân chủ của Việt Nam. Cuộc sống riêng tư và cuộc đời đấu tranh của ông cộng thêm cái kết thúc hào hùng ở pháp trường Yên Bái, nếu được kể lại, đôi khi người ta cứ ngỡ là một câu chuyện huyền thoại. Biết bao học sinh, sinh viên đã say mê, và bị cái hình ảnh hào hùng này lôi cuốn trong giờ sử học trong nhiều thập niên qua.
Câu chuyện này phải được truyền tụng vì đó là sự hãnh diện và niềm tin của dân tôc. Hoàn cảnh hiện tại của xã hội Việt Nam khiến người ta không khỏi lo âu về tiền đồ của đất nước. Cũng như người ta đang băn khoăn về thế hệ tương lai của xứ sở này. Việt Nam cần nhiều sinh viên Nguyễn Thái Học, không phải nhiều mà là rất nhiều, không phải rất nhiều mà cả một, hoặc hai, và có thể nhiều thế hệ, trong mọi lãnh vực, văn hoá, khoa học, xã hội, kinh tế, chính tri, để đấu tranh và vận động tự do dân chủ, để xây dựng một thể chế dân chủ, để lãnh đạo một quốc gia dân chủ, và để thúc đẩy một Việt Nam tụt hậu bắt kịp với đà tiến triển của thế giới một cách thực tế, chứ không phải bằng khẩu hiệu nữa. Tuy nhiên, điều cần làm trước tiên là hãy trang bị cho tuổi trẻ Viet Nam một thứ vũ khí cần thiết. Thứ vũ khí ấy không phải là súng đạn, không phải là tranh giành và đố kỵ, không phải là chia rẽ và thù hận, vũ khí ấy chính là Tinh Thần Trách Nhiệm của người sinh viên Nguyễn Thái Học.
Tinh thần của Nguyễn Thái Học đã vượt qua biên giới của chính tri và thù hận. Tên của ông đã được cả hai chế độ dùng đặt cho các con đường ở hầu hết các thành phố của hai miền Nam Bắc. Hiện nay ở Hà Nội, đường Nguyễn Thái Học một đại lộ dài, thật đẹp, và là con đường được một số quốc gia chọn làm nơi đặt toà đại sứ của ho. Khi chọn con đường này, có lẽ, nếu không nói là chắc chắn, họ cũng đã tìm hiểu ý nghĩa cái tên Nguyễn Thái Học, nghe kể về huyền thoại của ông, cũng như nghe nhắc đến cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. Duy có điều là các quốc gia này có lẽ chưa được nghe kể về sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương của dân tộc Việt Nam.
Cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái trong sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng không những đã bắt đầu cho làn sóng đấu tranh chống Pháp với hình thức quy mô hơn, mà còn lồng vào đó một khuynh hướng xã hội và chính trị tiến bộ rõ nét, mở đầu cho một hình thái đấu tranh mới cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do và tiến bộ của Việt Nam trong đầu thế kỷ 20.
Cuộc tổng Khởi Nghĩa Yên Bái và sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương là các sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc Việt Nam. Trong khi các quốc gia tiến bộ đang hô hào và cổ võ sách lược Dân Chủ Hoá Toàn Cầu, trong tình huống ấy, một cách công bằng và hợp lý, người ta cũng nên kêu gọi quốc tế nghiên cứu, đánh giá, và ghi nhận sự đóng góp xương máu của dân tộc Việt Nam và của nhà cách mạng, người sinh viên anh hùng Nguyễn Thái Học trong việc cổ suý phong trào Dân Chủ của nhân loại.
CHÚ THÍCH:
(1) Hoàng Văn Đào, VNQĐ - Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 33.
(2) Hoàng Văn Đào, VNQĐ - Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 38, 39.
(3) Hoàng Văn Đào, VNQĐ - Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 495.
(4) Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học (1902-1930), Nhà xuất bản Việt Nam Thư Xã, 1945.
(5) Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học (1902-1930), Nhà xuất bản Việt Nam Thư Xã, 1945, tr. 4.
 
Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
 Nguyễn Thái Học là con cả của một gia đình trung nông thuộc làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Thổ Tang vốn là một làng trù phú, dân làng vừa làm ruộng, vừa buôn bán nên nhìn chung đời sống kinh tế tương đối khá hơn các làng lân cận. 
Thuở nhỏ, Nguyễn Thái Học được gia đình cho học chữ Hán. Sau đó ông theo học trường phổ thông Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Vĩnh Yên. Ngay từ lúc mới 15, 16 tuổi Nguyễn Thái Học thường được thế hệ cha anh kể cho nghe chuyện về Đội Cấn và một số phong trào chống Pháp nên đã sớm giác ngộ lòng yêu nước. Ông ngầm nuôi ý chí đánh đổ chế độ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc và trả thù rửa hận cho các chiến sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp giết hại. 
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tiểu học, năm 1921, Nguyễn Thái Học thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian gần 3 năm học ở trường này, Nguyễn Thái Học đã nhiều lần công khai phản đối thái độ và hành vi phân biệt, miệt thị người bản xứ của một số giám thị và giáo viên người Pháp. Trùm mật thám Louis Marty từng nhận xét: "Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh, hay cãi lại thầy giáo". 
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm (1924), Nguyễn Thái Học có tham dự kỳ thi tuyển công chức của chính quyền thực dân, nhưng sau khi thi đỗ ông lại không nhậm chức mà nộp đơn xin học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương. Trong thời gian Nguyễn Thái Học học tập tại Đại học Đông Dương (1925 - 1927) đã diễn ra nhiều chuyển biến rất quan trọng trong phong trào yêu nước Việt Nam. Trước đó, từ cuối năm 1923 những bài diễn thuyết sục sôi của Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, rồi tờ báo La Cloche fêlée (Chuông rè) của ông đã góp phần mạnh mẽ thức tỉnh tinh thần yêu nước của thanh niên, sinh viên cả nước. Năm sau, ngày 19.6.1924 tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái trong cuộc mưu sát hụt toàn quyền Đông Dương Martial Merlin và tấm gương hy sinh dũng cảm của người thanh niên yêu nước này đã làm chấn động toàn cõi Việt Nam, thúc giục các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên hăng hái dấn thân vào con đường cứu nước. 
Tháng 11.1925, mật thám Pháp bí mật bắt cóc Phan Bội Châu tại Thượng Hải. Chúng đưa cụ về giam ở Hoả Lò (Hà Nội), định bí mật thủ tiêu. Khi tin tức về sự kiện này lọt ra ngoài, lập tức một phong trào đấu tranh sục sôi của nhân dân cả nước đã bùng nổ, đòi thực dân Pháp phải đưa cụ Phan ra xét xử công khai và cuối cùng, phải tuyên bố ân xá nhà yêu nước lão thành này. Đầu năm sau, Phan Chu Trinh, một lãnh tụ lớn khác của phong trào yêu nước từ đầu thế kỷ XX, đã trở về Sài Gòn sau nhiều năm lưu trú ở nước ngoài. Ngày 24.3.1926 Phan Chu Trinh tạ thế ở Sài Gòn. Ngay sau đó, một phong trào để tang cụ được nhân toàn quốc hưởng ứng mạnh mẽ. 
Cũng trong những năm này ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng Trung Quốc, đặc biệt là học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn cũng dội mạnh vào Việt Nam và được nhiều thanh niên, trí thức nhiệt liệt đón chào. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về tới Quảng Châu (Trung Quốc) liên lạc với nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã và lập ra Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên (6.1925), ra tờ báo Thanh niên kêu gọi thanh niên trí thức yêu nước hăng hái đứng lên lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đập tan gông xiềng nô lệ thực dân, giải phóng dân tộc. 
Trong bối cảnh đó, hàng nghìn thanh niên, trí thức đã hăng hái dấn thân, tham gia tích cực vào các hoạt động yêu nước. Nguyễn Thái Học là một trong những người sớm tham gia tích cực và đi đầu trong làn sóng đấu tranh đó. Ngay khi còn đang là sinh viên Đại học Đông Dương, cuối năm 1926, cùng với một số thanh niên trí thức yêu nước khác như Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch v.v., ông đã lập ra Nam Đồng thư xã ở Hà Nội. Cũng giống như Cường học thư xã của nhóm thanh niên yêu nước do Trần Huy Liệu đứng đầu lập ra ở Sài Gòn, Nam Đồng thư xã vừa giống như một nhà xuất bản, một hiệu sách đồng thời như một nhóm biên soạn, tập trung vào việc biên soạn, dịch thuật, phát hành sách báo phổ biến các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng Tôn Trung Sơn, ca ngợi các tấm gương nghĩa liệt, những anh hùng cứu quốc là người Việt Nam và nước ngoài. Thông qua đó, Nam Đồng thư xã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp, và trên thực tế Nam Đồng thư xã đã trở thành một trong những nơi quy tụ thanh niên, trí thức yêu nước ở Bắc Kỳ. 
Cũng trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varrenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một loạt cải cách tiến bộ ở Việt Nam. Sở dĩ Nguyễn Thái Học gửi những đề xuất cải cách của mình cho A. Varrenne vì ông ta vốn là một đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, vừa mới tới nhậm chức toàn quyền đã quyết định ân xá Phan Bội Châu và hứa hẹn nhiều cải cách rộng lớn ở xứ thuộc địa Đông Dương. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa suông, và ông ta không bao giờ quan tâm, trả lời những bức thư đầy tâm huyết của Nguyễn Thái Học.  
Hoàn toàn thất vọng về con đường cải cách, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đi đến quyết định là: con đường duy nhất để mở ra cơ hội phát triển cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường dùng vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp, sau đó tự mình tiến hành công cuộc kiến thiết đất nước. Nguyễn Thái Học và nhóm Nam Đồng thư xã khẩn trương chuẩn bị để lập ra một tổ chức yêu nước bí mật. Ông đành thôi học và dành toàn bộ thời gian cho việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho công cuộc cứu nước mới. 
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm ngày 24.12.1927 một hội nghị đã được tổ chức tại Hà Nội với nòng cốt là nhóm Nam Đồng thư xã, đã quyết định lập ra Việt Nam Quốc dân Đảng. Nguyễn Thái Học được Hội nghị bầu làm Chủ tịch đảng. 
Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Quốc dân Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển cơ sở trong các tầng lớp dân chúng trên cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đảng đã liên lạc và sáp nhập thêm tổ chức Việt Nam dân quốc ở Bắc Giang do Nguyễn Khắc Nhu đứng đầu. Gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng còn có thêm các nhóm nhân sĩ và trí thức yêu nước ở Bắc Ninh do Nguyễn Thế Nghiệp tổ chức, nhóm khác ở Thanh Hoá do Hoàng Văn Đào đứng đầu, một nhóm ở Thái Bình do Hà Đình Điển tổ chức và một nhóm ở Sài Gòn do Trần Huy Liệu đứng đầu. Cơ sở tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng phát triển tương đối nhanh trong năm 1928 và đầu năm 1929, thu hút hàng nghìn thanh niên trí thức, công chức và binh lính Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp. Việt Nam Quốc dân Đảng cũng cử người bắt liên lạc với Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng để bàn thảo việc thống nhất về tổ chức và phối hợp hoạt động vì mục đích giải phóng dân tộc. 
Trong quá trình hoạt động, nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị ảnh hưởng của tư tưởng anh hùng cá nhân, phiêu lưu, mạo hiểm. Ngày 9.2.1930, nhóm đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở Hà Nội đã tổ chức ám sát trùm mộ phu đồn điền Bazin làm chấn động dư luận Pháp, khiến cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương hoang mang. Để đối phó, thực dân Pháp đã mở một chiến dịch đàn áp, truy quét gắt gao các chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Do tổ chức khá lỏng lẻo, cơ sở tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng bị đánh phá nghiêm trọng, hàng trăm đảng viên bị bắt hoặc bị giết. Riêng đối với Nguyễn Thái Học, linh hồn của Việt Nam Quốc dân Đảng, thực dân Pháp treo giải thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương cho ai bắt hoặc giết được ông. 
Trong tình hình khẩn trương như vậy, tại Hội nghị lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng ngày 1.7.1929, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định không thể ngồi chờ thực dân Pháp lùng bắt, giết hại, phá tan đảng, mà phải gấp rút chuẩn bị và tiến hành một cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang" để một mặt đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước trong dân chúng, củng cố uy tín của đảng, và nếu có thất bại thì "Không thành công cũng thành nhân". 
Với tinh thần quyết tử, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí, trong đó có bà Nguyễn Thị Giang, người vợ vừa đính hôn của ông, dồn tâm sức chuẩn bị cho một cuộc vùng lên quyết liệt. Các cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng ra sức chuẩn bị vũ khí, đúc bom tự tạo, mua súng, tiến hành binh vận. Trong khi đó, thực dân Pháp cũng tung hết lực lượng mật thám ra truy lùng, cài gián điệp vào các cơ sở của đảng, quyết tâm bắt hoặc giết bằng được Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và bộ chỉ huy đầu não của Việt Nam Quốc dân Đảng, hòng dập tắt cuộc bạo động từ trong trứng nước.  
Được tin Việt Nam Quốc dân Đảng đang nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang trong điều kiện khách quan chưa chín muồi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi đó đang hoạt động ở Bắc Xiêm (Thái Lan) lập tức lên đường đi về nam Trung Quốc để tìm cách bắt liên lạc, bàn với Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng hoãn cuộc bạo động lại, nhưng không kịp. 
Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra trên hai địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm ngày 9.2.1930. Nguyễn Thái Học sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, trong khi Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính được phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Gần tới ngày nổi dậy, do cơ sở ở miền xuôi tương đối yếu lại bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu hoãn cuộc nổi dậy tới ngày 15.2. Tuy nhiên, liên lạc viên lại bị địch bắt giữa đường. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một loạt các địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10.2.1930. Quyết liệt nhất là cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái. Quân nổi dậy đã chiếm được một phần đồn binh Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày. 
Do không có sự phối hợp với các cuộc nổi dậy ở địa phương khác, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp và dập tắt. Tuy vậy, ngày 15.2.1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi đã thất bại, Nguyễn Thái Học và cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Cuộc vùng lên quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương). 
Thực dân Pháp quyết định dùng vũ lực tối đa để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng và khủng bố tinh thần yêu nước của dân chúng. Chúng tung toàn bộ lực lượng mật thám, quân đội, bảo an ra lùng sục, càn quét, hòng bắt giam và giết hại các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng. Chúng còn cho 5 chiếc máy bay đến ném bom triệt hạ làng Cổ Am, căn cứ của Việt Nam Quốc dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền thực dân của một cường quốc phương Tây phải sử dụng tới máy bay chiến đấu để đàn áp một cuộc nổi dậy của dân chúng bản xứ. 
Được sự che chở của quần chúng yêu nước, Nguyễn Thái Học vẫn thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của thực dân Pháp. Cùng với một số yếu nhân còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng ông bàn bạc và dự định cải tổ lại đảng và thay đổi phương hướng chiến lược của Đảng. Chính vào lúc công việc này mới được khởi động thì ngày 20.2.1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ông bị Hội đồng Đề hình thực dân kết án tử hình ngày 23.3.1930. Ngày 17.6.1930, thực dân Pháp đã hành quyết Nguyễn Thái Học và 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái bằng máy chém. Trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Học còn cố hô to "Việt Nam vạn tuế!" 
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng tuy thất bại nhưng thực sự là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Với tư cách là người sáng lập và lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học thực sự là một trong những người tiêu biểu nhất thuộc lớp trí thức Tây học sớm dấn thân, xả thân cứu nước trong nửa đầu thế kỷ XX. Tấm gương hy sinh dũng cảm của ông trở thành một nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ thanh niên trí thức yêu nước sau này trong cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt lâu dài vì độc lập và tự do của tổ quốc. Nguyễn Thái Học "không thành công" nhưng đã thực sự "thành nhân". Ông được Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận là liệt sĩ (24.2.1976) và tên của ông được đặt cho một trong những con phố lớn tại Hà Nội./.
 
Phạm Việt Khanh [100 Years-VietNam National University,HaNoi] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay35,606
  • Tháng hiện tại2,286,802
  • Tổng lượt truy cập32,237,234
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây